23/01/2025

Giảm chỉ tiêu, trường sư phạm địa phương về đâu?

Năm nay, Bộ GD-ĐT ấn định chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho từng trường sư phạm, vì thế tổng chỉ tiêu ngành này trên toàn quốc giảm đến 38% so với năm 2017.

 

Giảm chỉ tiêu, trường sư phạm địa phương về đâu?

Năm nay, Bộ GD-ĐT ấn định chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho từng trường sư phạm, vì thế tổng chỉ tiêu ngành này trên toàn quốc giảm đến 38% so với năm 2017.
 
 
 
 
Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển vào một trường sư phạm năm 2017 /// Đào Ngọc Thạch

Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển vào một trường sư phạm năm 2017   ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Việc giảm chỉ tiêu đồng nghĩa với giảm kinh phí hoạt động và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tồn tại của trường sư phạm địa phương.
 
Không đủ tiền trả lương cho giảng viên
Trường CĐ Sư phạm (SP) Nghệ An là trường của địa phương được thành lập năm 1959, bộ máy tổ chức của nhà trường hiện nay được hình thành trên cơ sở sáp nhập rất nhiều trường trung cấp SP khác trên địa bàn toàn tỉnh trong mấy chục năm qua. Hiện nay, trường có 15 khoa, phòng, ban và trung tâm, với 225 người lao động, trong đó 80% là giảng viên.
 
Trong những năm gần đây, trước bối cảnh khó khăn của hệ thống đào tạo SP, trường vẫn hoạt động được trong trạng thái cầm cự là nhờ vẫn tuyển sinh mỗi năm khoảng dăm bảy trăm chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm nay, trường chỉ được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh tổng cộng 210 chỉ tiêu trong khi trường đề xuất tuyển 600.
 

Theo ông Trần Anh Tư, Phó hiệu trưởng Trường CĐ SP Nghệ An, việc này đặt trường vào thế đối diện với một bài toán rất khó giải quyết, liên quan tới nguồn kinh phí mà trường có thể có được để duy trì hoạt động của bộ máy. “Trường không được thu học phí của sinh viên SP mà tỉnh sẽ cấp bù khoản này cho trường, căn cứ vào số sinh viên trường thực tuyển hằng năm. Nên chỉ với 210 chỉ tiêu thì làm sao trường có đủ tiền để trả lương cho giảng viên và trang trải các khoản chi thường xuyên khác?”, ông Tư đặt câu hỏi.

 
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH SP Hà Nội, cho biết việc áp chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT với các trường SP T.Ư không vấn đề gì, bởi các trường vẫn được Bộ đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Đáng lo là trường địa phương, bởi nguồn chi cho bộ máy của họ phụ thuộc vào ngân sách và quan điểm chi tiêu cho GD-ĐT của địa phương.
Hướng nào cho các trường ?
 
Theo hiệu trưởng các trường SP, hiện cả nước có 118 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó rất ít trường đã được kiểm định (chủ yếu chỉ là các trường trong nhóm ETEP – chương trình phát triển các trường SP để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).
 
 
Trường trung cấp vẫn được đào tạo giáo viên
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2018 cả nước có 35.590 chỉ tiêu SP, trong đó xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 24.369, theo các phương thức khác (bao gồm xét học bạ, tuyển thẳng) là 11.221. So sánh với năm 2017, chỉ tiêu chung giảm 38%, trong đó theo kết quả thi THPT giảm 22,8%, theo phương thức khác giảm 55,3%. Chia chỉ tiêu theo trình độ đào tạo thì ĐH là 18.589; CĐ 13.415; trung cấp 5.304.
 
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT), sở dĩ Bộ vẫn cho phép một số trường được tuyển sinh trình độ trung cấp là để đáp ứng nhu cầu trước mắt thiếu giáo viên mầm non ở một số địa phương.

 

Hiện Bộ GD-ĐT đã xây dựng đề án quy hoạch các trường đào tạo SP nhưng chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, ngay trong đề án này, Bộ cũng không chỉ rõ giúp địa phương phải giải quyết “số phận” các trường SP như thế nào. Do đó, hầu hết các trường chỉ biết chờ. Số trường tìm được giải pháp “tự cứu mình” không nhiều.

Trước thực tế này, Trường CĐ Hải Dương đang tìm hướng tồn tại. Tiến sĩ Vũ Hoài An, Hiệu trưởng trường này, cho biết: “Từ nhiều năm nay, trường mở đa ngành đào tạo, nên chỉ tiêu SP chỉ là một phần. Biết trước có ngày hôm nay, nên trường đã thiết lập hệ thống trường phổ thông thực hành, vừa tạo thu nhập cho giảng viên các ngành SP vừa để là nơi họ có trải nghiệm công tác chuyên môn. Thực tế cho thấy hướng này rất tốt. Do vậy, dù năm nay chỉ được Bộ cho 350 chỉ tiêu (bằng một nửa năm 2017), chúng tôi cũng thấy không vấn đề gì”.
 
Hướng sáp nhập các trường CĐ SP thành một cơ sở của trường ĐH lớn cũng đã được triển khai ở vài nơi nhưng diễn biến khá chậm. Nơi đầu tiên hiện đã thành công theo phương án này là Trường CĐ SP Hà Nam sáp nhập vào Trường ĐH SP Hà Nội. Tuy nhiên, chủ trương có từ cách đây mấy năm nhưng mãi đến tháng 12.2017 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới có thể ký được quyết định chính thức.
 
GS Nguyễn Văn Minh cho biết thêm, trường đã có hướng thành lập ở Hà Nam hệ thống phổ thông liên cấp, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2018 – 2019, vừa là cơ sở thực hành, vừa tạo yếu tố hạt nhân triển khai chương trình phổ thông mới ở khu vực phía nam Bắc bộ. “Đây là lần đầu tiên có việc trường tiếp nhận cơ sở đào tạo SP khác, và cũng chỉ mới bắt đầu nên chưa thể đánh giá hiệu quả được. Nhưng chúng tôi nhận thấy cán bộ của Trường CĐ SP Hà Nam cũ rất mong chờ việc sáp nhập này”, GS Minh cho hay.
 
 
QUÝ HIÊN