24/12/2024

Không thể đánh thuế căn nhà duy nhất

Dù có đưa ra ngưỡng giá trị nhà trên 700 triệu đồng mới phải chịu thuế, nhưng như vậy ngay người có căn nhà duy nhất cũng phải chịu thuế, không phù hợp với chủ trương đánh thuế để chống đầu cơ nhà đất.

 

Không thể đánh thuế căn nhà duy nhất

Dù có đưa ra ngưỡng giá trị nhà trên 700 triệu đồng mới phải chịu thuế, nhưng như vậy ngay người có căn nhà duy nhất cũng phải chịu thuế, không phù hợp với chủ trương đánh thuế để chống đầu cơ nhà đất.


 

Không thể đánh thuế căn nhà duy nhất - Ảnh 1.

Người nghèo, người ở chung cư… sẽ bị ảnh hưởng nếu đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính được thông qua – Ảnh: VIỆT DŨNG

Đánh thuế tài sản trên đại bộ phận người dân sẽ không chống được đầu cơ trên thị trường bất động sản. Bản chất hoạt động đầu cơ bất động sản là mua nhanh bán nhanh, nếu đánh thêm thuế tài sản thì họ cộng thêm thuế vào giá bán, giá nhà đất sẽ tăng lên.

Để chống đầu cơ trên thị trường bất động sản, hiện nay các cơ quan quản lý đang hướng tới đề xuất đánh thuế những ngôi nhà thứ 2, thứ 3 (bán trong thời hạn từ 6-12 tháng). 

Cái này cần bị đánh thuế cao, vì rõ ràng mục đích là mua đi bán lại để đẩy giá kiếm lời, đây là hướng tích cực để chống đầu cơ. Còn người dân mua nhà để ở, để kinh doanh thì cần khuyến khích vì họ tiêu dùng có mục đích.

Đặc biệt, mức giá trị nhà phải chịu thuế tài sản, theo dự tính của Bộ Tài chính, quá thấp sẽ mâu thuẫn với các ưu đãi của Nhà nước trong việc tạo ưu đãi phát triển nhà ở phân khúc thấp. 

 

Chính phủ đang có cơ chế ưu đãi phát triển nhà ở thương mại, diện tích nhỏ có giá dưới 1,05 tỉ đồng, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ vay mua ưu đãi, giờ đánh thuế tài sản từ ngưỡng 700 triệu là mâu thuẫn.

Nước ngoài họ đánh thuế tài sản được vì nhiều quốc gia đã đạt đến tiêu chuẩn hiện đại hóa nhà ở cho đại bộ phận dân cư rồi, họ không muốn dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực này nữa, hướng dòng tiền sang lĩnh vực đầu tư sản xuất khác, nên họ đánh thuế tài sản. 

Khi nhu cầu ở của người dân đã bão hòa, cơ bản đã đáp ứng được nhà ở cho dân thì đánh thuế tài sản, trong khi Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho dân.

Tại Việt Nam, hiện có hàng triệu hộ gia đình còn thiếu nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, diện tích nhà ở trung bình của người dân vẫn còn thấp, bình quân đạt 22,8m2/người, trong khi Chính phủ đang hướng tới mục tiêu diện tích nhà ở theo chuẩn thế giới khoảng 25m2/người.

Chỉ nên đánh thuế tài sản với người giàu, người có tài sản vì hiện giá nhà tại Việt Nam cao ngất ngưởng hàng đầu thế giới, trong khi thu nhập của người dân ở mức rất khiêm tốn. 

Việc đánh thuế đại trà là bất hợp lý, không khuyến khích thị trường phát triển, đáp ứng nhu cầu ở cho đa số người dân.

TS Nguyễn Phạm Quang Tú (phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng):

Cần làm rõ mục đích đánh thuế

Bộ Tài chính lấy suất đầu tư 7,3 triệu đồng/m2 và lấy ngưỡng nhà ở có giá từ 700 triệu đồng trở lên để tính thuế tài sản.

Tuy nhiên, suất đầu tư được Bộ Xây dựng công bố trên toàn quốc có tính đại diện rộng, thực tế chưa bao gồm tiền sử dụng đất dự án.

Để đại diện cho đại bộ phận dân chúng phải có điều tra về cơ cấu căn hộ để biết được tại Hà Nội, TP.HCM bao nhiêu căn hộ có giá thấp, bao nhiêu giá cao cấp để đưa ra ngưỡng tính thuế tài sản phù hợp. Suất đầu tư chỉ nên là một cơ sở thôi.

Ở Hà Nội, TP.HCM giá xây dựng có thể là 10-11 triệu đồng/m2, còn một số địa phương khác có thể thấp hơn.

Cần làm rõ mục đích đánh thuế là gì, nếu để chống đầu cơ bất động sản, cần đánh thuế từ bất động sản thứ 2 trở lên, người dân chỉ có một nhà để ở thì không đánh thuế.

Nếu đánh thuế vì mục đích tăng thu ngân sách, phải tính tới bình quân thu nhập, khả năng chi trả của người dân. Cần xem đánh thêm thuế cuộc sống của các tầng lớp sẽ thế nào.