23/01/2025

Choáng với ‘rừng phí’ dịch vụ ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa “thổi còi” các nhà băng đồng loạt tăng phí dịch vụ thẻ ATM, nhưng đây chỉ là 1 trong cả “rừng” loại phí mà khách hàng phải trả, trong đó có không ít các loại phí “trời ơi đất hỡi”.

 

Choáng với ‘rừng phí’ dịch vụ ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa “thổi còi” các nhà băng đồng loạt tăng phí dịch vụ thẻ ATM, nhưng đây chỉ là 1 trong cả “rừng” loại phí mà khách hàng phải trả, trong đó có không ít các loại phí “trời ơi đất hỡi”.
 
 
 
 
 
Ngân hàng tăng phí rút tiền và bổ sung nhiều phí khác /// Ảnh: Ngọc Dương

Ngân hàng tăng phí rút tiền và bổ sung nhiều phí khác  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 
Đóng tài khoản phải mất phí
Các nhà băng lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank… vừa thông báo tăng phí rút tiền nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng. Đây là những ngân hàng (NH) có số lượng phát hành thẻ lớn trên thị trường, có ảnh hưởng. Ngay sau khi “anh cả” Vietcombank tăng phí dịch vụ khách hàng cá nhân vào tháng 3, các NH khác cũng đã liên tục công bố thay đổi biểu phí sau đó. Mặc dù mức tăng phí rút tiền nội mạng của NH hiện nay vẫn dưới mức quy định tối đa cho phép dưới 3.000 đồng/giao dịch nhưng tăng dồn dập gây phản cảm cho khách hàng sử dụng, đặc biệt khi danh mục biểu phí hiện nay đang dày đặc.
 

Cụ thể, khi mở thẻ, chủ thẻ phải trả phí mở thẻ, trong quá trình sử dụng thì nộp phí duy trì tài khoản và khi dừng dịch vụ đóng tài khoản cũng phải nộp phí 50.000 – 140.000 đồng. Bà Thanh (ngụ Q.3, TP.HCM) bức xúc cho biết trường hợp của mình. Bà Thanh mở thẻ tín dụng American Express tại Vietcombank mấy năm nay, mỗi năm đóng phí thường niên 200.000 đồng, nhưng do không có nhu cầu sử dụng đã đóng thẻ vào tháng 3.2018. Nhân viên thông báo phí đóng thẻ là 50.000 đồng.

 
Chủ thẻ hằng tháng hiện nay ngoài đóng phí dịch vụ tin nhắn từ 8.800 – 11.000 đồng còn phải đóng rất nhiều các loại phí rất khó chấp nhận như vắn tin, in sao kê tài khoản 500 đồng/lần, chuyển khoản nội mạng 2.000 đồng/giao dịch… Theo công bố của NHNN, số lượng thẻ mà các đơn vị phát hành hiện nay là 132 triệu thẻ. Chỉ với mức phí quản lý tài khoản từ 2.000 – 5.000 đồng/tài khoản/tháng, hệ thống NH đã “bỏ túi” mỗi tháng từ 200 – 600 tỉ đồng. Nếu tính tất cả các loại phí, các nhà băng đang thu một khoản “khổng lồ” từ khách hàng.
 
Thẻ “ngủ đông” cũng phát sinh phí
Ông Hùng (Q.3, TP.HCM) bức xúc cho hay số tiền bảo hiểm thất nghiệp vừa được chuyển vào tài khoản NH TMCP Đông Á (DongABank) thì ngay lập tức bị trừ phí 130.000 đồng. Tưởng có sự nhầm lẫn, ông tìm hiểu thì mới được biết, đây là số phí ông phải trả cho chiếc thẻ đã không sử dụng gần 5 năm nay.
 
Chuyện là cách đây nhiều năm, ông Hùng mở thẻ ở DongABank để thanh toán tiền điện qua mạng. Đến năm 2013, ông ngưng không sử dụng tài khoản DongABank nữa. Đầu năm 2018, ông Hùng mở tài khoản tại DongABank để nhận bảo hiểm thất nghiệp (Bảo hiểm xã hội phối hợp với nhà băng này chi trả tiền thất nghiệp cho người lao động) thì bị trừ phí thường niên năm 2016, 2017 cho chiếc thẻ cũ đã không sử dụng gần 5 năm trước. Thực tế, nhiều NH cũng thực hiện thu phí “âm thầm” đối với những tài khoản “ngủ đông”, không hoạt động thời gian dài như trường hợp ông Hùng.
 
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, trong tổng số tài khoản 132 triệu thẻ hiện nay, ước khoảng 1/3 là tài khoản không hoạt động. Các NH đều biết được lượng thẻ “ngủ đông” và có trách nhiệm thông báo cho khách hàng thực hiện đóng tài khoản, tránh phát sinh chi phí. Việc cấn trừ tài khoản khách hàng mà chưa có sự đồng ý là bất hợp lý, có thể dẫn đến vi phạm quy định. “Đối với tài khoản không giao dịch trong vòng 6 – 12 tháng, NH cần thông báo cho khách để có thể thực hiện đóng tài khoản. Nếu NH viện cớ khách hàng nợ phí mà không đóng được thì càng không hợp lý, vì không lẽ để nợ âm thầm phát sinh”, ông Hiếu nói.
 
Cho rằng mức phí thu hiện nay của các NH không cao nhưng khách hàng vẫn ca thán, theo ông Nguyễn Trí Hiếu là vì quá nhiều phí và có những loại phí quá vô lý như vắn tin, sao kê tài khoản, chuyển tiền nội mạng… “Kể cả các phí thường niên, mở thẻ… NH cũng không nên thu mà có thể áp dụng quy định duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản, số dư càng cao thì phí càng thấp. NH dùng số tiền này cho hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận thay vì áp dụng tăng phí, “đẻ” ra các loại phí để gia tăng lợi nhuận từ hoạt động này”, ông Hiếu nói và cho rằng, khi phí dịch vụ tăng lên, người dân có xu hướng sử dụng tiền mặt tăng sẽ ảnh hưởng đến chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Do đó NH nên xem xét lại tổng thể biểu phí tránh gây bức xúc cho khách hàng.
 

THANH XUÂN