24/01/2025

Nhóm trí thức soạn thảo bản ‘Kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ’

Một bản ‘kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ’ vừa được một nhóm trí thức soạn thảo và công bố lúc 19h40 ngày 9-5 để thu thập chữ ký những ai quan tâm đến nguy cơ toà nhà dinh Thượng Thơ bị đập bỏ do dự án mở rộng trụ sở UBND TP.HCM.

  

Nhóm trí thức soạn thảo bản ‘Kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ’

Một bản ‘kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ’ vừa được một nhóm trí thức soạn thảo và công bố lúc 19h40 ngày 9-5 để thu thập chữ ký những ai quan tâm đến nguy cơ toà nhà dinh Thượng Thơ bị đập bỏ do dự án mở rộng trụ sở UBND TP.HCM.


 

Nhóm trí thức soạn thảo bản Kiến nghị  bảo tồn dinh Thượng Thơ - Ảnh 1.

Bình chọn của bạn đọc Tuổi Trẻ Online về phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ từ ngày 3-5 đến 10-5 – Đồ hoạ: N.KH.

 

Lấy tư cách “những người sống và sanh trưởng ở TP.HCM (Sài Gòn), người Việt trong ngoài nước, người nước ngoài yêu thành phố này”, nhóm soạn bản kiến nghị đã “đồng kiến nghị UBND TP.HCM ngưng quyết định phá bỏ dinh Thượng Thơ để xây trụ sở hành chánh”.

Cách quản lý di sản đang có vấn đề nghiêm trọng

Nhóm soạn thảo bản kiến nghị gồm: nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp; nhà nghiên cứu di sản, du lịch Tim Doling; chủ tịch Đài di sản Daniel Caune; tổng lãnh sự danh dự Phần Lan Phùng Anh Tuấn và các kiến trúc sư: Ngô Viết Nam Sơn, Sơn Đặng, Cao Thanh Nghiệp, Kevin Doan.

Đây là bản kiến nghị cô đọng, nêu vấn đề xác đáng, có thể nhận thấy sự am hiểu và mức độ tha thiết của những người soạn thảo đang bày tỏ một vấn đề nóng với chính quyền TP.HCM.

Ở góc độ quản lý và bảo tồn, bản kiến nghị nêu rõ: “Cách quản lý di sản và Luật di sản đang có vấn đề nghiêm trọng: việc dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn không phải là lý do phá bỏ.

 

Nếu vậy những công trình cổ như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện… chưa là di tích cũng sẽ bị phá bỏ? Trong khi Singapore diện tích 700km2 có 7.000 công trình, 72 khu vực, tượng đài, di tích được bảo tồn, so với TP.HCM diện tích 2.000km2 chỉ có hơn 100 công trình và di tích”.

Về phương diện văn hoá lịch sử, bản kiến nghị vắn tắt đề cập lịch sử hình thành và giá trị của công trình dinh Thượng Thơ qua lịch sử đô thị Sài Gòn:

“Dinh Thượng Thơ được tu sửa như toà nhà hiện nay vào năm 1882, trước đó từ năm 1865 đã là nơi hành chánh quản lý Sài Gòn và Nam Kỳ, lưu trữ các công văn, công báo, nghị định, hồ sơ hành chánh. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định Báo cũng được gửi từ đây đi đến tỉnh thành, làng xóm ở Lục tỉnh.

Đã hơn 130 năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, t nhà dinh Thượng Thơ ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng vẫn còn sót lại trong khi các kiến trúc lịch sử văn hóa khác như toà nhà hoà giải, toà nhà Petrolimex đường Lê Duẩn, xưởng Ba Son đã biến mất”.

Đáng kể nhất là bản kiến nghị đề cập một chi tiết nhất thiết phải lưu ý khi tổ chức TP.HCM thành đô thị thông minh, đó là vấn đề kẹt xe ở khu trung tâm. Nạn kẹt xe sẽ tăng “nhanh đến chóng mặt” khi trụ sở UBND TP.HCM mở rộng.

 

Nhóm trí thức soạn thảo bản Kiến nghị  bảo tồn dinh Thượng Thơ - Ảnh 3.

Dinh Thượng Thơ thời Pháp thuộc – Ảnh tư liệu

Không nên phá huỷ kiến trúc lịch sử ở khu trung tâm

Từ đó, bản kiến nghị nêu 3 thỉnh nguyện lên UBND TP.HCM:

1. Hủy bỏ phương án của Gensler phá hủy dinh Thượng Thơ. Nếu phải xây dựng trung tâm hành chính thì nên đặt ở vị trí vùng đất mới khác chứ không nên phá huỷ kiến trúc lịch sử trong phần lõi trung tâm.

2. Đưa dinh Thượng Thơ và các kiến trúc lịch sử trụ sở UBND, Nhà hát thành phố, Bưu điện và nhà thờ Đức Bà vào diện bảo tồn.

3. Khi tái cấu trúc thành phố, cần tôn trọng và gắn kết với mạng lưới di sản tại trục đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, trục đường Đồng Khởi, Pasteur, nơi có bảo tàng, nhà hát lớn, dinh Độc Lập, trụ sở UBND, nhà thờ Đức Bà, Thư viện Tổng hợp, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp – thành viên nhóm soạn thảo bản kiến nghị – cho biết: “Khi đưa bản kiến nghị và lấy ý kiến những người quan tâm để góp tiếng nói bảo tồn dinh Thượng Thơ, chúng tôi hi vọng ý kiến của giới chuyên môn về bảo tồn di sản sẽ được thu nhận.

Chính những người ký tên đã thấy được những bài học từ những thành phố khác – những thành phố từng đánh mất giá trị lâu dài để đạt được sự phát triển ngắn hạn nay đã biết bảo vệ để phát triển tốt và bền vững hơn, vừa đạt được lợi ích kinh tế, vừa giữ được giá trị lịch sử văn hoá đặc thù. Mỗi thành phố đều có một căn cước, mất căn cước là mất chính mình”.

Tính đến 21h30 ngày 10-5, đã có 1.927 lượt người ký tên vào bản kiến nghị này và con số vẫn đang tăng lên liên tục.