25/01/2025

Tội quá, học trò ước mong được giảm tải

“Từ hồi học lớp 1 đến bây giờ, em vẫn thường ước mong lớp mình được giảm bớt vài bài hoặc giảm bớt vài môn. Như thế, áp lực học hành sẽ giảm đi rất nhiều” – N.H.T., học sinh lớp 8 ở Q.3 (TP.HCM), chia sẻ.

 

Tội quá, học trò ước mong được giảm tải

 ”Từ hồi học lớp 1 đến bây giờ, em vẫn thường ước mong lớp mình được giảm bớt vài bài hoặc giảm bớt vài môn. Như thế, áp lực học hành sẽ giảm đi rất nhiều” – N.H.T., học sinh lớp 8 ở Q.3 (TP.HCM), chia sẻ.

 


Tội quá, học trò ước mong được giảm tải - Ảnh 1.

Áp lực học hành được xem là một trong những nguyên nhân gây ra xung đột thầy – trò. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) chúc mừng thầy cô Ngày nhà giáo VN – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Không chỉ có sinh viên sư phạm hay những người trong ngành có nhiều “tâm tư”, học sinh – một trong hai đối tượng chính của quá trình dạy và học – cũng đang muốn có nhiều sự thay đổi.

Trong đó, ước mong lớn nhất là: không phải học quá nhiều.

Thắc mắc biết hỏi ai

“Từ hồi học lớp 1 đến bây giờ, em vẫn thường ước mong lớp mình được giảm bớt vài bài hoặc giảm bớt vài môn. Như thế, áp lực học hành sẽ giảm đi rất nhiều” – N.H.T., học sinh lớp 8 ở Q.3 (TP.HCM), chia sẻ.

T. cho biết: “Chúng em phải học tất cả 11 môn nhưng môn nào cũng có rất nhiều bài tập và bài học. Mùa thi, có bữa em phải học đến 23h vẫn chưa hết bài, thực sự là rất mệt mỏi. Kế bên nhà em là bạn L., cùng tuổi với em nhưng bạn không học trường công lập mà học trường quốc tế. Bạn ấy chỉ học có 6 môn. Có thời gian, bạn ấy đi ra ngoài công viên, vào bảo tàng, có bữa lại ra chợ Bến Thành cùng với nhóm của mình để thu thập thông tin, làm dự án. Nếu học sinh trường công lập chúng em cũng được học như vậy thì thật thú vị”.

Theo lời T.: “Em thắc mắc là nếu học sinh THCS chỉ học 6 môn thì có đủ kiến thức để vào đời không? L. cũng không biết giải thích thế nào. Nhưng với em, em cảm thấy rất sợ đến trường”.

Tương tự, N.V.Nh. – học sinh lớp 6 ở một quận trung tâm TP.HCM – trình bày bức xúc: “Em rất ghét môn mỹ thuật vì không có khiếu môn này. Năm nay, vì vướng điểm môn mỹ thuật nên em không được học sinh giỏi. Thế nên em không thích cô giáo dạy mỹ thuật, cô thật khó khăn và cứng nhắc, bắt học sinh lớp em phải vẽ những chủ đề rất khó như vẽ những con người đang hoạt động, vẽ ngôi nhà nhưng phải có người ở bên trong… Có bữa cả buổi tối em loay hoay với bài tập vẽ mà vẫn không đạt. Vẽ xấu thì cô la mắng, chê bai làm em rất mắc cỡ với các bạn”.

Đáng lo hơn, Nh. nung nấu trong đầu một ý nghĩ: “Sẽ tìm cách để cô giáo “quê” với mọi người một phen”. Chị Ng., mẹ của Nh., cũng là một giáo viên, cho biết: “Khi phát hiện ra chuyện này, tôi thực sự lo lắng vì đây chính là mầm mống của những lộn xộn trong học đường từng xảy ra thời gian gần đây. Tôi phải giải thích cho con: không phải cô giáo ghét con, cũng không phải cô cố ý cho bài khó mà đó là nội dung chương trình. Cô giáo phải tuân theo nội dung này trong quá trình giảng dạy”.

Chị Ng. kể: “Nhưng con tôi không đồng ý với cách giải thích của tôi. Nó bảo: có thể cô muốn con tiến bộ nhưng cô không được phép chê con trước mặt các bạn làm con mất mặt. Trên đời này, có mấy người có năng khiếu về vẽ nhưng vẫn thành công. Tôi thấy con mình nói không sai. Áp lực học hành quá tải của học sinh ngày nay bắt nguồn từ việc phải học quá nhiều thứ”.

