23/01/2025

Quốc hội Mỹ muốn hạn chế quyền tấn công của tổng thống

Giới nghị sĩ Mỹ tung dự luật hạn chế quyền phát động tấn công quân sự của tổng thống còn các lãnh đạo Anh và Pháp hứng chỉ trích dữ dội sau chiến dịch ở Syria.

 

Quốc hội Mỹ muốn hạn chế quyền tấn công của tổng thống

Giới nghị sĩ Mỹ tung dự luật hạn chế quyền phát động tấn công quân sự của tổng thống còn các lãnh đạo Anh và Pháp hứng chỉ trích dữ dội sau chiến dịch ở Syria.
 
 
 
 

Thanh sát viên quốc tế đến Syria để điều tra cáo buộc tấn công hóa học ở Douma /// Ảnh: AFP

Thanh sát viên quốc tế đến Syria để điều tra cáo buộc tấn công hóa học ở Douma  ẢNH: AFP

 
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục đối mặt áp lực ngày càng tăng từ giới nghị sĩ vì ra lệnh tấn công Syria ngày 14.4 mà không đưa ra quốc hội trước. Ngày 17.4, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ công bố dự luật nhằm bắt buộc tổng thống phải được quốc hội thông qua mới có quyền tiến hành chiến dịch quân sự mới. “Chắc chắn là nếu tổng thống muốn có hành động nào xa hơn thì sẽ cần phải hợp tác với quốc hội”, Reuters dẫn lời thành viên Uỷ ban Quân vụ thượng viện Joni Ernst phát biểu sau khi Mỹ, Anh và Pháp oanh kích Syria.
 
Tại Anh, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn công kích: “Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước quốc hội này chứ không phải cho những ý muốn của tổng thống Mỹ”. Đáp lại, Thủ tướng May nhấn mạnh bà có quyền đưa ra quyết định tấn công và đó là điều “đúng đắn”. Tương tự, phản pháo lại những chỉ trích từ các chính trị gia cánh tả lẫn cánh hữu, Tổng thống Macron nói ông hành động dựa trên “tính hợp pháp quốc tế” vì theo Nghị quyết LHQ năm 2013, Syria đã phải tiêu hủy kho vũ khí hoá học của nước này.
 
Cùng ngày, truyền thông Syria đưa tin lực lượng phòng không đã “đánh chặn các tên lửa” nhằm vào sân bay quân sự Shayrat ở tỉnh Homs cũng như sân bay Dumair gần thủ đô Damascus. Shayrat là nơi từng bị Mỹ tấn công bằng 59 tên lửa Tomahawk hồi năm 2017 cũng với cáo buộc quân chính phủ dùng vũ khí hoá học nhằm vào dân thường. Tuy nhiên, đến chiều qua, Reuters dẫn lời một chỉ huy quân sự giấu tên tiết lộ vụ phóng tên lửa không có thật mà do Israel và Mỹ tiến hành “tấn công điện tử” nhắm vào hệ thống radar của Syria, gây kích hoạt cảnh báo khiến lực lượng phòng không bắn trả. Israel từ chối bình luận trong khi Lầu Năm Góc nói “không có chiến dịch nào” của Mỹ và liên quân diễn ra tại các khu vực và thời điểm nói trên.
 
Bên cạnh đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders gây bất ngờ khi thông báo Mỹ chưa quyết định thời điểm ban hành lệnh trừng phạt kinh tế mới lên Nga vì “hỗ trợ chương trình vũ khí hoá học của Syria”. Thông tin này trái với tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley hôm 15.4 nói lệnh trừng phạt sẽ sớm được triển khai nhắm vào các công ty Nga cung cấp thiết bị và vật liệu liên quan đến chương trình vũ khí hoá học của Syria. “Chúng tôi đang cân nhắc các lệnh trừng phạt tăng cường lên Nga nhưng lúc này chưa có gì để thông báo”, bà Sanders nói. Tờ The Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Tổng thống Trump không hài lòng về việc thông tin về biện pháp trừng phạt được tung ra khi ông chưa thật sự quyết định. Nhà lãnh đạo được cho là chỉ đồng ý gia tăng trừng phạt khi nào Nga có thêm “hành động leo thang”.
 
 
BẢO VINH