26/12/2024

Đến lượt Guatemala mở sứ quán ở Jerusalem

Hôm nay 16-5, Guatemala đã khai trương đại sứ quán nước này ở Jerusalem, hai ngày sau khi Mỹ có động thái tương tự.

 

Đến lượt Guatemala mở sứ quán ở Jerusalem

Hôm nay 16-5, Guatemala đã khai trương đại sứ quán nước này ở Jerusalem, hai ngày sau khi Mỹ có động thái tương tự.



Đến lượt Guatemala mở sứ quán ở Jerusalem - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) cùng vợ là bà Sara trò chuyện với Tổng thống Guatemala Jimmy Morales (phải) tại lễ khai trương sứ quán Guatemala ở Jerusalem ngày 16-5 – Ảnh: REUTERS

 

Theo hãng tin AFP, Tổng thống Guatemala Jimmy Morales và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tham dự lễ khai trương, diễn ra ở khu tổ hợp văn phòng ở phía Tây Jerusalem.

Quốc gia Trung Mỹ này từng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào ngày 24-12-2017, chưa đầy 20 ngày sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vào thời điểm đó, tuyên bố của Tổng thống Morales được xem như một cách thể hiện sự ủng hộ đối với Washington nhưng chính quyền Guatemala còn cho rằng đó là dựa trên quan hệ bền lâu với Israel đã có từ 70 năm qua.

Có khoảng 10 quốc gia cũng sẽ có hành động tương tự Mỹ và Guatemala. Honduras cũng tuyên bố sẽ mở đại sứ quán vào ngày 21 hoặc 22-5. Bộ Ngoại giao Israel khẳng định Paraguay cũng sẽ dời đại sứ quán đến Jerusalem trước cuối tháng 5 này và Romania cũng đang thảo luận bước đi này trong chính phủ.

 

Ngoài ra có thể kể đến việc Tổng thống Czech đã tuyên bố sẽ chuyển sứ quán đến Jerusalem.

Hôm 14-5, Mỹ đã chuyển Đại sứ quán nước này từ Tel Aviv đến Đông Jerusalem và khai trương trụ sở mới.Động thái này châm ngòi cho làn sóng biểu tình của người Palestine tại khu vực biên giới Gaza- Israel. 

Đến lượt Guatemala mở sứ quán ở Jerusalem - Ảnh 2.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại lễ khai trương sứ quán Mỹ ở Đông Jerusalem ngày 14-5 – Ảnh: REUTERS

 

Đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Israel khiến ít nhất 61 người Palestine thiệt mạng, phần lớn do trúng đạn của binh sĩ Isarel, và hơn 2.700 người khác bị thương. Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 9 trẻ em dưới 16 tuổi.

Trong những năm 1970, Jerusalem từng có toà sứ quán của Hà Lan và nhiều quốc gia châu Phi, Mỹ Latin và Caraibes. Mọi thứ thay đổi từ năm 1980.

Sau chiến tranh năm 1947, Liên Hiệp Quốc (LHQ) công nhận kế hoạch phân chia 2 nhà nước – một Do Thái, một Ảrập – với Jerusalem dưới quyền cai trị của một “chế độ quốc tế đặc biệt”.

Người Arập phản đối kế hoạch của LHQ, và một ngày sau khi Israel tuyên bố giành độc lập năm 1948, các quốc gia Ảrập tấn công đất nước non trẻ này. Tuy nhiên, họ đã thất bại.

Jerusalem bị chia cắt: nửa phía Tây trở thành một phần của quốc gia mới Israel, trong khi nửa phía Đông, bao gồm thành cổ, được Jordan kiểm soát.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến chớp nhoáng Sáu Ngày vào năm 1967, Israel chiếm luôn cả Đông Jerusalem và sáp nhập vào quốc gia Do Thái.

Năm 1980, các nhà lập pháp Israel thông qua một dự luật tuyên bố “Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là Thủ đô của Israel”. Động thái này khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ.

 

Đến lượt Guatemala mở sứ quán ở Jerusalem - Ảnh 3.

Người Palestine sinh sống ở Hi Lạp biểu tình tại thủ đô Athens ngày 15-5 chống lại việc quân đội Israel sát hại người Palestine ở biên giới Israel-Gaza. Người biểu tình ném đá về phía toà đại sứ Israel ở Athens – Ảnh: REUTERS

 

Từ nhiều thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế không thay đổi lập trường về quy chế của Jerusalem.

LHQ không công nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố đạo luật 1980 của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế. Nghị quyết 478 của LHQ năm 1980 kêu gọi các nước có cơ quan ngoại giao tại Jerusalem rời khỏi thành phố.

Các nước chỉ quyết định quay trở lại vài năm sau đó nhưng lần này ở Tel Aviv! Có thể kể đến Bờ Biển Ngà của nhà lãnh đạo Félix Houphouët-Boigny, đến Zaïre – mà nay là CHDC Congo – của thống chế Mobutu, đến Kenya, Bolivia, Chile, Colombia, Panama, Uruguay, Venezuela, CH Dominica, Haïti… Hai nước Costa Rica và Salvador có quay trở lại Jerusalem từ năm 1984, nhưng sau đó lại rời đi vào năm 2006.

Theo lập trường của LHQ, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải do các bên liên quan đàm phán.

 

Đến lượt Guatemala mở sứ quán ở Jerusalem - Ảnh 4.

Những người Palestine, trong số này có ông Adnan Husseini (thứ 3 từ phải sang) – thị trưởng Jerusalem do chính quyền Palestine chỉ định tham gia cuộc biểu tình chống việc Mỹ mở đại sứ quán ở Jerusalem ngày 14-5. Dòng chữ bằng tiếng Ả rập trên băng-rôn ghi “Người Ả rập, người Palestine, người Hồi giáo và người Công giáo ở Jerusalem” và “Không ủng hộ chuyển đại sứ quán Mỹ” – Ảnh: REUTERS

 

Năm 1989, Israel cho Mỹ thuê một mảnh đất tại Jerusalem để đặt đại sứ quán với hợp đồng kéo dài 99 năm kèm chi phí thuê là… 1 USD/năm. Đến nay, khu vực cho thuê này vẫn là mảnh đất trống.

Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua luật yêu cầu chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Từ đó đến nay, qua các đời Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, yêu cầu này luôn bị từ chối vì lý do lợi ích an ninh quốc gia.

Cứ 6 tháng một lần, ông chủ Nhà Trắng lại sử dụng quyền khước từ của Tổng thống để tránh việc phải di dời đại sứ quán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt bút ký vào điều khoản trên lần đầu tiên vào tháng 6-2017. Cuối cùng, ngày 6-12-2017, ông Trump công nhận Jerusalem là “Thủ đô của Nhà nước Israel”, theo đúng tuyên bố trong thời gian ông vận động tranh cử.

Bất chấp những phản đối và cảnh báo cả trong và ngoài nước, chính quyền của ông Trump tiếp tục thực thi việc mở sứ quán, thậm chí với tốc độ nhanh hơn dự đoán của nhiều người.

Trên tiến trình đó, không ít lần Washington lớn tiếng sử dụng “cây gậy tài chính” để lôi kéo các thành viên LHQ đi theo mình: chuyển đại sứ quán đến Jerusalem.

 

TƯỜNG NGUYỄN – HOÀNG DUY LONG