Nhật nâng tầm chính sách an ninh biển
Nội các Nhật Bản vừa thông qua bản chính sách biển sửa đổi, lần đầu tiên đặt trọng tâm rõ ràng và dứt khoát về vấn đề an ninh biển.
Nhật nâng tầm chính sách an ninh biển
Nội các Nhật Bản vừa thông qua bản chính sách biển sửa đổi, lần đầu tiên đặt trọng tâm rõ ràng và dứt khoát về vấn đề an ninh biển.
Chính sách biển mới, còn gọi là “Kế hoạch cơ bản về chính sách biển”, vừa được thông qua tuần này là chủ trương chiến lược của Chính phủ Nhật Bản dưới sự điều hành của Thủ tướng Shinzo Abe cho giai đoạn 5 năm, từ 2018-2022.
Được cập nhật 5 năm một lần kể từ lần đầu tiên phê chuẩn năm 2008, lần này nội các Nhật Bản nhất trí tập trung vào vấn đề an ninh, bao gồm an ninh khu vực và cả công tác phòng vệ tại vùng đảo xa, một sự thay đổi được đánh giá rất quan trọng và mang tính bước ngoặt.
Tình hình an ninh biển ngày càng tệ
Mặc dù nội dung chính sách không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng theo giới phân tích, việc thay đổi định hướng này rõ ràng là sự thích ứng của Nhật Bản trước bối cảnh nguy cơ an ninh và căng thẳng khu vực tăng cao, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ gây tranh cãi trên các vùng biển của Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản cho rằng tình hình an ninh biển mà họ đang đối mặt “chắc chắn ngày càng tệ hơn nếu không có biện pháp ngăn chặn”.
Bất kể thực tiễn quan hệ Nhật – Trung đang trong tiến trình cải thiện, song các tàu thuyền Trung Quốc vẫn thường xuyên ra vào những vùng biển xung quanh các đảo do Nhật Bản quản lý và Tokyo đương nhiên không khỏi lo ngại trước chủ trương tăng cường uy lực của hải quân Trung Quốc.
“Đây là lần đầu tiên chính sách biển đã đề cập rõ ràng, dứt khoát về vấn đề an ninh biển” – ông Tomohiko Tsunoda, chuyên viên nghiên cứu cấp cao về các chính sách trên biển tại Quỹ Hòa bình Sasakawa, nhận định. Mặc dù không phải là một tài liệu quốc phòng, song chính sách đại dương là một tuyên bố rộng hơn cho thấy quan điểm của Nhật Bản sẽ quản lý như thế nào với các vùng biển của họ.
Ngay trước cuộc họp phê chuẩn chính sách mới, Thủ tướng Shinzo Abe, cũng là chủ tịch Ủy ban Điều phối chính sách biển, nói: “Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong các tình huống trên biển, chính phủ cần hành động như một thể thống nhất để bảo vệ các quyền lợi và lãnh hải trên biển của chúng ta, đồng thời duy trì và phát triển tính chất mở, ổn định của các đại dương”.
Bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản phải trở thành mục tiêu trung tâm của mọi cơ quan chính phủ
Thủ tướng Shinzo Abe
Mâu thuẫn, tranh chấp
Nhật Bản hiện vẫn đang có mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ trên biển với một số nước láng giềng. Với Nga là về quần đảo Kuril (theo cách gọi của Nga)/Lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của Nhật), với Hàn Quốc là nhóm các đảo nhỏ Dokdo (theo cách gọi của Hàn Quốc)/Takeshima (cách gọi của Nhật), với Trung Quốc là Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc).
Ngăn chặn chiến lược “vùng xám”
Chính sách biển cũng hoạch định chi tiết các biện pháp cụ thể cần được triển khai trong thời gian tới. Trong đó nêu rõ yêu cầu tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về các vấn đề trên biển (MDA), bao gồm việc theo dõi các tàu thuyền khả nghi và chia sẻ thông tin với các nước khác.
Theo kế hoạch này, Nhật Bản sẽ xây dựng một nền tảng cần thiết giúp liên lạc thông tin nhanh chóng tới các tàu thuyền di chuyển trong vùng biển Nhật Bản, chuẩn bị ứng phó trong tình huống Triều Tiên có thể phóng tên lửa. Để làm được như vậy, chính sách nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển và cơ quan quản lý ngư nghiệp để tăng thêm hiệu quả ứng phó với các hoạt động phi pháp trên biển của tàu cá các nước.
Những nội dung này phản ánh nhiều quan ngại của Nhật Bản về nguy cơ tấn công “vùng xám”, cách nói chỉ việc một quốc gia nào đó sử dụng lực lượng cảnh sát biển hoặc tàu cá để xâm nhập và tranh chấp quyền kiểm soát với vùng lãnh hải của nước khác. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đóng những chiếc tàu chuyên dụng dành cho cảnh sát biển có kích thước thậm chí còn lớn hơn nhiều so với một số tàu chiến.
Cùng với đó thì năng lực phòng vệ của tàu chiến, máy bay và hệ thống rađa của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) và Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản sẽ được từng bước nâng cao. Chính phủ Nhật Bản dự kiến nâng cao năng lực theo dõi các tàu thuyền không xác định bằng cách sử dụng hệ thống vệ tinh của Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và thông qua chia sẻ thông tin với Mỹ lẫn các tổ chức khác. Họ cũng sẽ xây dựng một hệ thống để hợp nhất hoá các thông tin trên biển do hai lực lượng SDF và cảnh sát biển đồng thời thu thập.
Ngoài ra, chính sách mới cũng nêu rõ nhu cầu phải thiết lập các hệ thống an ninh khẩn cấp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – vốn là điểm nóng tranh chấp suốt một thời gian dài giữa Tokyo và Bắc Kinh. Tokyo cũng định rõ chiến lược kết nối các nguồn hỗ trợ cơ sở vật chất trực tiếp cho nhiều vùng đảo thưa dân hoặc không có người ở, dĩ nhiên lý do không có gì ngoài mối lo những đảo này bị kẻ thù bất ngờ đột kích và chiếm đóng.
Tiến về Bắc cực
Lần đầu tiên trong chính sách đại dương đề cập những vấn đề liên quan tới Bắc cực, tạo thuận lợi cho các công ty của Nhật tận dụng tuyến hải trình biển Bắc thông qua vùng biển Bắc Băng Dương ở miền bắc nước Nga. Theo đó, Nhật sẽ cân nhắc mua một tàu phá băng phục vụ công tác nghiên cứu Bắc cực và các công ty Nhật sẽ mua khí đốt từ dự án Yamal ở tây bắc Siberia.