16/11/2024

EU tìm giải pháp mới thay thoả thuận hạt nhân Iran

Châu Âu đang tìm kiếm một thoả thuận mới nhằm cứu vãn thoả thuận hạt nhân Iran đang có nguy cơ sụp đổ sau khi một trụ cột chính là Mỹ rút khỏi.

 

EU tìm giải pháp mới thay thoả thuận hạt nhân Iran

Châu Âu đang tìm kiếm một thoả thuận mới nhằm cứu vãn thoả thuận hạt nhân Iran đang có nguy cơ sụp đổ sau khi một trụ cột chính là Mỹ rút khỏi.


 

EU tìm giải pháp mới thay thỏa thuận hạt nhân Iran - Ảnh 1.

Nhiều nước châu Âu lưỡng lự trước đối sách chung dành cho Mỹ – Ảnh: AFP

 

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang ra sức trấn an Iran, các nguồn tin của tờ báo Đức Welt am Sonntag ngày 20-5 cho biết các quan chức châu Âu đang cùng Trung Quốc và Nga gấp rút thảo luận một thoả thuận mới về việc hỗ trợ tài chính cho Iran để đổi lấy việc Tehran ngưng chương trình phát triển tên lửa đạn đạo.

Cứu vãn

Theo đó, các quan chức Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong tuần tới tại Vienna để bàn bạc các bước tiếp theo cho thoả thuận Iran mà không có Mỹ, nước vừa tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và áp dụng trừng phạt quốc gia Trung Đông này, đưa ra một trong những lý do chính là thỏa thuận không bao gồm chương trình tên lửa của Iran. Chưa rõ Tehran, vốn trước nay cự tuyệt việc hạn chế phát triển tên lửa, có tham gia thảo luận hay không.

Thỏa thuận mới được cho là sẽ giữ các điều khoản liên quan đến hạt nhân bên cạnh việc khống chế chương trình tên lửa và các hoạt động của Iran tại khu vực Trung Đông, với hi vọng làm hài lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Chúng tôi phải thoát khỏi cái tên “thỏa thuận hạt nhân Vienna” và thêm vài phần mới. Chỉ như vậy mới thuyết phục được ông Trump đồng ý và gỡ bỏ trừng phạt một lần nữa” – một quan chức cấp cao của EU tiết lộ.

 

Thỏa thuận này, dự kiến sẽ bao gồm hàng tỉ USD hỗ trợ tài chính cho Iran, là một trong những nỗ lực của EU để tránh một kịch bản thảm họa, như mô tả của các quan chức EU, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ. Uỷ viên năng lượng EU Miguel Arias Canete cũng đích thân đến Iran để trấn an Tehran bằng một số kế hoạch như tiếp tục mua dầu và khí đốt của Iran, trong đó việc chi trả trực tiếp giữa các ngân hàng trung ương và bảo hiểm nhà nước.

EU buộc phải tìm cách tiếp cận mới trong bối cảnh các công ty châu Âu sẽ rất khó làm ăn tại Iran dưới lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Nhiều công ty châu Âu, như Total, Maersk, Công ty năng lượng Engie, cho biết họ có thể rút khỏi Iran để né trừng phạt.

Liệu chúng ta sẽ để cho Mỹ trở thành cảnh sát kinh tế của thế giới? Câu trả lời là không

Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố

Thế khó

Tuy nhiên, các giải pháp không mấy chắc chắn đến nay vẫn chưa khiến Iran yên tâm. Iran đã tuyên bố sẽ nối lại việc làm giàu uranium nếu các bên trong thoả thuận, bao gồm Trung Quốc và Nga, không đảm bảo được lợi ích của Tehran. 

Iran cuối tuần qua đã ra hạn chót cho châu Âu phải cứu vãn thoả thuận hạt nhân trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, dự kiến vào đầu tháng 8-2018. 

“Bóng đang ở trên sân của các lãnh đạo EU. Tôi hi vọng các nỗ lực của họ thành hiện thực” – hãng tin AFP dẫn lời lãnh đạo Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi, cảnh báo nếu lợi ích thương mại của Iran không được đảm bảo “chúng tôi buộc phải rút khỏi thỏa thuận”.

Theo các nhà phân tích, các giải pháp của châu Âu đang ở thế khó bởi Iran vẫn e dè trước việc để nước ngoài can thiệp vào lĩnh vực năng lượng và lực lượng Vệ binh cách mạng Iran thời gian qua vẫn muốn chiếm vị trí độc tôn trong những dự án lớn. Dầu lại là mặt hàng chủ lực, chiếm 90% nhập khẩu của châu Âu từ Iran. 

Trong khi đó hai nước Trung Quốc và Nga được cho là chịu áp lực ít hơn từ trừng phạt của Washington và thậm chí hưởng lợi nếu châu Âu gặp khó khăn ở Iran.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là châu Âu khó thống nhất được tiếng nói chung khi nhiều nước như Anh, Pháp, Đức đang trong tình huống tiến thoái lưỡng nan khi vừa bảo vệ lợi ích của khu vực vừa giữ quan hệ với Mỹ, đối tác quan trọng bậc nhất về an ninh, thương mại lẫn ngoại giao. 

Sự chia rẽ cũng từng thể hiện trong các đối sách của châu Âu đối với chính sách thương mại của Mỹ. “Trong bất kỳ trường hợp nào, việc khiến 28 thành viên EU thống nhất về bất kỳ biện pháp nào chống lại Mỹ cũng là một nhiệm vụ khó khăn” – nhà phân tích Garret Martin nhận định.

Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 20-5 cho biết châu Âu có thể tìm cách đền bồi cho những công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Bảo vệ các công ty châu Âu là một trong những giải pháp được các quan chức châu Âu nhắc đến thời gian gần đây và có khả năng khu vực này sẽ kích hoạt lại đạo luật từng áp dụng năm 1996 để phong tỏa tác động từ lệnh cấm vận của Washington tại Libya và Iran.