Nghịch lý thịt bò: Giá hơi giảm, giá chợ cứ cao
Giá thịt bò ở chợ vẫn cao nhưng nghịch lý là nhiều người dân đang tìm cách bán hết cả đàn bò thịt vì giá giảm 40-60% so với cách đây hơn hai năm.
Nghịch lý thịt bò: Giá hơi giảm, giá chợ cứ cao
Giá thịt bò ở chợ vẫn cao nhưng nghịch lý là nhiều người dân đang tìm cách bán hết cả đàn bò thịt vì giá giảm 40-60% so với cách đây hơn hai năm.
Thịt bò nội được bán tại chợ Phạm Văn Hai, TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH
Sau heo hơi, bò thịt là ngành chăn nuôi tiếp theo rơi vào đợt giảm giá kéo dài chưa từng thấy trong lịch sử.
Bán cả đàn bò vì thua lỗ
Chị Trịnh Thị Thu, trú huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk), cho biết năm 2016, chị mua 6 con bò cả đực lẫn cái với số tiền tổng cộng 150 triệu đồng.
Việc chăn nuôi khá thuận lợi. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay giá bán bò thịt rớt thê thảm, chị cắn răng bán đi đàn bò 11 con cả lớn lẫn bé với giá 53 triệu đồng.
“Cả tiền công chăm sóc, thức ăn, tôi lỗ hơn 120 triệu đồng dù đàn bò tăng gần gấp đôi so với ban đầu” – chị Thu chua xót.
Tại Ninh Thuận, ông Trần Ngọc Thường, một lái buôn bò ở xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, cho biết giá bò lai đẹp trước đây có giá 20-21 triệu đồng/con, nay hạ còn 7-8 triệu đồng/con.
Không chỉ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giá bò thịt cũng giảm mạnh ở khu vực ĐBSCL.
Vừa dẫn đàn bò trên chục con ra bãi cỏ, ông Lâm Sanh (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) thở dài: “Chưa bao giờ giá bò thịt giảm mạnh như lúc này. Nếu nay mai giá bò không nhích lên, tôi sẽ bán hết rồi kiếm cái gì đó buôn bán”.
Theo ông Sanh, giá bò đã giảm bằng thịt heo, chỉ còn trên 40.000 đồng/kg, giảm hơn 40% so với trước đây.
Bà Nguyễn Thị Xoàn – Chi cục phó Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh An Giang – cho biết tỉnh hiện có 77.822 con bò, giảm 13.572 con so với cùng kỳ.
Vài năm gần đây giá thịt bò giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn, lợi nhuận kém hấp dẫn nên quy mô đàn bò tiếp tục bị thu hẹp.
Lãnh đạo Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh An Giang cũng cho biết dù chăn nuôi bò là nghề truyền thống của nhiều người dân với tiêu chí trước nay là lấy công làm lời nhưng giá bò đã chựng lại gần 2 năm nay, người nuôi bò nhỏ chuyển sang làm những công việc khác thu nhập cao hơn.
Khó cạnh tranh với thịt bò ngoại
Ông Nguyễn Điều, phó phòng quản lý chăn nuôi Chi cục Chăn nuôi và thú y thuộc Sở NN&PTNT Ninh Thuận, cho rằng nguyên nhân giá bò hạ không phải do bị dịch bệnh mà bò hơi trên toàn quốc nói chung đều hạ giá, vì thịt bò nhập khẩu giá rẻ.
Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y – Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cũng cho rằng bên cạnh lý do giá bò cao từ năm 2014-2016 khiến bà con đổ xô nuôi, hiện lượng lớn bò nhập vào giá thấp hơn thị trường Việt Nam cũng tác động đến giá mua bò thịt trong nước.
Thịt bò nội đang chịu áp lực mạnh từ thịt bò nhập khẩu. Trong ảnh: người dân huyện Ea Kar, Đắk Lắk chăm sóc đàn bò của gia đình – Ảnh: TRUNG TÂN
Dù giá bò bán thịt xuống thấp, nhiều người nuôi bò khẳng định nếu biết cách sẽ vẫn có thể có lời.
Tìm cách để có lời
Anh Nguyễn Đăng Cường (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) cho biết anh và nhiều người tận dụng diện tích đất của gia đình để trồng cỏ làm thức ăn chính cho bò.
Đi lựa những con bò nhỏ, gầy ở nơi khác đưa về nuôi vỗ béo, sau khoảng 3-5 tháng, những con bò gầy yếu tăng trọng được xuất bán, gia đình anh kiếm lời từ 5-8 triệu đồng/con.
“Ở khu vực này giờ nghề nuôi bò đã thành truyền thống, không chỉ thoát nghèo mà đã có thể làm giàu. Thương hiệu bò Ea Kar đã được khẳng định” – anh Cường chia sẻ.
Theo ông Tống Xuân Chinh – cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), do Việt Nam đã mở cửa cho thịt bò của một số nước nhập vào nên cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.
Cho rằng Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, ông Chinh công nhận từ chính sách đến cuộc sống còn rất xa và đến nay người dân vẫn rất khó tiếp cận các chính sách này.
Vì vậy, người chăn nuôi khó tiếp cận với hỗ trợ để đầu tư tăng quy mô, chất lượng đàn bò cũng như phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành.
Hướng ra, theo ông Chinh, ngành chăn nuôi bò cần giảm được giá thành, nếu không sẽ không thể phát triển. Do quy mô nông hộ là chủ yếu, không được như gà công nghiệp hay heo, nên nuôi bò ở VN chủ yếu là lấy công làm lời.
Để giảm giá thành, ông Chinh cho rằng cần phải xác định nuôi bò ở những vùng có lợi thế về không gian, về vùng trồng cỏ và phải coi bò như một phần của một chuỗi nông nghiệp khép kín.
Trong đó, phụ phẩm nông nghiệp để nuôi bò, phân bò dùng để bón cây trồng và phải gắn với doanh nghiệp chế biến đầu ra… giá thành mới có thể giảm xuống.
Nghịch lý giá thịt bò
Điều nghịch lý là trong khi giá bò hơi giảm mạnh nhưng thịt bò ngoài chợ vẫn ở mức cao, chủ yếu do khâu phân phối.
Ghi nhận tại các chợ đầu mối ở Sóc Trăng giữa tháng 6-2018, tuỳ loại mà giá bán dao động từ 200.000-280.000 đồng/kg.
Theo một cán bộ thú y, với giá bán thịt như vậy, những vựa trâu, bò lời lớn vì khi giết mổ bò không bỏ sót thứ gì.
Giá bán lẻ thịt bò ở các chợ hay siêu thị tại TP.HCM cũng không giảm nhiều so với hồi đầu năm 2017.
Thịt bò Úc, Mỹ nhập khẩu đang được bán với giá từ 250.000-400.000 đồng/kg tùy loại.