23/01/2025

Học sinh đang chịu áp lực chưa từng có

Chương trình học quá nặng, lớp quá đông, thi cử nặng nề, áp đặt… cùng hàng loạt vấn đề khác đã tạo áp lực chưa từng có lên học sinh.

 

Học sinh đang chịu áp lực chưa từng có

Chương trình học quá nặng, lớp quá đông, thi cử nặng nề, áp đặt… cùng hàng loạt vấn đề khác đã tạo áp lực chưa từng có lên học sinh.


 

Học sinh đang chịu áp lực chưa từng có - Ảnh 1.

Thí sinh TP.HCM dự thi THPT quốc gia 2017. Bà Minh cho rằng kỳ thi này “nhìn qua có vẻ nhẹ nhàng nhưng lại tăng thêm áp lực” – Ảnh: Như Hùng

 

Bà Ngô Thị Minh – phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – nhận định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ sau câu chuyện nam sinh tự tử vì áp lực học tập.

Bà Ngô Thị Minh nói:

– Cứ khi có một sự việc đau lòng như thế, dư luận lại nóng lên. Trước đây từng có cả nhóm học sinhdùng khăn quàng đỏ buộc tay vào nhau để tự tử. Khi đó dư luận cũng sôi sục nhưng rồi câu chuyện dần bị quên đi. Và bài học rút ra để ngăn chặn những sự việc đau lòng như vậy chưa được làm triệt để.

Chưa có giai đoạn nào học sinh phải chịu áp lực học tập như bây giờ. Đây thực sự là vấn đề rất bức xúc mà các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ và tập trung tháo gỡ.

Nếu chúng ta không xem xét thực tế để tìm ra căn nguyên thì chỉ một thời gian nữa, những gì đang nóng lên rồi cũng sẽ nguội dần và rơi vào quên lãng.

Học sinh đang chịu áp lực chưa từng có - Ảnh 2.

 

Áp lực từ đâu?

* Nhưng theo bà, những áp lực đó là từ đâu? Ngoài áp lực học tập, học sinh còn chịu áp lực nào nữa?

– Áp lực ở đây không chỉ dồn vào học sinh mà cả với giáo viên. Ở nhiều nơi, trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đảm bảo điều kiện dạy và học. Lẽ ra giáo viên chỉ đảm nhiệm quản lý và dạy 30-35 học sinh/lớp thì có giáo viên phải dạy 50-60 học sinh/lớp.

Ví dụ tại Hà Nội có những trường như Trường tiểu học Dịch Vọng A (Q.Cầu Giấy) không lớp nào dưới 60 học sinh/lớp. Chỉ riêng điều này đã khiến cả giáo viên và học sinh bị quá tải, buộc thầy và trò phải rất nỗ lực để đảm bảo chất lượng dạy, học, cố gắng giữ thương hiệu.

Chưa kể tình trạng “học chay” vẫn phổ biến. Do thiết bị dạy học thiếu thốn, điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học, để quan tâm tới từng học sinh không được đảm bảo. Giáo viên phải dạy theo kiểu mô tả kiến thức, học sinh phải tiếp nhận theo kiểu trừu tượng.

Việc rèn luyện, tiếp thu kiến thức, kỹ năng hạn chế cũng dẫn tới việc cả thầy và trò cùng phải vất vả, cố sức, dẫn tới áp lực, quá tải.

* Nhiều năm qua, theo các báo cáo của ngành GD-ĐT, đã có nhiều giải pháp chống “dạy chay” và “đọc chép”, áp dụng nhiều phương pháp giáo dục, đầu tư thiết bị dạy học, thực hành…

– Trong quá trình giám sát của ủy ban, chúng tôi biết nhiều trường cũng có phòng học bộ môn nhưng lại thiết kế không thích hợp với yêu cầu dạy học.

Chưa kể số phòng học bộ môn ở các trường phổ thông rất ít. Có trường THPT chuyên mà chỉ có 10 phòng học bộ môn cho 2.000-3.000 học sinh thì làm sao đáp ứng yêu cầu dạy học thực hành?

Thực tế có những mô hình tiên tiến như mô hình trường học mới (theo dự án VNEN), nhưng do điều kiện dạy học không đảm bảo, sĩ số lớp quá đông, nên dù áp dụng mô hình giáo dục tốt cũng không đạt hiệu quả.

* Có ý kiến cho rằng chương trình – sách giáo khoa hiện quá nặng, kể cả chương trình phổ thông mới công bố cũng còn bất cập, chưa đảm bảo việc giảm tải.

Chương trình nặng khiến giáo viên chỉ lo dạy chữ mà không còn thời gian quan tâm hỗ trợ học sinh vượt qua các vấn đề tâm lý, dẫn tới những bất ổn trong hành vi, lối sống. Bà nhìn nhận việc này như thế nào?

– Chương trình hiện hành vẫn nặng về truyền thụ kiến thức, trong khi điều kiện dạy học chưa đảm bảo nên học sinh cảm thấy nặng. Còn chương trình mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, định hướng tăng cường dạy học tích hợp, tăng thực hành, vận dụng kiến thức là đúng.

