13/01/2025

Tách thửa vẫn tắc

Dù Quyết định 60 về tách thửa của TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 nhưng đến nay hồ sơ tách thửa của người dân tiếp tục bị tắc. Nhiều quận huyện còn không nhận hồ sơ giải quyết tách thửa cho dân.

 

Tách thửa vẫn tắc

Dù Quyết định 60 về tách thửa của TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 nhưng đến nay hồ sơ tách thửa của người dân tiếp tục bị tắc. Nhiều quận huyện còn không nhận hồ sơ giải quyết tách thửa cho dân.
 
 
 
 

Người dân mong muốn chính quyền địa phương sớm thống nhất chủ trương giải quyết tách thửa	 /// Đình Sơn

Người dân mong muốn chính quyền địa phương sớm thống nhất chủ trương giải quyết tách thửa   ĐÌNH SƠN

 
“Chưa giải quyết”
Tại H.Hóc Môn (TP.HCM) mấy năm nay việc giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất gần như “đứng”. Chúng tôi theo chân anh Thành, một người dân tại Hóc Môn, đến UBND H.Hóc Môn để nộp hồ sơ tách thửa cho khu đất rộng 4.000 m2 tại xã Bà Điểm. Khu đất hoàn toàn hợp quy hoạch, đủ điều kiện tách thửa theo Quyết định 60, hướng dẫn của Sở Quy hoạch – Kiến trúc về hạ tầng, hướng dẫn quy trình giải quyết tách thửa của Sở Tài nguyên – Môi trường.
 
Tuy nhiên, khi đến phòng tiếp nhận hồ sơ thì nhân viên nơi đây trả lời không giải quyết vì chờ hướng dẫn. Nếu muốn nộp hồ sơ thì huyện vẫn nhận nhưng khi nào giải quyết thì chưa biết. “Tôi nộp hồ sơ từ tháng 3 nhưng đến nay huyện vẫn không giải quyết hồ sơ tách thửa cho tôi”, anh Thành cho biết. Ông Thái Bỉnh Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường H.Hóc Môn, thừa nhận quận này đang rất lúng túng khi giải quyết tách thửa cho dân.
 

Theo ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường H.Bình Chánh (TP.HCM), Quyết định 60 cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp được quy hoạch để sản xuất nông nghiệp. Nhưng thực tế ở địa phương này cho thấy tại nhiều nơi dù là đất nông nghiệp, nhưng đã được quy hoạch là đất dân cư xây mới hoặc đất hỗn hợp. Chính vì quy định này mà người dân có đất nông nghiệp trong những quy hoạch này không được giải quyết tách thửa.

 
Đây cũng là vướng mắc chung của rất nhiều quận, huyện như Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Q.12… Tại Q.12, có 9 loại đất ở được phê duyệt như đất biệt thự vườn, đất dân cư xây mới, đất dân cư kết hợp phát triển du lịch, đất mật độ cao, mật độ thấp… Trong khi Quyết định 60 chỉ giải quyết tách thửa cho đất dân cư hiện hữu và hiện hữu chỉnh trang. Điều này khiến các hồ sơ tách thửa của người dân chuyển lên bị trả về hoặc bị “ngâm” không giải quyết.
 
Phải giải quyết cho dân
Vài tháng qua, chị Hạnh liên tục lên UBND Q.Thủ Đức nộp hồ sơ xin tách thửa khu đất chỉnh trang cải tạo có diện tích hơn 1.000 m2 tại P.Trường Thọ nhưng nơi đây “không dám nhận hồ sơ”, trả về chờ sửa Quyết định 60 hoặc đến khi nào có văn bản chỉ đạo mới dám giải quyết hồ sơ tách thửa. “Nếu tính cả từ lúc chờ sửa đổi quyết định về tách thửa đến khi ra đời Quyết định 60 đến nay đã hơn 2 năm, nhưng trong suốt thời gian này việc tách thửa vẫn tắc”, chị Hạnh cho biết.
 
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho hay Quyết định 60 ban hành đã giải quyết những vướng mắc về tách thửa mà người dân và các quận huyện gặp phải trước đó. Đồng thời giải quyết đúng như tinh thần quy hoạch đất đai, nhưng lại lệch với quy hoạch xây dựng nên đã xảy ra bất cập, gây khó khăn cho người dân. Chỉ khi nào hai quy hoạch này tương ứng với nhau thì mới giải quyết được. Ông Thắng nhấn mạnh đến các loại đất nông nghiệp quy hoạch thành đất ở mà quận, huyện nêu trên thì bản chất vẫn là đất ở. Do vậy, nếu không giải quyết tách thửa thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
 
“Luật Đất đai chỉ có đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác. Trong khi quy hoạch xây dựng thì có các loại đất như hỗn hợp, xây dựng mới… Quy hoạch xây dựng không khớp với quy hoạch đất đai. Do đó đề nghị các địa phương tập hợp gửi về sở để sở kiến nghị UBND TP tìm hướng giải quyết. Quyết định 60 đã ban hành 6 tháng nay nhưng không có hồ sơ được giải quyết thì chứng tỏ là quyết định này chưa thực sự đi vào cuộc sống”, ông Thắng cho biết.
 
 
ĐÌNH SƠN