23/12/2024

Indonesia đau đầu với đám cưới ‘trẻ con’

Trung tuần tháng 4-2018, bất chấp dư luận, hai trẻ em Indonesia được tổ chức lễ cưới một cách hợp pháp ở đảo Sulawesi.

 

Indonesia đau đầu với đám cưới ‘trẻ con’

Trung tuần tháng 4-2018, bất chấp dư luận, hai trẻ em Indonesia được tổ chức lễ cưới một cách hợp pháp ở đảo Sulawesi.


Indonesia đau đầu với đám cưới trẻ con - Ảnh 1.

Một bé gái trong trang phục cô dâu và khẩu hiệu kêu gọi “Chấm dứt tảo hôn” – Ảnh: AFP

 

Sự việc thu hút sự chú ý cực lớn ở đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới này.

Vợ chồng trẻ con

Đơn xin đăng ký kết hôn của cặp đôi bị Văn phòng phụ trách các vấn đề về tôn giáo (KUA) – nơi chịu trách nhiệm về việc tổ chức cưới xin – từ chối với lý do cả hai còn quá trẻ. Gia đình họ sau đó đã khiếu nại đến toà án tôn giáo để phủ quyết quyết định của KUA và đã thành công.

Cặp đôi, trong đó chồng 15 tuổi và vợ 14 tuổi, sau đó làm đám cưới hợp pháp. Cô dâu trẻ nói với báo chí rằng cuộc hôn nhân của họ là “định mệnh”. 

 
 

Đôi bên bắt đầu hẹn hò được 5 tháng thì cha mẹ họ phát hiện và ngay lập tức hối thúc cả hai phải đám cưới. Nếu họ sống ở thành phố lớn thì đã khác, nhưng hai gia đình lại sống ở Sulawesi – nơi giữ nghiêm truyền thống đạo Hồi và để xảy ra đàm tiếu liên quan đến việc hẹn hò là “nguy hiểm”. 

Theo cô dâu, cô muốn tiếp tục việc học trước khi tính chuyện có con. Mẹ cô dâu cũng từng kết hôn khi mới 14 tuổi. Người chồng 15 tuổi của cô đã bỏ học và khẳng định sẽ làm việc để gánh vác kinh tế gia đình.

Indonesia nằm trong nhóm 10 nước có tỉ lệ tảo hôn cao nhất trên thế giới với 1.408.000 phụ nữ ở độ tuổi 20-24 đã kết hôn trước tuổi 18. 

Theo tờ Sydney Morning Herald, những gia đình trẻ này hoặc tổ chức đám cưới theo nghi lễ tôn giáo và không đăng ký đám cưới chính thức cho đến khi đủ tuổi hoặc nói dối tuổi để đăng ký kết hôn.

Hiện tại, tuổi tối thiểu để kết hôn cho nữ là 16 và nam là 19 theo luật từ năm 1974. Luật này mâu thuẫn với Luật bảo vệ trẻ em năm 2002 của Indonesia, trong đó quy định trẻ em là những người dưới 18 tuổi. 

Tuy nhiên, xã hội chấp nhận tảo hôn như một thực tế và người ta tránh nói về nó. Toà án tôn giáo có quyền cho phép đám cưới với các trường hợp nhỏ tuổi hơn.

Bão dư luận

Câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ đã làm dấy lên dư luận phản đối trong dân chúng, những học giả về tôn giáo và thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Theo BBC, Tổng thống Indonesia Joko Widodo buộc phải lên tiếng rằng ông có kế hoạch đưa ra những quy định mới để chấm dứt tục lệ tảo hôn bằng cách nâng cao độ tuổi tối thiểu có thể được kết hôn.

Bà Lies Marcoes, một chuyên gia về giới và Hồi giáo học người Indonesia, trả lời BBC: “Indonesia phải nhìn nhận cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này, tảo hôn là sự cảnh báo của cái chết trong im lặng vì nó gắn liền với tỉ lệ chết sau sinh cao của trẻ và của mẹ”.

Năm 2017, một nhóm các nhà hoạt động tôn giáo là phụ nữ ở Indonesia đã vận động rất mạnh mẽ để chống lại tảo hôn. Họ kêu gọi chính quyền tăng tuổi kết hôn tối thiểu của nữ từ 16 tuổi lên 18. Họ trích nhiều nghiên cứu cho thấy các cô dâu trẻ không được phép tiếp tục học hành và khoảng nửa số đám cưới kết thúc bằng ly dị.

Nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Plan cho thấy tảo hôn “gây ra những hậu quả mang tính tàn phá, dẫn đến đói nghèo bền vững, rủi ro về sức khỏe liên quan đến việc mang thai sớm”. Các cô dâu trong những trường hợp tảo hôn cũng thường là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Báo cáo về tảo hôn đầu tiên của Indonesia thực hiện bởi chính quyền và UNICEF năm 2016 khẳng định tảo hôn là vi phạm nghiêm trọng quyền con người của trẻ em gái, bao gồm quyền đi học, quyền sức khoẻ, quyền có thu nhập trong tương lai và quyền được đảm bảo an toàn.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) năm 2017, khoảng 14% phụ nữ Indonesia kết hôn khi chưa tròn 18 và 1% kết hôn trước tuổi 15. Tỉ lệ này tương đương cứ 4 trẻ em gái ở Indonesia thì có 1 em kết hôn trước 18 tuổi. Trên toàn cầu, khoảng 15 triệu trẻ em gái bị tảo hôn mỗi năm.