27/01/2025

Sẽ sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho nghề nuôi yến

Liên quan đến nghề nuôi chim yến đang ‘bùng nổ’ nhưng đối mặt nhiều khó khăn vì thiếu quy định quản lý, PV Thanh Niên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám về những giải pháp tháo gỡ, phát triển thị trường cũng như xây dựng thương hiệu yến sào VN.

 

Sẽ sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho nghề nuôi yến

Liên quan đến nghề nuôi chim yến đang ‘bùng nổ’ nhưng đối mặt nhiều khó khăn vì thiếu quy định quản lý, PV Thanh Niên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám về những giải pháp tháo gỡ, phát triển thị trường cũng như xây dựng thương hiệu yến sào VN.


 
 
 

Thị trường yến sào đang ngày càng được mở rộng /// Đình Phú

Thị trường yến sào đang ngày càng được mở rộng   ĐÌNH PHÚ

 
 
Ông Vũ Văn Tám cho biết: “Nghề nuôi chim yến ở VN với mục đích thương mại đang phát triển khá mạnh trên phạm vi cả nước. Tính đến cuối 2016 đã có 41/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến với tổng số ước khoảng hơn 5.800 nhà yến. Vốn đầu tư của xã hội vào nhà yến lên đến hơn 7.500 tỉ đồng, tạo ra sản phẩm hàng hóa tương đương 800 tỉ đồng/năm. Đây là một con số đầy triển vọng và còn nhiều khả năng tăng cao nữa khi có sự phát triển bài bản hơn trong thời gian tới”.
 
Không áp đặt trong quản lý
Nghề nuôi chim yến “bùng nổ” như thế nhưng “đất sống” cho nghề này thì đang phập phù, vì sao như vậy?
 
Chúng ta thấy rằng việc quản lý hiện nay chưa theo kịp, chưa hỗ trợ hiệu quả cho nghề nuôi chim yến phát triển, đặc biệt là các yêu cầu, mong muốn chính đáng của doanh nghiệp, người nuôi chưa đáp ứng được; khó khăn, vướng mắc gặp phải cũng chưa được tháo gỡ kịp thời. Vấn đề này đã được nhận diện để có hướng giải quyết phù hợp.
 
Khi quy hoạch vùng nuôi chim yến, nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM với hơn 500 nhà yến, đã tính toán không cho tồn tại nhà yến hiện hữu có sản lượng tổ yến thấp ở trong khu dân cư. Có nên giải quyết vấn đề theo cách đó?
 
Chúng ta không nên quá áp đặt trong cung cách quản lý, mà cần phải có lộ trình giải quyết cụ thể, hợp tình hợp lý. Trước đây, các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp đều có quy hoạch, nhưng giờ theo luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua, thì không có quy hoạch ngành và quy hoạch sản phẩm nữa. Tuy nhiên, chúng ta chuyển tư duy quy hoạch ngành, sản phẩm ấy thành các đề án, chương trình để phát triển. Các địa phương thì có quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể của địa phương, cho nên đối với nghề nuôi chim yến và các nghề mới khác trong nông nghiệp, địa phương có thể chủ động đưa vào quy hoạch. Trước mắt, việc cần thiết nhất là phải tích cực hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để người nuôi yến có thể đạt năng suất, tránh chuyện phá bỏ nhà yến vì chi phí đầu tư bỏ ra không nhỏ.
 
Sẽ sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho nghề nuôi yến1
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám

 
Thực tế ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng chỗ quy hoạch lại không có yến, mà chỗ không quy hoạch lại có yến, vậy giải bài toán đó ra sao, thưa ông?
 
Đúng là việc đó đã xảy ra trên thực tế, không chỉ riêng nghề nuôi chim yến mà với nhiều nghề mới khác. Đặc điểm chung của nông dân chúng ta là hay làm theo phong trào, có khi thấy người ta làm thì mình cũng làm, trong khi mình chưa có kiến thức, kinh nghiệm, chưa có đủ điều kiện cần thiết. Do đó, mình giải quyết bài toán này bằng cách là khi quy hoạch cần tính toán hết sức hợp lý, đồng thời hướng dẫn đầy đủ cho người dân biết cách nuôi, dẫn dụ chim yến, bởi đây là một loài động vật hoang dã.
 