Có điều để nói chương trình đã giảm tải được chưa thì chưa có đủ cơ sở vì hiện nay mới hoàn thiện chương trình giáo dục tổng thể, các chương trình bộ môn đang trong quá trình hoàn thiện. Ngoài ra, còn 20% thời lượng dành cho giáo dục địa phương cũng phải tiếp tục xây dựng.

Chương trình là quan trọng, nhưng để chất lượng giáo dục nâng lên, để giảm áp lực cho học sinh thì còn cần điều chỉnh ở những khâu khác nữa.

Nên thay đổi đánh giá thầy và trò

* Cụ thể điều gì, theo bà, cần thay đổi đồng bộ với chương trình?

– Là điều kiện dạy học, trong đó có việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa là việc đánh giá thầy và đánh giá trò. Với quy định đánh giá như hiện nay, cả thầy và trò đều phải chạy theo dù thấy rõ những bất cập.

Ví dụ việc đánh giá hạnh kiểm học sinh chỉ xếp theo loại tốt, khá, trung bình, yếu nhưng không có tiêu chí cụ thể, phù hợp. Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm chưa theo sát học sinh để quan tâm tới những biến đổi, những vấn đề nảy sinh trong tâm lý, hành vi, lối sống và kịp thời điều chỉnh.

* Còn việc đánh giá giáo viên thì sao, thưa bà?

– Việc đánh giá giáo viên cũng có những bất cập. Chúng ta có phụ cấp ưu đãi nghề nhưng chỉ quan tâm tới giáo viên đứng lớp. Thực tế mỗi giáo viên phải có những lao động ngoài lớp học. Cụ thể phải quan tâm sát sao đến hoàn cảnh, đến cá tính, đến những vấn đề cần phải giải quyết, uốn nắn ở từng học sinh.

Nhưng phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm rất thấp, chỉ được tính vài tiết/tuần nên giáo viên chẳng gắn kết được với phụ huynh để giáo dục các em. Khi học sinh có những biến động, giáo viên không nắm bắt kịp thời. Hàng loạt vấn đề như bạo lực học đường, nhiễu loạn trong tâm lý học sinh mà giáo viên không kịp nắm bắt.

* Thế còn áp lực từ thi cử, nhất là các kỳ thi lớn, bà thấy thế nào?

– Kiểu thi cử như năm vừa qua tưởng tốt nhưng vẫn “có vấn đề”. Nhìn qua có vẻ nhẹ nhàng hơn vì ngày thi giảm đi. Nhưng thực tế nội dung thi tăng từ bốn môn lên thành sáu môn thành ra lại tăng áp lực. Những môn thứ năm, sáu ấy tưởng là nhẹ nhưng học sinh vẫn phải học hết.

Học sinh không có quyền lựa chọn các môn thi theo thiên hướng cá nhân và phù hợp với sự chuẩn bị cho tương lai. Môn thi, cách thi có khi thay đổi rất đột ngột làm học sinh bất ngờ. Cộng với việc thiếu vắng những khảo sát thực tế khiến các em xoay trở vất vả, mệt mỏi.

Tính áp đặt trong giáo dục phổ thông nói chung – trong thi cử nói riêng – vẫn còn nặng nề.

* Với những áp lực đang dồn lên cả học sinh và giáo viên, theo bà, việc mở ra các phòng tư vấn tâm lý học đường có phải giải pháp trước mắt tốt, giúp các nhà trường hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn?

– Tôi nghĩ là rất cần. Nhưng như hiện nay không phải trường nào cũng có phòng tư vấn tâm lý học đường do khó khăn về kinh phí, về đầu tư cho con người. Muốn các phòng tư vấn tâm lý học đường hoạt động hiệu quả, chất lượng tư vấn quan trọng hàng đầu.

Phải có những cán bộ đủ trình độ, kinh nghiệm và nhiệt tình để kết nối được với học sinh, tạo được sự tin cậy với học sinh, cha mẹ học sinh. Công việc này đòi hỏi phải chủ động tiếp cận học sinh chứ không phải ngồi chờ các em đến tìm mình. Về việc này thì còn ít trường làm được.

Thay đổi chính sách ưu đãi cho trường tư

nh-nhut tan1

Học sinh một trường tiểu học dân lập tại TP.HCM trong giờ học -  Ảnh: Như Hùng

 

 

Bà Ngô Thị Minh cho rằng một trong những giải pháp nhằm giảm tải cho trường công – cũng là cách giảm tải cho giáo viên, học sinh – là phát triển các trường tư đảm bảo chất lượng.

“Trong khi ngân sách nhà nước không thể giải quyết được những bất cập về điều kiện cơ sở vật chất trong nhà trường thì trường tư mở ra sẽ giúp trường công giãn được sĩ số. Tuy nhiên, muốn như vậy chính sách ưu đãi đối với trường tư cần thay đổi theo hướng hỗ trợ theo đầu học sinh. Giáo viên và học sinh trường tư cũng cần được đối xử bình đẳng như trường công” – bà Minh nói.