“Chạy nhanh lên, sợ rớt hết mỡ hả?”

“Con mong thầy thể dục lớp con đừng gọi con là ‘ông mập’ làm con rất buồn. Bữa trước, khi đang chạy về đích để chơi trò chơi, thầy đã hét lên với con: ‘Chạy nhanh lên, sợ rớt hết mỡ hả?’ làm các bạn chọc con hoài. Con không muốn học môn thể dục nữa”.

(Tâm sự của một cậu bé lớp 5 ở nội thành TP.HCM)

Bài học phải gần gũi

Cùng nỗi khổ về môn mỹ thuật, bé V., học sinh lớp 4 ở TP.HCM, kể: “Cả học kỳ 2 năm nay em không vẽ được một bài nào hoàn chỉnh vì nó quá khó đối với em. Cô giáo nói nếu không hoàn thành 15 bài mỹ thuật thì em sẽ bị ở lại lớp. Bí quá, em mang bài về cho anh trai mình vẽ giùm. Anh trai em bảo: ngành giáo dục đã tạo điều kiện cho trẻ sống không trung thực, nhưng cuối cùng anh vẫn vẽ giùm em”.

V. bày tỏ: “Em rất thích lịch sử vì em được đọc sách, đọc truyện, coi phim hoạt hình về những trận đánh của tướng Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… từ hồi học lớp 1. Nhưng đến năm lớp 4, được học môn lịch sử rồi thì em lại thấy chán. Bài học môn lịch sử không hay như những gì em xem trên phim, trên truyện. Ví dụ lớp em phải học thuộc về cách tổ chức của Nhà nước Văn Lang, trong đó có lạc hầu, lạc tướng… rất khó nhớ vì lần đầu em biết đến những từ này”.

Bà M., mẹ của V., cũng phân tích: Để học sinh đến trường cảm thấy vui vẻ, học hành hứng thú thì các nhà làm chương trình phải nghiên cứu về tâm sinh lý lứa tuổi xem các em quan tâm đến cái gì, mong muốn tiếp nhận những loại kiến thức nào… Khi đi học không vui, bị giáo viên ép phải thuộc bài, phải làm bài thì các em đâm ra ghét thầy cô, ghét nhà trường, các em sẽ có thái độ bướng bỉnh, cãi lại, thậm chí hỗn xược.

Bà cho rằng về phía giáo viên, thấy học sinh như vậy cũng dễ bực mình, nổi cáu, dễ có những hành động không hay, thiếu kiểm soát. Mà khi giữa thầy và trò đã khó chịu về nhau thì rất dễ xảy ra xung đột. Điều này cũng có thể lý giải nguyên nhân tại sao trong ngành GD-ĐT lại xảy ra hàng loạt câu chuyện không vui trong thời gian qua.

Đề xuất 10 giá trị định hướng cốt lõi cho giáo dục

Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa giáo dục học đường ĐH VN trong thời kỳ phát triển và hội nhập” diễn ra sáng 27-4 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Tại đây, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm chỉ ra rằng: Để khắc phục những vấn đề nổi cộm của văn hóa học đường VN phải thay đổi việc cải cách giáo dục với yêu cầu “toàn diện” thì không thể thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu” như hiện nay. Căn cơ là cần một giải pháp tổng thể: xây dựng triết lý giáo dục phù hợp cho giai đoạn hiện tại trên cơ sở khắc phục những khuyết tật của triết lý giáo dục truyền thống.

Mỗi quốc gia trong mỗi giai đoạn có những yêu cầu riêng. Vì vậy, GS Thêm đề xuất đặt việc hiện thực hóa triết lý giáo dục trong bối cảnh của việc xây dựng hệ giá trị VN mới, trong đó 10 giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm là: dân chủ và pháp quyền; yêu nước và nhân ái; trung thực và bản lĩnh; trách nhiệm và hợp tác; tính khoa học và sáng tạo. Theo ông, các giá trị định hướng cốt lõi trong điểm này sẽ đảm bảo cơ sở cho văn hoá học đường, văn hóa giáo dục và triết lý giáo dục trở thành những giá trị thực tế.

Cũng tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ làm thay đổi mô hình đào tạo, phương thức tổ chức, quản lý, phương pháp giáo dục mà còn thay đổi cả trên bình diện văn hoá giáo dục học đường, nhất là đối với giáo dục bậc ĐH. Vì vậy các trường ĐH ở VN cần phải có sự đổi mới trong nhận thức tổ chức, trong phát triển đào tạo… (TRẦN HUỲNH)

 

HOÀNG HƯƠNG