Thủ tướng tin sẽ có sự bùng nổ đầu tư của Canada vào Việt Nam
“Trong môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, tôi tin rằng sẽ có sự bùng nổ, làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam”. Thủ tướng phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp hai nước ngày 8-6.
Thủ tướng tin sẽ có sự bùng nổ đầu tư của Canada vào Việt Nam
“Trong môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, tôi tin rằng sẽ có sự bùng nổ, làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam”. Thủ tướng phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp hai nước ngày 8-6.
Sự kiện diễn ra nhân chuyến thăm Canada và dự hội nghị thượng định G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng cho biết tiến trình tái cơ cấu các ngành kinh tế, cổ phần hoá các tập đoàn DNNN đang được Chính phủ đẩy mạnh trên các lĩnh vực: hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông,…
Tiến trình này là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada, tham gia mua cổ phần trở thành đối tác/cổ đông chiến lược, đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ cao, phát triển thanh toán điện tử, chứng khoán, bảo hiểm, thành lập các quỹ đầu tư, công ty uỷ thác, quản lý tài sản…
Thủ tướng nói: “Chúng tôi hoan nghênh các dự án đầu tư FDI phát triển hạ tầng, logistics, công nghiệp chế tạo, năng lượng, dịch vụ chất lượng cao,….”.
Theo Thủ tướng, Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Châu Mỹ, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện (11/2017). Nền kinh tế hai nước có tiềm năng lớn và có tính bổ trợ cao cho nhau hơn là cạnh tranh. Kim ngạch thương mại tăng trưởng cao, ổn định, đạt mức 3,5 tỷ USD trong năm 2017. Canada là nhà đầu tư lớn với hơn 5,1 tỷ USD tại Việt Nam.
“Chúng tôi luôn mở rộng cửa chào đón các bạn”- Thủ tướng “chốt” lại bài phát biểu trong tiếng vỗ tay vang rền của hơn 160 đại diện doanh nghiệp hai nước.
Nỗ lực sớm hoàn tất COC thực chất
Hội kiến với Toàn quyền Canada Julie Payette trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Canada tiếp tục thúc đẩy phong trào Pháp ngữ tại Việt Nam, trong đó có việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, hỗ trợ đào tạo giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị Canada ủng hộ Việt Nam tham gia các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như các dự án hợp tác kinh tế, giáo dục – đào tạo trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ.
Thủ tướng nhấn mạnh cùng với tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch và nhân dân đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và đề nghị Canada quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Canada.
Toàn quyền Canada khẳng định tiếp tục tạo thuận lợi cho mở rộng hợp tác và trao đổi học thuật, thông qua việc thiết lập các quan hệ đối tác và các chương trình trao đổi sinh viên giữa các cơ sở giáo dục của hai nước. Bà đánh giá cao vai trò và đóng góp của cộng đồng người Việt đối với đất nước Canada, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây.
Hai nhà Lãnh đạo cũng trao đổi sâu rộng, chia sẻ lập trường về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sơ tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nỗ lực sớm hoàn tất COC thực chất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cơm thân do nguyên Thủ tướng Jean Chretien chủ trì, có sự tham dự của Toàn quyền Julie Payette. Có thể nói đây là nghĩa cử hết sức đặc biệt của ngài Jean Chretien và nhất là của bà Julie Payette, khi bà vừa tiếp đón Thủ tướng, vừa dành thời gian dùng bữa trưa thân mật. “Ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ không mời cơm bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác đang có mặt tại Quebec dịp này. Điều đó thể hiện tình cảm đặc biệt và sự coi trọng đối với cá nhân Thủ tướng và đoàn Việt Nam” – một nhà ngoại giao kỳ cựu bình luận.