24/01/2025

Học sinh sáng chế phần mềm về giải phẫu cơ thể người

Thấy môn sinh học còn khô, thiếu thực hành, nhóm học sinh Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nghiên cứu cho ra đời phần mềm Virtual Anatomy để dễ nhớ hơn khi học về cơ thể người.

 

Học sinh sáng chế phần mềm về giải phẫu cơ thể người

Thấy môn sinh học còn khô, thiếu thực hành, nhóm học sinh Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nghiên cứu cho ra đời phần mềm Virtual Anatomy để dễ nhớ hơn khi học về cơ thể người.



Học sinh sáng chế phần mềm về giải phẫu cơ thể người - Ảnh 1.

Từ trái qua: các bạn Lâm Đào Quế Anh, Nguyễn Gia Huy, Đỗ Mạnh Hùng – Ảnh: C.K.

 

Nhóm học sinh này gồm Lâm Đào Quế Anh (lớp 11 chuyên văn) và Nguyễn Gia Huy (lớp 12 chuyên tin), đã đoạt giải ba cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2017-2018 (ViSEF) do Bộ Giáo dục – đào tạo vừa tổ chức.

“Tôi nhận thấy các em làm việc với tác phong chuyên nghiệp, biết lên đề cương nghiên cứu, chia các giai đoạn thực hiện đề tài một cách khoa học. Khi các em gặp khó khăn trong nghiên cứu thì biết cách gỡ nút thắt và tìm cách vượt qua

Tiến sĩ ĐÀO DUY NAM (giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM) 

Làm sao cho môn Sinh bớt khô

“Nhiều môn học trong trường hiện nay còn thiên về lý thuyết, nặng kiến thức, ít thực hành khiến học sinh mau quên. Môn Sinh học (đặc biệt là về cơ thể con người) cũng vậy, có khối kiến thức nặng, lúc học thấy… chán lắm. Phải làm gì đó cho môn sinh học bớt khô khan” – Quế Anh lý giải việc các bạn chọn sáng chế phần mềm này. 

Nghĩ vậy nên trong nhiều ngày cùng nhau làm việc, dưới sự hỗ trợ của giáo viên cũng như các bạn học sinh chuyên tin như Đỗ Mạnh Hùng, Thăng Long, Tuấn Khải và Linh Chi, phần mềm “Virtual Anatomy” của Quế Anh và Gia Huy đã ra đời.

 

Phần mềm giúp người học quan sát được các bộ phận cơ thể một cách trực quan, sinh động, gồm 8 hệ cơ quan lớn trong cơ thể con người: hệ bài tiết, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh dục, hệ bạch huyết, hệ hô hấp và hệ hoocmôn, với hệ thống hơn 700 xương và hơn 400 cơ. 

Sản phẩm sử dụng cảm ứng không dây ba chiều Leap Motion (LM) – công cụ nhận thông số từ hệ thống tracking gồm camera hồng ngoại để xử lý và chuyển hóa thành bàn tay ảo. 

Điều này mang nhiều hứng thú cho người học khi có thể di chuyển bàn tay ảo để thực hiện các thao tác trong quá trình “giải phẫu” mô phỏng cơ thể người.

Thiết kế bàn mổ ảo

Ở mức nâng cao, Quế Anh và Gia Huy đã hoàn tất mô phỏng cơ bản ca phẫu thuật gắp mảnh đạn ra khỏi cánh tay người. “Tuy nhiên, ca phẫu thuật vẫn chưa đạt đến độ chính xác cao nhất do những khó khăn gặp phải trong việc mô phỏng các chất dịch trong cơ thể” – Gia Huy cho hay.

Gia Huy và Quế Anh đều ấp ủ hoàn thiện hơn nữa phầm mềm cho môn sinh học này để được áp dụng vào giảng dạy. Các bạn đang tiếp tục đưa các thông số sinh học vào phần mềm, từ đó điều chỉnh mô hình chi tiết hơn, đặc biệt phát triển sâu các bộ phận của cánh tay, da, xương, sụn…, nghiên cứu hoàn thiện các code để sản phẩm ngày càng có độ chính xác cao hơn.

“Tụi mình cũng kỳ vọng nghiên cứu, phát triển thêm theo hướng thiết kế bàn mổ ảo để mô phỏng lại chân thực như một buổi giải phẫu trong thực tế; nghiên cứu để tạo mô hình động như dòng máu chảy, tim đập, cơ chế đông máu…” – Quế Anh chia sẻ.

Giúp học sinh “học phải có hành” chính là ý nghĩa mà hai tác giả học sinh này mong muốn.

phan-mem-sinh-hoc---ung-dung-5(read-only)

Dùng phần mềm Virtual Anatomy để tìm hiểu về cơ thể người – Ảnh: C.K.

 

Quế Anh cũng như Gia Huy đều từng đoạt khá nhiều giải thưởng trong môn chuyên của mình.

Quế Anh từng đoạt huy chương bạc môn ngữ văn trong kỳ thi Olympic truyền thống năm 2017, giải A cuộc thi “Rực sáng ước mơ tuổi thơ” Q.1 (TP.HCM)… Cô nàng còn góp mặt trong nhiều đội nhóm phụ trách các mảng truyền thông, văn chương học thuật của trường, lớp.

Còn Gia Huy từng đoạt giải khuyến khích tin học trẻ TP.HCM 2015, giải nhất tin học trẻ TP.HCM 2016, là tác giả sản phẩm Bra-In trò chơi thuật toán trên smartphone – top 10 sản phẩm game trong cuộc thi Bluebird Award 2017…