Thuế đang làm giảm động lực sản xuất, tiêu dùng: Doanh nghiệp thất thế, Nhà nước thất thu
Thay vì giảm giá thành sản xuất để giảm giá bán cho nông dân, việc đưa phân bón ra khỏi đối tượng chịu thuế VAT, theo Luật Thuế có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, đã làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên, còn ngân sách nhà nước thất thu.
Thuế đang làm giảm động lực sản xuất, tiêu dùng: Doanh nghiệp thất thế, Nhà nước thất thu
Thay vì giảm giá thành sản xuất để giảm giá bán cho nông dân, việc đưa phân bón ra khỏi đối tượng chịu thuế VAT, theo Luật Thuế có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, đã làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên, còn ngân sách nhà nước thất thu.Sản xuất, đóng gói và vận chuyển phân bón đi tiêu thụ tại Nhà máy đạm Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Do phân bón không thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế cho nguyên vật liệu đầu vào nên giá thành và giá bán phân bón tăng, nông dân lãnh đủ. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã khẳng định như vậy tại tọa đàm “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh từ chính sách thuế”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội ngày 1-6.
Mục tiêu của chính sách thuế là tốt, nhưng áp dụng trong thực tế lại không đúng như thế thì cần phải thay đổi. Bộ Tài chính đang đưa ra hai mức là 0% và 5% nhưng theo tôi, 5% là hợp lý hơn vì cả nhập khẩu và trong nước đều chịu thuế
Tác dụng ngược
Ông Sigmund Stroemme, chủ tịch điều hành Công ty TNHH Baconco (công ty phân bón của Pháp có trụ sở tại Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết với công suất 220.000 tấn phân NPK/năm, công ty đang gặp nhiều khó khăn với việc thay đổi chính sách thuế VAT kể từ năm 2015 đến nay. Bởi không được khấu trừ thuế VAT với nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất của công ty tăng thêm khoảng 1 triệu USD/năm.
Ngoài ra, từ năm 2015-2017 công ty đầu tư thêm 13 triệu USD vào dây chuyền sản xuất, trong đó 1,3 triệu USD thuế VAT đã không được hoàn lại như trước kia đã đẩy chi phí đầu tư tăng. Điều đáng nói là mức thuế mà Baconco phải nộp cho ngân sách lại giảm trong khoảng thời gian nói trên.
Trong giai đoạn 2013-2014, mỗi năm doanh nghiệp này nộp khoảng 5,3 triệu USD tiền thuế. Còn thuế phải đóng trong giai đoạn 2015-2017 giảm còn 2-2,4 triệu USD/năm. “Điều đó cho thấy chính sách thuế VAT không chỉ gây khó cho các nhà sản xuất phân bón, mà còn làm giảm nguồn thu thuế của Nhà nước. Chính sách VAT được ban hành với mục tiêu hỗ trợ nông dân, nhưng thực tế có tác động ngược lại” – ông Sigmund Stroemme nói.
Theo ông Nguyễn Đức Ninh – phó tổng giám đốc Công ty phân đạm và hoá chất Hà Bắc, việc đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế VAT đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhà sản xuất phân bón trong nước do chi phí tăng thêm. Chẳng hạn nguyên liệu đầu vào của đạm Hà Bắc là than, điện (chịu thuế thấp nhất là 10%), nhưng doanh nghiệp không được khấu trừ đã làm tăng chi phí sản xuất lên 20%, tương đương 500 đồng/kg sản phẩm.
“Nhà máy mới đi vào hoạt động vài năm nay với công suất 500.000 tấn/năm, nhưng chi phí sản xuất tăng thêm 200-250 tỉ đồng/năm là một vấn đề lớn” – ông Ninh cho biết. Ngược lại, chính sách thuế VAT đang áp dụng lại khuyến khích hàng nhập khẩu. Từ ngày 1-1-2015, lượng urê nhập khẩu tăng đột biến 2-2,5 lần. Ở nước sản xuất, doanh nghiệp đã được khấu trừ thuế VAT, chưa kể chính sách hỗ trợ xuất khẩu ở nhiều nước, trong khi nhập về VN lại không chịu thuế càng có điều kiện bán giảm giá.
“Chúng tôi phải giảm tiền lương của người lao động để duy trì sản xuất. Chính sách thuế VAT cần đưa về 0% để cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu, nông dân được mua phân bón giá rẻ. Nếu không được 0% thì đưa về mức cũ là 5% để được khấu trừ. Nhà nước dùng thuế để hỗ trợ lại nông dân sẽ hợp lý hơn cho các bên” – ông Ninh nói
Chính sách thuế VAT làm tăng giá bán phân bón, không chỉ làm khó nông dân mà còn kích thích làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 50% lượng phân bón trên thị trường là hàng giả, hàng kém chất lượng
Kéo lùi ngành phân bón
Từ năm 2015 đến nay, theo ông Dương Trí Hội – phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), khoản thuế mà doanh nghiệp này không được khấu trừ lên tới gần 1.000 tỉ đồng. Riêng năm 2018, khoản thuế không được khấu trừ còn cao hơn vì công ty vừa đầu tư dự án sản xuất NPK mới.
“Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh không thể để lỗ nên sẽ tính các chi phí vào giá thành và người tiêu dùng là nông dân chịu thiệt. Không những vậy, chính sách thuế VAT này còn ảnh hưởng tiêu cực đối với các doanh nghiệp có ý định đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh phân bón chất lượng cao” – ông Hội khuyến cáo.
Thay vì chịu thuế suất nhập khẩu 6% như trước, phân bón nhập hiện được thuế suất 0% nếu nhập từ ASEAN và 0-4,9% nếu nhập từ Nga, trong khi nguyên liệu của họ rẻ và nhà sản xuất được hoàn thuế VAT, sản phẩm sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi quy định này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy Quốc hội điều chỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với chính sách thuế này, các doanh nghiệp không dám đầu tư mới, vì càng đầu tư hiện đại bao nhiêu thì giá thành càng cao và khả năng thu hồi vốn thấp. “Tôi e rằng chính sách thuế này sẽ khiến ngành phân bón giật lùi, nguy cơ trở thành vùng trũng về công nghệ sản xuất phân bón của thế giới. Khi đó chất lượng đầu vào nông nghiệp VN sẽ ảnh hưởng, việc đảm bảo năng suất, an toàn thực phẩm là xa vời” – ông Hội khuyến cáo.
Ông Sigmund Stroemme cũng cho rằng nhiều loại phân bón tại thị trường đã lạc hậu, cần phải đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất với công nghệ mới để tạo ra các loại phân bón chất lượng tốt hơn cho nông dân gia tăng sản lượng mùa màng. Baconco đang có kế hoạch mở rộng nhà máy trong năm tới với vốn đầu tư lên đến 25-30 triệu USD. Việc Chính phủ VN quy định thuế VAT với phân bón ở mức 5% sẽ kích thích các doanh nghiệp như Baconco đầu tư vào công nghệ mới.
“Nhiều quốc gia như Pháp, Na Uy… đang chịu thuế VAT đối với phân bón từ 20-25%. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ VN đưa phân bón từ không chịu thuế VAT về đối tượng chịu thuế VAT sớm nhất có thể để hỗ trợ sản xuất, giảm giá thành phân bón, có lợi cho người dân và lợi cho nguồn thu của Nhà nước” – ông Sigmund Stroemme đề xuất.
* Ông NGUYỄN MINH ĐỨC (chuyên gia Ban pháp chế VCCI):
Chỉ khuyến khích nhập khẩu
Thuế VAT với phân bón hiện nay gây mất công bằng giữa người sản xuất trong nước và nhập khẩu, khuyến khích nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước. Bởi phân bón nhập khẩu được hoàn thuế ở nước xuất khẩu, không phải chịu thuế VAT tại VN nên càng có điều kiện bán rẻ để cạnh tranh với phân bón trong nước.
Trong quá trình soạn luật, cơ quan soạn thảo đã không lường được tác động này dẫn đến hậu quả hiện nay. Mâu thuẫn giữa tờ trình của Bộ Tài chính với thực tế khi chi phí mua tài sản cố định cũng không được khấu trừ thuế.
* Ông TAKEO ISHII (tổng giám đốc Công ty phân bón Việt – Nhật JVF):
Sớm đưa vào diện chịu thuế VAT
Từ khi áp dụng thuế VAT mới, phân NPK nhập khẩu vào VN tăng nhanh. Năm 2014 nhập khẩu 231.000 tấn đã tăng lên 350.000 tấn vào năm 2015 khi có thuế mới.
Tại Nhật, thuế VAT với hàng hóa, trong đó có phân bón, là 8%. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đưa phân bón vào diện chịu thuế để giảm khó cho doanh nghiệp và tăng cạnh tranh của hàng nội địa.
Ông Nguyễn Hạc Thúy
* Ông NGUYỄN HẠC THUÝ (quyền chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN – FAV):
Phân bón nhập hưởng lợi
FAV đã có nhiều văn bản gửi Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị sửa thuế VAT với phân bón, các cơ quan chức năng đã có văn bản trả lời nhưng đến nay vẫn chưa được sửa. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại có những lý giải không chính xác, không trung thực về tác động của Luật 71 với thị trường phân bón khi cho rằng việc áp dụng quy định này thì giá phân bón giảm xuống và người dân được hưởng lợi!
Thực tế nông dân không được lợi, bởi giá thành sản xuất phân bón của doanh nghiệp tăng 5-8% do không được khấu trừ thuế đầu vào, đẩy giá bán tăng theo. Chỉ có phân bón nhập khẩu được hưởng lợi. FAV thiết tha đề nghị phải sửa thuế VAT với phân bón.