24/01/2025

‘Tụi con mong thầy cô là bạn thân’

‘Mong thầy cô mang đến cho tụi con nhiều tiết học vui vẻ nhẹ nhàng, mong thầy cô giám thị và thầy cô chủ nhiệm luôn là ‘bạn thân’ của học sinh’.

 

‘Tụi con mong thầy cô là bạn thân’

 ’Mong thầy cô mang đến cho tụi con nhiều tiết học vui vẻ nhẹ nhàng, mong thầy cô giám thị và thầy cô chủ nhiệm luôn là ‘bạn thân’ của học sinh’.

 
 

Tụi con mong thầy cô là bạn thân - Ảnh 1.

Học trò mong ước thầy cô giám thị và thầy cô chủ nhiệm là “bạn thân” thay vì là người giám sát và ra hình phạt. Trong ảnh: giám thị Trường THPT Thành Nhân (Tân Phú, TP.HCM) theo dõi học sinh trước khi vào lớp – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Gần cuối năm học, tôi thử ‘phỏng vấn’ con gái học lớp 9: Con mong gì từ thầy cô mình? Và câu trả lời khiến tôi suy nghĩ nhất: Mong thầy cô là ‘bạn thân!

“Con mong thầy cô mang đến cho tụi con nhiều tiết học vui vẻ nhẹ nhàng, mong thầy cô giám thị và thầy cô chủ nhiệm luôn là “bạn thân” của học sinh. Mọi người cần tôn trọng nhau, tôn trọng cái đúng và tụi con cần thầy cô lắng nghe nhiều hơn”, con nói, và còn kể nhiều chuyện khác ở trường, lớp.

1 Giờ học môn địa lý, bài học “Vùng kinh tế ĐBSCL”, thầy đố cả lớp “đàn vịt” và “vịt đàn” giống hay khác nhau? Đó là cách thầy mở đầu nói về kinh tế chăn nuôi, về nghề nuôi vịt thả đồng.

Đến phần trồng trọt, thầy kể chuyện mùa nước nổi ở miền Tây, về phù sa và lợi ích của nó. Hôm giảng về “Vùng kinh tế Tây Nguyên”, thầy kể chuyện Tây Nguyên xưa và nay. Thầy nói Tây Nguyên xa biển, xa đồng bằng, giao thông khó khăn như thế nào…

Thầy thường đọc báo, xem thông tin, tư liệu trên mạng. Thầy nói ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ bởi vì thầy đọc nhiều, hiểu nhiều, nhớ nhiều. Thầy không nói mấy chữ cao siêu, khó hiểu như trong sách.

Học với thầy, chép bài cực ngắn, có bài chưa hết một trang giấy nhưng chuyện thầy kể thì khó quên. Thầy không bắt học thuộc lòng từng chữ. Chỉ cần hiểu ý, suy nghĩ một chút là có thể làm bài kiểm tra và thi tốt.

Nhiều bạn cứ mong tới giờ học với thầy, lúc nào cũng vui nhộn. Con ước gì có nhiều thầy cô giảng bài như kể chuyện, mới lạ vậy đi, mong có nhiều bài học nhẹ nhàng thay vì bám từng chữ trong sách, chép bài tới “mỏi tay”…

2 Lần kia, trong trường xầm xì về chuyện hai đứa con gái lớp 7 sẽ đánh nhau tại lớp. Tin đồn râm ran mà hình như thầy cô không biết.

Sắp đến giờ hẹn, có vẻ như sẽ đánh nhau thật, mọi người tụ tập đông hơn chỗ lớp đó. Tụi con quyết định “mật báo” với cô giám thị (vì tụi con cũng sợ tụi nó đánh). Được tin, cô đi ngay xuống lớp. Cô giả như vô tình đứng đó và đám đông giải tán.

Bây giờ, đã thành thói quen, rất nhiều bạn thích ghé phòng giám thị nói chuyện với thầy cô. Nơi đó không quá đáng sợ! Những thầy giám thị rất nghiêm nhưng lại là những người rất hiểu, rất thân thiện với tụi con.

Có việc gì các thầy đều hỏi kỹ các bên trước khi xử phạt. Không hiểu sao trong trường không còn chuyện học trò đánh nhau liên tục, ồn ào như trước nữa. Con mong thầy cô giám thị (và cả thầy cô chủ nhiệm) là “bạn thân” của học sinh để luôn lắng nghe và thấu hiểu.

