Ngày 10.4, Báo Thanh Niên phối hợp với Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Bí quyết ôn thi và chọn nguyện vọng lớp 10.
Khách mời gồm: ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) – chuyên gia tư vấn học sinh cách chọn nguyện vọng, cùng 3 giáo viên Đặng Hữu Trí, tổ toán Trường THCS Nguyễn Du (Q.1); giáo viên Trần Hữu Thắng, tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn; giáo viên Đinh Thị Thu, tổ ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3). Bạn đọc có thể xem lại trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên. Trường quốc tế Á Châu đồng hành với chương trình.
Chọn theo năng lực và mong muốn
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD Sở GD-ĐT TP.HCM, để chọn nguyện vọng (NV) đúng và trúng thì học sinh (HS) phải nắm chắc quy định và thời gian. Ông Hoàng lưu ý các mốc thời gian HS cần nhớ sau khi nộp hồ sơ đăng ký NV thì ngày 4.5, Sở công bố số liệu ban đầu. Từ đó đến ngày 10.5, nếu có nhu cầu, HS có thể thay đổi NV. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 2 – 3.6 và dự kiến ngày 13.6 công bố kết quả điểm thi, ngày 10.7 công bố điểm chuẩn. Từ ngày 11 – 27.7, học sinh nộp hồ sơ trúng tuyển tại trường THPT.
Với kỳ thi dự kiến tăng khoảng 25.000 thí sinh so với năm trước trong khi số chỉ tiêu lớp 10 công lập hầu như không có sự thay đổi thì để có một suất học trường công, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), đưa ra những lời khuyên cụ thể: “Hãy dựa vào kết quả học tập năm lớp 9 của 3 môn văn, toán, ngoại ngữ và đặc biệt là bài kiểm tra cuối năm. Nên lấy điểm 3 môn này nhân với hệ số theo quy định của kỳ thi và tùy mức độ khó dễ của đề thi ở mỗi quận huyện trừ hao còn lại 85 – 90%. Sau khi có kết quả dự đoán, HS nên chọn NV1 là trường yêu thích và tương ứng với sức học, NV2 trường gần nhà hoặc các quận lân cận nhưng vẫn nằm trong khả năng của mình. Còn NV3 phải là phương án dự phòng trong trường hợp xấu nhất vẫn vào công lập, đó là trường có điểm thấp hẳn so với khả năng của mình”.
Ông Minh lưu ý, HS nên lấy bảng điểm chuẩn 2016 – 2017 (vì điểm chuẩn năm 2017 – 2018 có sự đột biến do là năm đầu tiên thay đổi đề thi, khó chính xác) phân chia thành các tốp trường và kết hợp với điểm năng lực để làm cơ sở chọn nguyện vọng. Ông Mậu Minh tạm phân chia thành 5 nhóm trường để HS tham khảo: Tốp 1 là những trường có điểm chuẩn từ 38 trở lên như: Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền… Tốp 2 là những trường có điểm chuẩn từ 35 – 38 như Lê Quý Đôn, Phú Nhuận… Tốp 3 là những trường có điểm chuẩn từ 32 – 35 như Marie Curie, Lương Thế Vinh… Còn tốp 4 là trường từ 28 – 32 điểm, tốp 5 là những trường còn lại.
Chuẩn bị kiến thức, ổn định tâm lý
Để chuẩn bị tốt nhất về kiến thức môn toán, giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), hướng dẫn HS chia thành chủ đề để ôn và tập làm quen các bài thực tế. Theo cấu trúc đề Sở công bố, có 5 câu là kiến thức cơ bản, 2 câu là bài toán thực tế và một bài hình học gồm 3 câu hỏi nhỏ với 2 câu đầu là kiến thức thông hiểu, vận dụng, câu cuối là vận dụng cao. Ở bài toán thực tế, giáo viên Hữu Trí cho hay đó là các dạng bài về lãi suất, tỷ lệ phần trăm, chuyển động… Để giải được những bài này, học sinh ôn tập kiến thức về phương trình bậc nhất hoặc hệ phương trình bậc nhất 2 ẩn và mức độ là vận dụng chứ không phải yêu cầu quá khó.
Cô Đinh Thị Thu, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho rằng HS cần ổn định tâm lý. Từ đó sẽ dễ dàng tiếp nhận và nắm vững kiến thức môn học và phương pháp làm bài cho từng dạng bài, dạng câu hