25/01/2025

Áo giáp cho ‘hiệp sĩ’

Tới thăm các “hiệp sĩ” bị thương tối 13.5 khi truy bắt trộm cướp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần trang bị áo giáp phòng chống dao đâm cho các “hiệp sĩ”.

 

Áo giáp cho ‘hiệp sĩ’

Tới thăm các “hiệp sĩ” bị thương tối 13.5 khi truy bắt trộm cướp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần trang bị áo giáp phòng chống dao đâm cho các “hiệp sĩ”.
 
 
 
 

Áo giáp cho ‘hiệp sĩ’

 
 
Cụ thể, chiều 14.5, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tới Bệnh viện Thống Nhất thăm “hiệp sĩ đường phố” Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy (cùng 22 tuổi). Ông Nhân cho hay khi sự việc xảy ra, báo chí đưa tin, bản thân ông và người dân TP rất xúc động vì hai bạn trẻ vừa học và dành thời gian quyết tâm giữ gìn sự bình yên cho TP. Ông đề nghị bệnh viện tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho các “hiệp sĩ” và các trường giúp anh Quý, anh Huy về điều kiện học tập sau khi lành vết thương.
 
 
Áo giáp cho ‘hiệp sĩ’ - ảnh 1

 

 

Thăm “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng tại Bệnh viện Nhân dân 115, ông Nhân cho biết qua sự việc gợi rất nhiều suy nghĩ khi các “hiệp sĩ” làm việc nhưng tay không đối mặt với các đối tượng có vũ khí thì khả năng bị thương rất lớn. “Cho nên, sắp tới phải tính toán, vận động các mạnh thường quân trang bị áo giáp phòng chống dao đâm cho các hiệp sĩ”, ông Nhân nói.
 

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đến bệnh viện thăm và động viên các “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng, Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy. Ông Phong cảm ơn các “hiệp sĩ” đã dũng cảm quên thân mình, tay không đi bắt trộm, cướp giữ gìn bình an cho nhân dân TP, đồng thời khẳng định TP sẽ hỗ trợ chăm sóc, cứu chữa các “hiệp sĩ” tốt nhất. Liên quan đến cơ chế bảo đảm an toàn cho các nhóm “hiệp sĩ” đang hoạt động trên địa bàn TP, ông Phong nói: “Thời gian tới tôi sẽ họp bàn với công an tìm giải pháp về hoạt động mô hình hiệp sĩ”.

 
 
Đã xác định nhóm nghi phạm
Theo thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng, tối 13.5, nhóm “hiệp sĩ” Q.Tân Bình, gồm Trần Văn Hoàng (50 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, trưởng nhóm “hiệp sĩ”), Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, ngụ Bình Định), Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ H.Củ Chi, tạm trú Q.Tân Phú), Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) phát hiện hai tên trộm bẻ khóa xe SH của người dân trước một cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám (P.10, Q.3) nên lao xe vào bọn trộm để vây bắt. Tuy nhiên, bọn trộm manh động, dùng dao tấn công các “hiệp sĩ” tay không, khiến ông Thôi và anh Nam tử vong; ông Hoàng, anh Quý và anh Huy trọng thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, bọn trộm chạy về hướng ngã bảy công trường Dân Chủ trốn thoát.
 

Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, truy bắt hung thủ. Sáng 14.5, tại buổi tiếp xúc cử tri H.Bình Chánh, thiếu tướng Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP, xác nhận công an đã truy xét, tìm ra dấu hiệu của các đối tượng nghi vấn. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, hiện cơ quan công an đang đấu tranh với một nghi phạm liên quan đến băng trộm đã đâm các “hiệp sĩ”.

 
Sáng 14.5, tiếp xúc với PV Thanh Niên tại bệnh viện, “hiệp sĩ” Hoàng cho hay khi tên trộm ngồi sau nhảy xuống dùng đoản bẻ khoá và dắt chiếc SH xuống lề thì ông là người đầu tiên cho xe tông thẳng vào và hô hoán: “cướp, cướp”. “Các anh em khác cũng lao xe vào. Đối tượng quăng xe bỏ chạy và rút dao đâm làm tôi không kịp trở tay. Tôi là người bị đâm đầu tiên. Sau đó, đối tượng tiếp tục đâm nhiều anh em khác. Mọi người đưa tôi đi cấp cứu”, ông Hoàng nhớ lại.
 
Làm “nghề” bắt trộm, cướp đã 25 năm, ông Hoàng cho biết trong tay chỉ có cái cây tự chế để tự vệ khi bị tấn công chứ không hề được phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Ông đã bắt tổng cộng khoảng 500 trường hợp trộm cắp, cướp giật, lừa đảo… “Tôi mong anh em hiểu và cố gắng vượt qua hoạn nạn này”, ông Hoàng nói trong nước mắt.
 
Cũng trên giường bệnh, Đinh Phú Quý nhớ lại “hai tên trộm tướng to cao, rất manh động và ra tay rất nhanh”. Hiện Quý là sinh năm 4 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, còn Huy là sinh viên năm 4 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Cả hai theo nhóm “hiệp sĩ” hơn 1 năm nay trên tinh thần tự nguyện vì đam mê và muốn góp phần nhỏ hạn chế trộm, cướp trên địa bàn. “Em đang làm đồ án tốt nghiệp, chiều đi tuần cùng nhóm thì xảy ra vụ việc. Em mong sức khỏe nhanh chóng bình phục để kịp làm đồ án”, Huy cho biết thêm.
Cần cơ chế cho “hiệp sĩ”
 
 
Dù các “hiệp sĩ” hiện đều hoạt động tự nguyện, xả thân vì nghĩa, vì một TP bình yên, nhưng vụ việc xảy ra tối 13.5 cũng đặt ra yêu cầu phải làm sao đảm bảo tính mạng của các “hiệp sĩ”.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, chia sẻ: “Việc 2 hiệp sĩ bị sát hại vì hành động trượng nghĩa là hết sức đau lòng, xã hội, chính quyền cần vinh danh họ. Tuy nhiên, sự việc này cũng đặt ra nhiều vấn đề về tính hiệu quả và an toàn”. Theo ông Báu, để giải quyết tận gốc rễ tình trạng trộm, cướp thì vai trò chính của lực lượng công an, thông qua thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng hình sự, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, triệt phá tụ điểm tội phạm, tệ nạn xã hội, làm trong sạch địa bàn…
 
“Hoạt động của các nhóm hiệp sĩ đường phố, để phát huy ý thức, tinh thần đấu tranh chống tội phạm của người dân cần phải nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, cần nghiên cứu hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm hiệp sĩ như một mô hình quần chúng bảo vệ an ninh trật tự. Thực tế, hầu hết các nhóm hiệp sĩ hoạt động tự phát theo kiểu 5 không: không đăng ký với cơ quan chức năng, không có quy chế hoạt động, không có kinh phí hoạt động, không có công cụ hỗ trợ và không được đào tạo kỹ năng phòng chống tội phạm… Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống tội phạm mà còn có thể dẫn đến mối nguy hiểm cho anh em tham gia. Công an TP cần nghiên cứu mô hình hoạt động hiệu quả như Câu lạc bộ (CLB) phòng chống tội phạm Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) để xây dựng mô hình tự quản phòng chống tội phạm hiệu quả. Trước hết, cần phải thống kê trên địa bàn TP.HCM có bao nhiêu nhóm hiệp sĩ hoạt động, ở địa bàn nào từ đó hướng dẫn, tạo điều kiện đăng ký hoạt động chính thức. Tiếp theo, cần phải tập huấn kỹ năng phòng chống tội phạm cho anh em tham gia, nếu xét cần thiết, có thể đề xuất trang bị công cụ hỗ trợ cho các tổ tự quản này”, ông Báu đề xuất.
 
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra và giải quyết TNGT của Cục CSGT (Bộ Công an), đánh giá hoạt động của các “hiệp sĩ” là gương sáng, thúc đẩy phong trào toàn dân phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý là hiện nay các “hiệp sĩ” chưa được tập hợp lại một cách bài bản để cơ quan chức năng tập huấn kỹ năng như bảo vệ bản thân, nghiệp vụ theo dõi, bắt quả tang và những quy định của pháp luật trong phòng chống tội phạm… “Cơ quan công an phải tuyên truyền làm sao để “hiệp sĩ” không chỉ bắt quả tang hành vi phạm tội mà họ sẵn sàng phối hợp với cơ quan công an cùng chống tội phạm”, ông Sơn nói, đồng thời kiến nghị cần sớm có quy định về việc bảo vệ cho “hiệp sĩ”, quyền lợi cho họ khi tham gia chống tội phạm.
 
Nói về việc phối hợp với công an, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM, nhìn nhận: “Nhiệm vụ trấn áp các loại tội phạm là của lực lượng công an. Còn việc phát động toàn dân tham gia phong trào phòng chống, tố giác tội phạm… là làm đến mức độ, khả năng cho phép, chứ không phải buộc người dân thay lực lượng công an. Người dân thấy vấn đề nghi vấn cần gọi báo công an, chứ không nên tự đi điều tra, xác minh, truy bắt, khám phá… Công an nhận được thông tin tố giác mà không thực hiện là sai”. Cũng theo ông Quang, Công an TP đang nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Bình Dương về mô hình CLB phòng chống tội phạm, có bàn với các sở, ngành để đi đến thống nhất kiến nghị UBND TP.HCM đưa ra chủ trương thực hiện.
 
 
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu khẩn trương truy bắt đối tượng gây án
Ngày 14.5, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, gửi thư “thăm hỏi, chia buồn sâu sắc và tri ân” tới gia đình và cá nhân những “hiệp sĩ đường phố” hy sinh và bị thương. Thư nêu rõ lãnh đạo Bộ Công an đánh giá hành động của các hiệp sĩ đường phố là “dũng cảm, nghĩa hiệp, sẵn sàng hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, là nhân tố tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cùng với lực lượng công an nhân dân bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị công an nhân dân và Công an TP.HCM tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ giúp đỡ gia đình những người đã hy sinh, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình tổ chức tang lễ chu đáo, trọng thể; phối hợp với ngành y tế tổ chức cứu chữa, chăm sóc tận tình, chu đáo những người bị thương.
 
Tổng cục Cảnh sát được yêu cầu chỉ đạo, phối hợp với Công an TP tổ chức truy bắt bằng được đối tượng gây án, củng cố hồ sơ, sớm đưa các đối tượng ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật. (Vũ Hân)