23/01/2025

Giải mã rối loạn cảm xúc – Kỳ 2: Cứu con trước khi quá muộn!

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ thanh thiếu niên tự vẫn, rối loạn hành vi và cảm xúc vì nhiều nguyên nhân từ gia đình, nhà trường, xã hội… Liệu đây có phải là hành vi bột phát hay là bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị kịp thời?

 

Giải mã rối loạn cảm xúc – Kỳ 2: Cứu con trước khi quá muộn!

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ thanh thiếu niên tự vẫn, rối loạn hành vi và cảm xúc vì nhiều nguyên nhân từ gia đình, nhà trường, xã hội… Liệu đây có phải là hành vi bột phát hay là bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị kịp thời?
 
 
 
 


Giải mã rối loạn cảm xúc - Kỳ 2: Cứu con trước khi quá muộn! - Ảnh 1.

Tư vấn tâm lý cho học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) chuẩn bị cho mùa thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018 – Ảnh: Như Hùng

 

PGS.TS Vũ Anh Nhị – phó chủ tịch thường trực Hội Thần kinh học Việt Nam, chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM – nói:

– Phải khẳng định ngay rằng để đi đến hành động phải tự tử, chắc chắn các bạn trẻ đã phải trải qua một thời gian bị rối loạn hành vi và cảm xúc không được phát hiện, điều trị. Đây là một dạng bệnh lý mà lứa tuổi vị thành niên thường hay gặp phải. Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 20% thanh thiếu niên bị các rối loạn về sức khoẻ tâm thần và cảm xúc cần được điều trị.

Giải mã rối loạn cảm xúc - Kỳ 2: Cứu con trước khi quá muộn! - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Anh Nhị

 

Phát hiện, điều trị kịp thời

* Biểu hiện cụ thể của bệnh lý rối loạn hành vi và cảm xúc này ra sao, thưa ông?

 

– Rối loạn hành vi và cảm xúc kéo dài tối thiểu từ 3-6 tháng. Trong quá trình đó, bệnh lý này gây ảnh hưởng trực tiếp đến học tập như thiếu tập trung và đôi khi có các hành vi bất thường như trốn học, phá phách… Cứ như vậy theo thời gian nếu không được phát hiện, điều trị sẽ chuyển sang các bệnh lý về tâm thần.

Đối với thanh thiếu niên có hành vi tự tử thường rơi vào dạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực và trầm cảm nặng. Trong đó, rối loạn cảm xúc lưỡng cực biểu hiện ở trạng thái cảm xúc thay đổi từ hưng phấn sang ức chế. Ở giai đoạn đầu, người bệnh nói và đi lại nhiều, ít ngủ, dễ cáu kỉnh, dễ bị kích thích. Ngược lại, giai đoạn ức chế có biểu hiện trầm cảm nặng, chán nản, mệt mỏi, tự ti.

Còn biểu hiện của trầm cảm nặng là khi người bệnh không có khả năng làm việc và tiếp thu, họ sống khép kín, mất đi sự giao tiếp với xã hội bên ngoài. Họ còn tự đề ra một quy ước nào đó, nếu ai làm trái được xem là xúc phạm. Điều này gây nên sự xung đột trong nội tâm khiến bệnh lý trở nên trầm trọng dẫn đến tự tử.

* Vậy đâu là nguyên nhân của bệnh lý này và tác hại như thế nào?

– Các rối loạn hành vi và cảm xúc ở trẻ em, thanh thiếu niên có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học, môi trường hoặc kết hợp cả hai. Ví dụ về các yếu tố sinh học gồm di truyền, rối loạn chuyển hoá, cân bằng sinh hoá trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh trung ương (chấn thương sọ não). Còn các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần như bị bạo hành, gặp thảm hoạ, mất người thân… Đặc biệt, bệnh lý này thường rơi vào các em nam nhiều hơn các em nữ.

Bệnh lý này nếu không được phát hiện, điều trị có thể phát triển thành bệnh tâm thần phải điều trị rất lâu, không loại trừ khả năng thất bại. Do đó muốn tự sát, có ý đồ tự sát và tự sát thực chất là rối loạn tâm thần nặng.