An toàn khi nuôi chim yến vẫn còn ý kiến trái chiều, các chuyên gia khẳng định nuôi yến an toàn về môi trường, dịch bệnh, nhưng người dân vẫn lo lắng hoạt động này có thể phát sinh dịch bệnh…
 
Chuyện này đã có thực tiễn chứng minh rồi. Chim yến là động vật hoang dã, chỉ có bay trên trời đi kiếm ăn côn trùng rồi về tổ chứ không dừng đậu ở đâu. Do vậy, khả năng chim yến mắc dịch bệnh đặc biệt rất thấp. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà phải cảnh giác. Trong trường hợp nếu có xảy ra dịch bệch, chúng ta vẫn có đầy đủ giải pháp và khả năng kiểm soát để ngăn ngừa, vì chúng ta đã có quy định pháp luật rất chặt chẽ về thú y. Thật ra chim yến chúng ta không có nuôi mà dẫn dụ rồi khai thác thôi, nhưng nói nôm na cho dễ hiểu là nuôi. Thông tư 35 từ năm 2013 của Bộ cũng đã cơ bản đề cập đến vấn đề này.
 
Hướng đến thị trường xuất khẩu
Nghề nuôi chim yến phát triển mạnh ở các nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan với doanh thu rất lớn, có nước thu hơn 1 tỉ USD/năm. Chúng ta phải làm gì để gia tăng giá trị sản phẩm yến sào được ví là “vàng trắng”?
Nghề nuôi chim yến của chúng ta đi sau các nước trong khu vực nên có những bất lợi, đó là về thị trường thì cạnh tranh khó khăn, thách thức cũng rất nhiều. Nhưng ngược lại chúng ta có những lợi thế về chất lượng tổ yến tốt hơn, có thể học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm các nước, “đi tắt đón đầu” chứ không phải mất quá nhiều thời gian để tìm tòi, thực nghiệm… Nếu có quyết tâm cao, tổ chức lại bài bản hơn, chúng ta hoàn toàn có thể coi đây là một ngành hàng đầy tiềm năng, lợi thế của VN.
 
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm yến sào trong nước và nước ngoài ngày càng tăng cao. Có doanh nghiệp niêm yết giá hơn 200 triệu đồng/kg yến sào, nhưng vẫn tiêu thụ được. Thế nhưng xuất khẩu tổ yến, sản phẩm yến sào lại chưa chính ngạch, chủ yếu là thông qua doanh nghiệp các nước trung gian, cho nên thương hiệu và giá trị mang lại chưa cao. Đây là những điều cần lời giải.
 
Theo tôi, giống như các mặt hàng nông sản khác, xuất khẩu yến sào phải nhờ vào sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới biết thị trường cần gì, nhu cầu như thế nào. Trên cơ sở tín hiệu của thị trường, nếu doanh nghiệp có yêu cầu với quản lý nhà nước thì chúng ta phải lắng nghe doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý cần thiết, trong đó có cả việc hỗ trợ nghiên cứu, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đấu tranh với những rào cản thương mại của các nước.
 
Nghề nuôi yến đang thiếu cơ sở pháp lý để phát triển, Bộ tính toán xử lý bất cập này như thế nào?
 
Chúng tôi nhận thức rằng không để tình trạng vì thiếu quy định pháp lý mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nghề nuôi chim yến. Bây giờ chúng ta lắng nghe và hậu thuẫn một cách tối đa. Bộ lần đầu tiên xây dựng dự thảo luật Chăn nuôi, trong tháng 5 sẽ trình Quốc hội để kỳ họp cuối năm 2018 biểu quyết thông qua. Nếu như lộ trình thông qua không có gì thay đổi, thì từ năm 2019 sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để nghề nuôi chim yến, cũng như các động vật hoang dã có hiệu quả kinh tế mà chúng ta gây nuôi được, có điều kiện phát triển, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
 
Về mặt công nghệ dẫn dụ và nuôi chim yến, ngành nông nghiệp cũng sẽ có sự đầu tư, hỗ trợ, cộng với sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nuôi chim yến, chế biến sản phẩm yến sào; phát huy vai trò cầu nối của Hiệp hội Yến sào VN để thúc đẩy xây dựng thương hiệu yến sào VN, nâng cao chất lượng, quảng bá các sản phẩm yến sào, hướng đến xuất khẩu.
 
 
ĐÌNH PHÚ