Quy định tréo ngoe
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về liên thông giữa trình độ TC, CĐ với trình độ ĐH được ban hành năm 2017, người có bằng tốt nghiệp TC đăng ký tuyển sinh liên thông lên ĐH phải dự thi cùng thí sinh THPT ở kỳ tuyển sinh vào ĐH hằng năm của cơ sở giáo dục ĐH. Người có bằng tốt nghiệp CĐ liên thông lên ĐH thì hiệu trưởng trường ĐH được quyết định một trong các phương thức tuyển sinh: tham dự kỳ thi trên hoặc kỳ thi tuyển sinh liên thông riêng cho trường ĐH tự ra đề và tổ chức thi tuyển.
Với quy định này, năm nay thí sinh tốt nghiệp TC muốn liên thông lên ĐH bắt buộc phải tham dự kỳ thi THPT như các học sinh mới hoàn thành bậc THPT. Người tốt nghiệp bậc CĐ liên thông lên ĐH cũng có khả năng phải dự kỳ thi này mới có thể được liên thông lên ĐH nếu trường ĐH không tổ chức đợt thi riêng.
Nếu so sánh với Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm nay của Bộ GD-ĐT sẽ thấy có điểm tréo ngoe. Quy chế tuyển sinh liên thông yêu cầu người đã có bằng tốt nghiệp ở trình độ cao hơn bậc THPT (tức bằng TC hoặc CĐ) phải tham dự kỳ thi THPT để có kết quả xét tuyển học ĐH. Trong khi đó, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy lại cho phép người có bằng tốt nghiệp THPT được xét tuyển vào học ĐH bằng chính kết quả học tập phổ thông.
Sự bất hợp lý này càng lộ rõ khi nhìn vào quyết định “phá rào” điểm “sàn” khi Bộ cho phép các trường ĐH được tuyển sinh ở mức: tốt nghiệp THPT và không có môn nào bị điểm liệt (1 điểm trở xuống). Thực tế đề án tuyển sinh của nhiều trường đã đưa ra mức “sàn” rất thấp khi nhận hồ sơ xét tuyển với tổng điểm 3 môn theo kết quả thi là 10 điểm. Ở phương thức xét tuyển học bạ, có trường chỉ xét dựa vào điểm học tập lớp 12 nhưng nhận hồ sơ điểm trung bình 3 môn từ 12/30 điểm. Như vậy trung bình mỗi môn trong học bạ 4 điểm là học sinh đủ điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH.
Có thể thấy rằng việc thi tuyển liên thông từ TC hoặc CĐ lên ĐH đang yêu cầu cao hơn hẳn với việc xét tuyển từ bậc THPT lên ĐH.
Giảm mạnh học cao đẳng, trung cấp
Theo ý kiến các chuyên gia, những quy định “làm khó” này trong tuyển sinh liên thông đã ảnh hưởng mạnh đến công tác phân luồng, mà trước hết là số lượng người học các bậc CĐ, TC và chương trình liên thông ngày càng giảm mạnh.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm 2012, 2013, số thí sinh dự thi liên thông tại trường này rất đông, có khi lên tới trên 10.000 người/năm. Điểm trúng tuyển vì vậy cũng ở mức rất cao, thí sinh đạt 15 điểm 2 môn chính vẫn chưa trúng tuyển. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, người dự thi bậc học này giảm mạnh với mỗi năm chỉ còn khoảng trên 1.000 người.
Lý giải nguyên nhân tình trạng trên, thạc sĩ Đương cho rằng: “Điều kiện để vào được ĐH ngày càng dễ chính là nguyên nhân khiến số lượng người học các bậc CĐ, TC và chương trình liên thông ngày càng giảm”.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Liên thông là đường vòng để vào ĐH dành cho các thí sinh có nghị lực nhưng hạn chế các khả năng khác. Nhưng nếu thi liên thông còn khó hơn vào trực tiếp ĐH thì người học sẽ không cần đi đường vòng mà đi luôn đường thẳng. Vì vậy, việc tuyển sinh ĐH ngày càng dễ như hiện nay sẽ khiến các bậc học thấp hơn như CĐ, TC không còn người học. Về mặt lâu dài sẽ ảnh hưởng công tác phân luồng và gây mất cân đối về nguồn nhân lực”.
Cần thay đổi phương thức tuyển sinh
Về cách thức tuyển sinh liên thông, tiến sĩ Thông cho biết Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trước nay chỉ đào tạo liên thông cho sinh viên tốt nghiệp bậc CĐ tại trường, không tuyển thí sinh từ các trường khác để đào tạo. Kỳ thi liên thông do trường tổ chức cũng kiểm tra kiến thức liên quan đến chuyên ngành đào tạo gắn liền với bậc học, không tổ chức thi văn hoá.
Từ đó, tiến sĩ Thông đề xuất: “Sau khi tốt nghiệp TC và CĐ, người học đã có kiến thức nhất định liên quan đến chuyên ngành. Vì vậy, việc bắt buộc người tốt nghiệp bậc học này phải tham gia kỳ thi THPT sẽ khó khăn vì kiến thức quá xa. Do vậy, thi liên thông nên để các trường tự tổ chức với nội dung gắn liền các kiến thức chuyên ngành làm cơ sở cho bậc ĐH thay vì bắt buộc thi cùng với học sinh phổ thông như hiện nay”.
Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nêu ý kiến: “Hiện nay, ngay cả bậc ĐH chính quy thí sinh cũng được quyền xét tuyển từ kết quả học bạ THPT thì với hình thức liên thông lên ĐH cũng nên áp dụng theo cách tương tự. Cụ thể là xét tuyển kết quả học tập và rèn luyện ở bậc học trước đó (CĐ hoặc TC). Việc phải trải qua kỳ thi khó khăn hơn sẽ thêm một rào cản cho người có dự định học TC, CĐ”. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Sơn: “Một số ngành đặc thù như y dược hoặc sư phạm, tuyển sinh liên thông vẫn cần có quy định riêng”.
HÀ ÁNH