27/12/2024

Đài Loan đẩy mạnh tự phát triển vũ khí

Trước lo ngại an ninh từ Trung Quốc đại lục và tình trạng khó mua vũ khí của bên ngoài, Đài Loan cấp tập phát triển công nghiệp quân sự nội địa.

 

Đài Loan đẩy mạnh tự phát triển vũ khí

Trước lo ngại an ninh từ Trung Quốc đại lục và tình trạng khó mua vũ khí của bên ngoài, Đài Loan cấp tập phát triển công nghiệp quân sự nội địa.
 

 

 

Chiến đấu cơ F-CK-1 (phải) bay sát máy bay Tu-154M của Trung Quốc /// AFP

Chiến đấu cơ F-CK-1 (phải) bay sát máy bay Tu-154M của Trung Quốc  AFP

 
Theo AP, Đài Loan đang đẩy mạnh các chương trình chế tạo nhiều loại vũ khí tiên tiến vốn khó mua từ bên ngoài. Đến nay, vùng lãnh thổ này đã phát triển thành công tên lửa không đối không Thiên Kiếm và tên lửa siêu thanh Hùng Phong 3, được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”. Ngay từ cuối những năm 1980, sau khi Mỹ từ chối bán máy bay chiến đấu mới, Đài Loan đã bắt tay vào chế tạo chiến đấu cơ nội địa F-CK-1. Trong giai đoạn 1990 – 2000, Đài Bắc cho ra đời 131 chiếc F-CK-1 mang tên lửa Thiên Kiếm. Loại máy bay này được thiết kế nhằm đối phó các chiến đấu cơ của đại lục như như J-7, J-8 và J-12.
 
Không dừng lại ở đó, Đài Loan mới đây công bố kế hoạch phát triển tiêm kích huấn luyện với vốn đầu tư lên đến 2,19 tỉ USD. Dự kiến, chiếc đầu tiên sẽ bay thử nghiệm vào năm 2020 và sẽ sớm trang bị cho lực lượng phòng vệ 66 chiếc trước năm 2026. Chưa hết, tờ Taipei Times dẫn lời một quan chức Cơ quan phòng vệ Đài Loan tiết lộ Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Trung Sơn vừa giới thiệu hệ thống radar di động mới có khả năng săn tìm chiến đấu cơ tàng hình. Thông tin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi không quân Trung Quốc thông báo chiến đấu cơ hiện đại J-20 của nước này thực hiện cuộc huấn luyện trên biển đầu tiên sau 3 tháng được biên chế tác chiến. Theo giới quan sát, cuộc huấn luyện là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ điều J-20 tới xung quanh Đài Loan trong tương lai.
 

Ngoài tên lửa và chiến đấu cơ, Đài Loan còn đang nỗ lực tự đóng tàu ngầm. Năm 2017, Lực lượng phòng vệ biển Đài Loan công bố kế hoạch đóng 8 tàu, trong đó chiếc đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động trước năm 2027. Hồi năm 2001, Tổng thống Mỹ khi đó George W.Bush đồng ý bán 8 tàu ngầm cho Đài Loan nhưng đến nay vẫn không có tiến triển gì, buộc Đài Bắc phải “tự lực cánh sinh”. Bên cạnh đó, vùng lãnh thổ này muốn tự sản xuất tàu vận tải đổ bộ, tàu hộ vệ và khinh hạm tàng hình. Tháng trước, Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo sẽ tăng tốc kế hoạch đóng 11 khinh hạm lớp Đà Giang mang tên lửa siêu thanh Hùng Phong 3, theo CNA. Giám đốc Trung tâm phân tích an ninh Đài Loan tại Mỹ Mai Phục Hưng nhận định năng lực về vũ khí của Đài Loan đã được cải thiện về chất lượng lẫn kỹ thuật trong thời gian gần đây, giúp ngày càng giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

 
Theo giới chuyên gia, việc Đài Loan đẩy mạnh phát triển công nghiệp quân sự nội địa xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có mối lo ngại từ đại lục. Thời gian qua, Bắc Kinh nhiều lần điều oanh tạc cơ và tàu chiến đến gần eo biển Đài Loan cũng như gây sức ép lên những quốc gia muốn bán vũ khí cho Đài Loan, khiến họ không sẵn sàng tiến hành thương vụ. Bản thân Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Đài Loan, cũng tỏ ra chần chừ vì không muốn đẩy tình hình leo thang, đồng thời quan ngại về nguy cơ công nghệ quân sự tiên tiến bị rò rỉ.
 
Ngày 7.6, Lực lượng phòng vệ Đài Loan bắt đầu diễn tập bắn đạn thật với nội dung chống xâm lược từ bên ngoài. Đây là một phần của cuộc tập trận thường niên mang tên Hán Quang, diễn ra từ ngày 4 – 8.6. Theo Reuters, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn chứng kiến 4.000 binh sĩ cùng trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu thực hiện các bài tập phối hợp với tuần duyên cũng như các lực lượng phòng vệ dân sự. “Tôi tin rằng lực lượng của chúng ta có thể đạt được mục tiêu là phòng thủ vững chắc và ngăn chặn nhiều lớp”, bà Thái phát biểu tại cuộc tập trận.
Bảo Vinh

VĂN KHOA