3 Lớp con không giỏi môn vật lý, nhiều bạn cũng không cố gắng trong khi cô của con lại rất nghiêm khắc. Một bữa đến tiết ôn thi, có mấy bạn bận đi làm hồ sơ vào Đoàn, có bạn không liên quan cũng bỏ học chạy theo, tất cả đều không xin phép cô.

Cô đang giảng bài, các bạn ồn ào chạy về, cô mời tất cả đứng bên ngoài không được vào lớp và đề nghị giữ im lặng.

Thầy hiệu trưởng đến tận lớp đề nghị cô cho các bạn vào học, cô nói lời chừng mực, lễ phép với thầy: “Thưa thầy, đây là giờ dạy của em, thầy cho em được quyết định” và cô kiên quyết giữ quan điểm của mình.

Các bạn bị phạt đứng ngoài có thể giận cô. Những bạn ngồi trong lớp như con đã rất bất ngờ khi nghe cô nói chuyện cùng thầy hiệu trưởng nhưng sau đó nhiều bạn hâm mộ cách ứng xử của cô.

Tụi con ủng hộ cô vì ở đâu cũng có phép tắc, bỏ tiết không xin phép là sai và cô đã nói rất hay, rất điềm tĩnh để bảo vệ quan điểm của mình. Tụi con hiểu ra: ai cũng mong được tôn trọng, mọi người cần tôn trọng nhau, cùng tôn trọng cái đúng.

Và trong nhiều chuyện khác, tụi con mong thầy cô tôn trọng và lắng nghe ý kiến của tụi con. Nhiều khi tụi con đã nghĩ khác, làm khác những gì thầy cô nghĩ.

Thầy cô đã giận, đã phê bình, đã phạt, đã báo phụ huynh… Trong nhiều vụ, các bạn im lặng không phản ứng nhưng đã không nghe, không sợ, không chịu thay đổi.

Tới bây giờ thì con thấy: không có cách nào hoàn hảo hết, xin thầy cô đừng ép tụi con theo hình mẫu nào hết!

Giờ thi học kỳ 2 lớp 9 xong rồi, có bạn con thở phào gọi là “thoát nạn”, tức là thoát khỏi nỗi khổ lớp chọn. Dù sao tụi con đã chấp nhận, đã thích nghi mấy năm rồi. Tụi con đồng tình hay không đồng tình, chuyện cũng đã qua. Còn ba năm THPT trước mắt nữa đó…

Tại sao lúc nào cũng là điểm và điểm?

Bốn năm qua, “lỗi” lớn nhất của lớp con, bị nghe phê bình nhiều nhất là chuyện điểm số và tỉ lệ học sinh đạt điểm khá giỏi của lớp con luôn thấp hơn lớp bên cạnh.

Lớp đó là lớp chọn, điểm bình quân các môn phải trên 9.0, thậm chí có năm 9.3 mới được vào. Lớp con là lớp tăng cường tiếng Anh, nhiều bạn giỏi đều các môn nhưng có nhiều bạn rơi xuống điểm trung bình, dưới trung bình.

Nhưng trường coi lớp con là lớp chọn. Vài thầy cô gần như stress khi mọi giải pháp đưa ra đều khó có thể cải thiện điểm lớp này. Nghe nói, nhận lớp chọn, thầy cô cũng bị áp lực tỉ lệ khá giỏi, con cũng thương thầy cô…

Càng về sau, mỗi lần thầy cô so sánh điểm số với lớp bạn, nhìn mặt bạn con thấy giống như có ba chữ “không muốn nghe”. Nhưng tụi con vẫn thường nghe đó thôi! Không chỉ vậy, rất nhiều lần tụi con cùng thầy cô tạo nên những giờ dạy và học được đánh giá tốt.

Lớp con từng có bạn đoạt giải hùng biện tiếng Anh cấp quận, đoạt giải nét vẽ xanh cấp thành phố, năm nào cũng đoạt giải cao khi làm báo tường, viết thư pháp, vẽ tranh cổ động và tích cực trong nhiều hoạt động khác trong trường… Ước gì mấy chuyện này tụi con cũng được khen thật xứng đáng, khen nhiều lần. Tại sao lúc nào cũng là điểm và điểm?