Tiếp tục chương trình làm việc Hội nghị lần thứ 7, chiều 10.5, BCH T.Ư khoá XII thảo luận tại hội trường về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng điều hành phiên thảo luận.
Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách BHXH theo 3 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội). Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội. Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách BHXH được xác định trong đề án; thống nhất ban hành Nghị quyết của T.Ư về vấn đề này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng về các nội dung Bộ Chính trị trình xin ý kiến T.Ư.
Theo đại diện cơ quan tham gia chuẩn bị đề án, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, phải bám sát ba nguyên tắc: công bằng, đóng – hưởng và chia sẻ, từ đó thiết kế lại hệ thống BHXH theo hướng chuyển từ đơn tầng sang đa tầng. Đa tầng thực chất là có 3 tầng: hưu trí xã hội; hưu trí bảo hiểm cơ bản gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; hưu trí bổ sung dành cho lao động có thu nhập cao tham gia đóng thêm bên cạnh hưu cơ bản. Về bản chất, thiết kế đa tầng thực ra là căn chỉnh lại, tăng cường kết nối giữa BHXH với bảo trợ xã hội và kết nối giữa các loại bảo hiểm ngắn hạn với nhau trên tinh thần chia sẻ bên cạnh nguyên tắc đóng – hưởng và công bằng.
Đại biểu đề nghị, cần ban hành chính sách nâng cao tính hấp dẫn, tăng thêm sự hỗ trợ để người nghèo, hoàn cảnh khó khăn có thể tham gia BHXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời gian. Hiện nhà nước đang thực hiện chủ trương hỗ trợ 30% với hộ nghèo, hộ cận nghèo là 25%, người bình thường là 10% nếu tham gia BHXH. Thực ra, chủ trương này vừa qua chưa thực sự hấp dẫn. Hiện nay, một số nước như Indonesia và Trung Quốc hỗ trợ hộ nghèo tới 60%. Bảo hiểm y tế hiện nay sở dĩ độ bao phủ lớn vì sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước về lĩnh vực này chiếm tỷ trọng rất lớn.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, có tính đến đặc thù nghề nghiệp
Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, bởi đây là vấn đề dư luận xã hội, đặc biệt là người lao động rất quan tâm.
Làm rõ thêm vấn đề này, đại biểu Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đứng ở góc độ nghỉ hưu, tuổi thọ và sự bền vững của quỹ, tuổi nghỉ hưu được xây dựng từ năm 1960, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi. Ở thời điểm đó, tuổi thọ bình quân của VN mới chỉ trên 40 tuổi. Song đến nay, VN là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất trong khu vực: nam 78 tuổi, nữ 79,5 tuổi. Nhưng tuổi nghỉ hưu thực tế của lao động VN hiện thấp nhất trong khu vực: nam 55,6 và nữ 52,6. Nam đóng bảo hiểm bình quân 28 năm và hưởng lương hưu 22,5 năm, nữ đóng 23 năm nhưng hưởng tới 27 năm. Do đó, bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó sẽ rất khó khăn. Đại biểu cho rằng, đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này, mặc dù có thể có ý kiến khác nhau. Còn xây dựng lộ trình như thế nào thì sau này giao cho các cơ quan chuyên môn.
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị đối với cán bộ, công chức, viên chức: nam 62 tuổi; nữ 58 tuổi trừ trường hợp nữ là cán bộ khoa học hoặc cán bộ quản lý ở mức nào đó thì mới tăng lên 60 tuổi, còn đối với các điều kiện khác chỉ là 55 tuổi. Đại biểu dẫn chứng tuổi nghỉ hưu của một nước trên thế giới, đồng thời nêu quan điểm: Đối với VN, tuổi nghỉ hưu của nam giới có thể là 62 tuổi đối với cán bộ, công chức; 60 tuổi đối với các lĩnh vực khác, đặc biệt là những lĩnh vực lao động nặng nhọc. Cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu khoa học cần có kinh nghiệm, bản lĩnh… thì tuổi càng cao có khi càng tốt.
Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN VN, nếu theo 2 phương án đã đưa ra thì nam cần đến 6 – 8 năm, nữ cần 15 – 25 năm để hoàn thành lộ trình đề án nêu. Đại biểu cho rằng thời gian như vậy là quá lâu, cần nghiên cứu để điều chỉnh rút ngắn lộ trình thực hiện, có tính đến yếu tố thu hẹp khoảng cách giới.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng, trong đó cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại. Như vậy, nên giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo độ tuổi như hiện nay đối với một số đối tượng, ngành nghề như diễn viên múa, vận động viên thể thao, lao động trong hầm lò, cầu đường… và cần đánh giá tác động của chính sách này đối với nhóm đối tượng đặc thù.