Ngân sách đâu đầu tư cho 3 đặc khu?
Nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lo lắng nguồn ngân sách cho các đặc khu khi vốn đầu tư dự kiến lên tới cả triệu tỉ đồng.
Ngân sách đâu đầu tư cho 3 đặc khu?
1,57 triệu tỉ cho đặc khu, ngân sách bỏ ra bao nhiêu?
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào đặc khu chứ không phải nhà nước đổ tiền vào rồi sau đó miễn, giảm thuế hay không thu khoản này, khoản nọ. “Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách 5 năm chỉ có 2 triệu tỉ mà 3 đặc khu này đã hơn 1 triệu tỉ thì phải xác định rõ ngân sách nhà nước bỏ ra là bao nhiêu để khả thi”, bà Ngân nói và nhấn mạnh thêm: Chúng ta bỏ ra 1 đồng thì phải thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không phải để 10, 20 năm nữa đánh giá lại nói không được gì.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của QH, cũng cho rằng phải tiếp tục rà soát để không ưu đãi một cách tràn lan vì sẽ khó cho việc quản lý, đồng thời khó tạo ra nguồn thu. Ông Hải đề xuất thời gian ưu đãi cũng nên tính toán theo từng thời kỳ chứ không nên kéo quá dài do tình hình trong nước, quốc tế biến đổi rất nhanh. Trong khi đó ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, nhìn nhận cơ chế chính sách đặc biệt cho đặc khu phải đạt được 2 mục đích: vừa phải thu hút được các dự án đầu tư song cũng phải đảm bảo các dự án đầu tư tốt, có chất lượng. Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ mới có chính sách thu hút đầu tư chứ chưa đưa ra được các biện pháp kỹ thuật sàng lọc để đảm bảo có những dự án đầu tư tốt.
Tình trạng xin rút, lùi dự án luật ngày càng “trầm kha”
Báo cáo thẩm tra đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh chương trình năm 2018 do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH, trình bày tại phiên họp UBTVQH chiều 16.4 khẳng định, việc lập và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đầu năm 2018 vẫn còn nhiều hạn chế. “Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên”, ông Định nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH, khẳng định tình trạng xin lùi, xin rút ngày càng “trầm kha” chứ không khá lên và lý do chính là thực hiện không nghiêm. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp QH, cũng đặt câu hỏi: Tại sao những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng luật nhiều năm qua không khắc phục được? Theo bà Nga, nguyên nhân chính là kỷ luật làm luật không nghiêm. Ngay cả các báo cáo của Chính phủ và Uỷ ban Pháp luật cũng không chỉ ra bộ ngành nào thiếu nghiêm túc mà chỉ nêu chung chung.
|
LÊ HIỆP