26/12/2024

Tiêu chuẩn không giống ai: Siêu thị chỉ giảm giá 3 lần/năm?

Trong dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối vừa được công bố, Bộ Công thương quy định siêu thị phải có diện tích tối thiểu 250m2 trở lên, không được giảm giá quá 3 lần/năm và phải kéo dài tối thiểu 30 ngày…

 

Tiêu chuẩn không giống ai: Siêu thị chỉ giảm giá 3 lần/năm?

Trong dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối vừa được công bố, Bộ Công thương quy định siêu thị phải có diện tích tối thiểu 250m2 trở lên, không được giảm giá quá 3 lần/năm và phải kéo dài tối thiểu 30 ngày…



Tiêu chuẩn không giống ai: Siêu thị chỉ giảm giá 3 lần/năm? - Ảnh 1.

Người dân mua hàng khuyến mãi ở một siêu thị tại TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Cũng theo dự thảo, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá mỗi năm, mỗi đợt tối thiểu 30 ngày, các đợt giảm giá phải cách nhau ít nhất 30 ngày, trong đợt giảm giá ít nhất 70% hàng hoá được bày bán tại siêu thị…; phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua điện thoại, qua Internet…

Tiêu chuẩn “không giống ai”

Ông Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho rằng nếu chỉ dựa trên tiêu chí diện tích để gọi siêu thị hay trung tâm thương mại là không giống ai, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt với thách thức lớn nhất là vấn đề mặt bằng. 

“Để phân loại các mô hình hoạt động, các nước thường dựa vào thời gian hoạt động, số lượng ngành hàng đang kinh doanh, diện tích chỉ là một yếu tố quyết định” – ông Hoàng nói.

 

Ông Nguyễn Anh Đức, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng cho rằng về mặt định nghĩa, không nên đánh đồng các loại hình với tiêu chí duy nhất là diện tích vì điều đó cũng không thể hiện mục tiêu rõ ràng ý chí quản lý của nhà điều hành. 

“Với cách định nghĩa này, về mặt thông tư, nghị định không thể hiện được ý chí quản lý của nhà điều hành liệu họ đang muốn ưu tiên phát triển mô hình nào ở quốc gia và theo vùng địa lý?” – ông Đức đặt vấn đề.

Một lãnh đạo Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cho rằng các quy định này được thiết kế theo hướng thêm nhiều ràng buộc một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà không rõ mục tiêu quản lý nhà nước cụ thể, trong khi chưa đánh giá cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ, gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Can thiệp quá sâu

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, dự thảo có nhiều quy định can thiệp quá sâu quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Như quy định các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá/năm và mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày, phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán nằm trong chương trình giảm giá… 

“Nếu tổ chức 70% hàng hóa giảm giá cùng một lúc sẽ không có hiệu quả và không đủ sức cạnh tranh với bán lẻ ngoại. Không hiểu ý đồ của người soạn thảo này nhằm mục đích gì. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần hay không nên can thiệp” – ông Nguyễn Anh Đức nói.

Việc yêu cầu mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo… cho thấy dự thảo không bắt kịp với thực tiễn thị trường bán lẻ hiện nay khi các chương trình khuyến mãi đang thay đổi hằng ngày, hằng giờ dựa trên tâm lý, nhu cầu của khách hàng. 

“Chỉ riêng tại một siêu thị mỗi tháng đều có những chương trình khuyến mãi theo mùa như làm đẹp dịp 8-3, khuyến mãi mùa hè, 30-4 và 1-5…, chưa kể các chương trình sinh nhật, kỷ niệm của nhà bán lẻ…” – ông Đức khẳng định.

Giám đốc kinh doanh một siêu thị cho rằng nhiều nội dung của dự thảo quá sơ sài, trong khi chẳng tìm thấy những nội dung mang tính định hướng phát triển mạng lưới phân phối của VN. “Trong lúc cạnh tranh giữa bán lẻ nội và ngoại đang rất gay gắt, các quy định hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng trong nước lại không tìm thấy ở dự thảo mới” – vị này nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang (phó trưởng ban pháp chế VCCI):

Hướng đến lợi ích cộng đồng nào?


trang

 

Quy định về tiêu chuẩn siêu thị, trung tâm thương mại cần xem xét lại ở nhiều khía cạnh, trong đó việc đưa ra tiêu chí để phân biệt siêu thị, trung tâm thương mại để làm gì?

Nếu những cơ sở kinh doanh không đáp ứng tiêu chí này nhưng vẫn gọi là siêu thị, trung tâm thương mại thì những lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng?

Hơn nữa, các hoạt động kinh doanh trong siêu thị, trung tâm thương mại liên quan đến nhiều loại hàng hoá khác nhau, tương ứng với các loại hàng h đó có những văn bản chuyên ngành điều chỉnh và các văn bản này đã đủ để kiểm soát rủi ro đối với hoạt động này?

Ông Nguyễn Văn Hội (phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương):

Sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp


hoi

 

Khi đề xuất xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, mục tiêu của Bộ Công thương là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…; bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bộ Công thương cũng hoan nghênh mọi ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối được hoàn thiện. Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

NHƯ BÌNH – THUÝ LINH