08/01/2025

Thế giới phản ứng trái chiều trước việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran

Anh, Pháp, Đức cho rằng Mỹ hành động “đáng tiếc” trong khi Israel và Ả Rập Xê Út hoan nghênh quyết định của Washington.

 

Thế giới phản ứng trái chiều trước việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran

Anh, Pháp, Đức cho rằng Mỹ hành động “đáng tiếc” trong khi Israel và Ả Rập Xê Út hoan nghênh quyết định của Washington.
 
 
 
 

 
Tờ Independent ngày 9.5 đưa tin Anh, Pháp và Đức ra thông cáo chung chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
 
Theo thông cáo, cả 3 nước đều cho rằng hành động này là “đáng tiếc và gây quan ngại”, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cam kết tuân thủ thoả thuận.
 
“Chúng tôi cùng nhấn mạnh việc tiếp tục cam kết theo thoả thuận. Thoả thuận này vẫn còn tầm quan trọng đối với an ninh chung của chúng tôi”, thông cáo viết.
 

Sau khi Mỹ rút, các nước đã ký kết thoả thuận năm 2015 với Iran còn lại gồm 3 nước này cùng với Nga và Trung Quốc. Theo thoả thuận, Tehran giới hạn các chương trình hạt nhân, đổi lại việc LHQ và EU nới lỏng các biện pháp trừng phạt về tài chính, kinh tế và dầu mỏ.

 
Theo thông cáo của 3 nước, thoả thuận đã được thông qua bởi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là khung pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc. Thông cáo đồng thời kêu gọi Iran “kiềm chế” trong phản ứng với quyết định của Mỹ.
 
Viết trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận nằm trong dự đoán của ông, sau khi 2 lãnh đạo gặp nhau tại Nhà Trắng.
 
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này ra thông cáo bày tỏ sự “thất vọng sâu sắc” đối với quyết định của ông Trump. “Không thể có khả năng hủy bỏ thoả thuận vì nó đã thể hiện hiệu quả hoàn toàn. Mỹ đã huỷ hoại lòng tin của quốc tế vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)”, theo thông cáo.
 
Theo Reuters, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết chính sách của ông Trump đối với Iran sẽ “gặp phải một mặt trận châu Âu thống nhất”. Bên cạnh đó, Đại diện ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng thỏa thuận đã hiệu quả trong việc răn đe Iran không phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời dự báo rằng tất cả các nước ngoại trừ Mỹ đều ủng hộ thoả thuận này.
 
Tuy nhiên, đối thủ của Iran là Israel lại hoan nghênh quyết định của ông Trump. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng thoả thuận năm 2015 là “thảm hoạ cho khu vực và hòa bình thế giới”.
 
Bên cạnh Israel, Ả Rập Xê Út và các đồng minh trong khu vực cũng ủng hộ quyết định từ phía Mỹ vì cho rằng thoả thuận giúp Iran gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.
 
Nhiều người Ả Rập Xê Út đăng hình Tổng thống Trump và Thái tử Mohammed bin Salman, hoan nghênh họ và kêu gọi hành động.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Jordan Ayman al-Safadi cảnh báo về nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực, đồng thời kêu gọi giải pháp chính trị nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân và huỷ diệt hàng loạt trong khu vực.
 
 
KHÁNH AN