* Ông thấy điều gì ở những người bệnh đến khám?

– Trong số những người đến gặp tôi điều trị có khoảng 30% đã mắc bệnh lý rối loạn cảm xúc và hành vi. Mỗi buổi có khoảng 10-15 bạn, độ tuổi trung bình từ 14-21, các bạn trẻ này đang trong giai đoạn học phổ thông, chuẩn bị thi đại học hoặc đang học đại học. Triệu chứng phổ biến của họ là rối loạn về cảm xúc, có dấu hiệu trầm cảm nặng mà chính họ không thể lý giải được.

Có bạn trẻ nói với tôi rằng “bác sĩ ơi, em muốn chết”. Có một cậu vừa đi du học về suốt ngày bị cha mẹ la mắng vì lười biếng, đáp lại cậu ta luôn miệng chửi cha mẹ ngu không biết gì cả. Gia đình cho rằng cậu ấy hư hỏng, hỗn láo… nhưng thực tế khi khám, cậu ấy đã là một con bệnh. Nếu gia đình và nhà trường không kịp thời phát hiện, điều trị cho các bạn lâm bệnh, các bạn sẽ trượt dài, bệnh lý ngày một nặng nề.

Nơi con cần nhất vẫn là gia đình

* Với những vụ tự tử gần đây, có một điểm đáng chú ý là một số học sinh có biểu hiện khá kỳ lạ như cười và khóc trước tự tử. Theo ông, biểu hiện này cho thấy điều gì?

– Biểu hiện cười và khóc nhiều khả năng các bạn này trong một thời gian dài bị rối loạn cảm xúc, hành vi. Biểu hiện này lâu dần trở nặng chuyển sang rối loạn về tâm thần phân liệt. Giai đoạn loạn thần với ảo giác, thu mình không tiếp xúc với thực tại, các triệu chứng khác bao gồm hoang tưởng hoặc các rối loạn về tư duy ngôn ngữ. Rất tiếc, các biểu hiện này có thể không được gia đình, thầy cô, bạn bè phát hiện kịp thời.

* Ông mới nói đến sự quan tâm của gia đình, thầy cô, bạn bè. Có phải đây là những thành phần quan trọng nhằm phát hiện và giúp đỡ các bạn trẻ bị rối loạn cảm xúc, hành vi?

– Đúng vậy. Để một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành không bị bệnh lý liên quan đến rối loạn cảm xúc, điều quan trọng đầu tiên là tình yêu của gia đình. Bởi chỉ có gia đình mới phát hiện ra những hành vi nhỏ nhất của các cháu.

Nếu thành tích học tập của con bạn đột nhiên tụt dốc, bạn xử lý sao? Quát tháo hay bình tĩnh khuyên nhủ? Rất nhiều bậc phụ huynh chọn hành động thô bạo như chửi mắng, bắt úp mặt vào tường, quỳ gối, thậm chí không cho ăn để phạt. Điều này vô cùng sai lầm và phản tác dụng. Để thúc giục và tạo niềm tin cho con học tập, cả cha mẹ phải kiên trì dạy dỗ khuyên nhủ con đi đúng hướng.

Nhận biết trẻ rối loạn cảm xúc

PGS.TS Trần Văn Cường – chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam – cho biết rối loạn cảm xúc là các bệnh đặc trưng bởi những thay đổi trong tâm trạng như hưng cảm, trầm cảm hoặc kết hợp cả hai. Dưới đây là những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết trẻ có rối loạn cảm xúc hay không:

1. Thường lo lắng, căng thẳng như tim đập mạnh, đổ mồ hôi, mệt mỏi…

2. Bỏ ăn, khép mình, không tập trung, không muốn tiếp xúc với mọi người.

3. Có cảm giác tội lỗi, vô dụng, bất lực và lòng tự trọng thấp.

4. Thay đổi tâm trạng thất thường (buồn – vui, quá khích – chán nản…).

5. Có các hành vi tự làm tổn hại cơ thể như nhổ tóc thường xuyên, tự cắt móng tay, tự làm bỏng…

 

XUÂN MAI ghi