10/01/2025

Người Iceland chết là hiến tạng

Iceland vừa phê chuẩn luật mới, quy định mọi công dân nước này sẽ mặc định hiến tạng sau khi chết, ngoại trừ những người để lại nguyện vọng khác trong di chúc hoặc thân nhân phản đối.

 

Người Iceland chết là hiến tạng

 

Iceland vừa phê chuẩn luật mới, quy định mọi công dân nước này sẽ mặc định hiến tạng sau khi chết, ngoại trừ những người để lại nguyện vọng khác trong di chúc hoặc thân nhân phản đối.

 

 

 

Người Iceland chết là hiến tạng - Ảnh 1.

Rốt cuộc thì một điều luật quan trọng về hiến tạng được đề xuất lần đầu từ năm 2012 tại Iceland đã được thông qua tuần này. 

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-1-2019, mọi người dân ở quốc đảo lớn thứ hai tại Bắc Đại Tây Dương sẽ trở thành những người hiến tạng mặc định sau khi chết.

Cú hích nhận thức

Dự luật hiến tạng được bà Siv Friðleifsdóttir, nghị sĩ Đảng Tiến bộ, đệ trình lần đầu năm 2012. 

 

Nhưng phiên bản dự luật vừa được thông qua lại do hai nghị sĩ khác cũng của Đảng Tiến bộ – bà Silja Dögg Gunnarsdóttir và ông Willum Þór Þórsson – đệ trình. 

Nội dung của luật khá đơn giản: mọi công dân Iceland được mặc định là những người hiến tạng sau khi chết, ngoại trừ hai trường hợp: hoặc người chết đã thông báo trước họ không muốn hiến tạng, hoặc người chết không để lại nguyện vọng gì song những người thân gần gũi nhất của họ phản đối.

Trước khi có luật này, chỉ hơn 10% người Iceland đăng ký hiến tạng sau khi chết. 

Việc Iceland thông qua luật hiến tạng mới rõ ràng là tín hiệu vui, trong bối cảnh nguồn cung tạng ngày càng khan hiếm, tiếp thêm hi vọng cho việc có thể rút ngắn thời gian chờ đợi với những bệnh nhân đang chờ ghép.

Mặc dù ông Runólfur Pálsson, trưởng nhóm ghép tạng tại Bệnh viện ĐH Quốc gia Iceland, gọi luật mới là một “cột mốc lớn” nhưng theo tạp chí Reykjavík Grapevine của Iceland, thành tựu này cũng không phải điều gì mang tính cách mạng bởi các nước khác ở cùng khu vực Scandinavia với Iceland như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch đã có luật tương tự. 

Bộ An sinh xã hội Iceland sẽ chịu trách nhiệm thông tin chi tiết tới mọi công dân về điều luật mới, trước khi chính thức áp dụng từ đầu năm 2019. 

Theo đó, những công dân không muốn tuân thủ điều luật này sẽ phải nộp đơn lên cơ quan y tế sở tại thông báo trước nguyện vọng.

Bà Silja Dögg, một trong hai nghị sĩ đệ trình dự luật, nói: “Tôi muốn nhắc lại rằng mọi người hãy thảo luận với nhau trước quan điểm của họ về vấn đề này. Điều đó có thể giúp họ tránh được tình huống khó khăn khi một người thân bị tai nạn hay lâm trọng bệnh”.

Rắc rối khi thực hiện

Như vậy, với việc thông qua luật hiến tạng mới, Iceland đã trở thành một trong số những quốc gia trên thế giới có luật hiến tạng theo kiểu “mặc định” như vậy, trong đó có Singapore và nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Bỉ, Ý, Hi Lạp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha. 

Tây Ban Nha hiện là quốc gia có tỉ lệ hiến tạng cao nhất thế giới, cứ 1 triệu người dân có 35,1 người hiến.

Tuy nhiên, trên thực tế luật hiến tạng “mặc định” kiểu này cũng đã phát sinh những vấn đề rắc rối trong quá trình thực hiện. 

Chẳng hạn, những người theo đạo Do Thái chính thống có quan niệm con người chỉ chết khi trái tim ngừng đập. 

Đây là một rắc rối với việc hiến tạng bởi như trong trường hợp một người bị chết não, tuy não đã chết nhưng các bộ phận khác trong cơ thể vẫn còn hoạt động.

Ngoài ra, cũng có một số chứng cứ thực tiễn cho thấy các điều luật hiến tạng “mặc định” không góp phần làm tăng thêm đáng kể số trường hợp hiến tạng so với những chương trình vận động người dân đăng ký hiến tự nguyện. 

Một lý do đáng kể tác động tới điều này là sự phản đối của gia đình người chết. Các nghiên cứu cho thấy hầu như không bác sĩ nào “dám” cho phép tiến hành thủ tục hiến tạng nếu một người thân trong gia đình người quá cố không đồng ý.

Mặc dù một số nước (nhưng không phải tất cả) đang áp dụng luật hiến tạng “mặc định” (như ở Tây Ban Nha) đã ghi nhận tỉ lệ hiến tạng cao hơn, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân thực chất có thể là vì các yếu tố khác như văn hóa và tôn giáo, chứ chưa hẳn đã là vì luật.

Khan hiếm tạng hiến toàn thế giới

Trong số những người Mỹ trưởng thành, 95% ủng hộ hiến tạng nhưng chỉ 48% đăng ký hiến.

Hiện có hơn 118.000 người bệnh ở Mỹ đang chờ được ghép tạng. Ước tính trung bình cứ 10 phút lại có thêm một người bổ sung vào danh sách chờ ghép tạng.

Trong khi số tạng hiến chưa bao giờ đáp ứng kịp nhu cầu cần sử dụng, cứ mỗi ngày trôi qua ở Mỹ có 20 người chết trong khi chờ ghép.

Tây Âu cũng gặp vấn đề tương tự. Tại đây, Vương quốc Anh là một trong những nước có tỉ lệ đồng ý hiến tạng thấp nhất. Số tạng hiến ở Anh còn thiếu tới 80% so với nhu cầu.

Sự phản đối của người nhà là một trong những trở ngại lớn nhất. Những người thân vẫn có thể từ chối ngay cả khi người chết đã đăng ký hiến tạng.

Tại sao nên hiến tạng, hiến mô?

Lựa chọn hiến mô hay hiến tạng là một quyết định hệ trọng. Theo trang Donatelifepa, càng biết rõ về nó thì bạn càng hiểu vì sao nó quan trọng, cần thiết và nên làm. Và đây là những lý do:

* Một người hiến tạng và mô có thể cứu sống được tới 8 sinh mạng và giúp được hơn 75 người.

* Tất cả mọi người, bất kể tuổi tác hay tiền sử y khoa, đều có thể đăng ký hiến.

* Tất cả những tôn giáo lớn đều ủng hộ việc hiến tạng, mô, coi đây là hành động yêu thương và hào phóng cuối cùng của mỗi người dành cho người khác.

* Không tốn bất cứ chi phí nào với người hiến hay gia đình họ trong việc hiến tạng hay hiến mô.