Nỗ lực giải cứu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều
Hàn Quốc và Mỹ nhanh chóng hành động để bảo đảm hội đàm thượng đỉnh với CHDCND Triều Tiên diễn ra suôn sẻ, bao gồm loại trừ B-52 khỏi tập trận chung.
Nỗ lực giải cứu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều
B-52 sẽ không tham gia tập trận Max Thunder ẢNH: KHÔNG QUÂN MỸ
Website tuyên truyền của Triều Tiên Uriminzokkiri ngày 17.5 đăng bài xã luận lặp lại quan điểm cho rằng Mỹ không thể vừa tập trận chung với Hàn Quốc trong khi vẫn muốn đối thoại. Trước đó, Bình Nhưỡng bất ngờ huỷ một cuộc gặp cấp cao với Seoul và cảnh báo có thể “xem lại” hội đàm giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra ngày 12.6 tại Singapore. Nguyên nhân cụ thể là Triều Tiên nổi giận vì cuộc tập trận Max Thunder của liên quân Hàn – Mỹ từ ngày 11 – 25.5 cũng như việc Mỹ “đơn phương ép” nước này giải giới hạt nhân. Trước đó, tờ Asahi Shimbun dẫn nguồn thạo tin cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo đặt điều kiện Triều Tiên chuyển một số đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa và các vật liệu hạt nhân ra nước ngoài trong vòng 6 tháng để được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia “bảo trợ khủng bố” của Mỹ.
Cùng ngày, Yonhap dẫn nguồn tin quân sự cho hay khác với kế hoạch ban đầu, oanh tạc cơ chiến lược B-52 có khả năng mang theo bom hạt nhân của Mỹ sẽ không tham gia cuộc tập trận Max Thunder để phần nào xoa dịu tình hình. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó xác nhận sự vắng mặt của B-52. Cố vấn an ninh đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Chung-in tiết lộ thêm quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp khẩn kéo dài 40 phút giữa Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo và tướng Vincent Brooks, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan thì tuyên bố Mỹ ngay từ đầu đã không có kế hoạch điều động B-52 tham gia Max Thunder.
Cũng trong hôm qua, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ John Bolton tỏ ra lạc quan rằng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ vẫn diễn ra. Trước đó, ông Bolton đã bị Triều Tiên chỉ trích đích danh vì đề nghị giải giới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng theo mô hình Libya. Hồi tháng 12.2003, Libya quyết định ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân để đổi lấy cam kết dỡ bỏ cấm vận kinh tế từ phương Tây. Đến năm 2011, tức 2 năm sau kể từ khi loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi thiệt mạng dưới họng súng của lực lượng nổi dậy do NATO hỗ trợ.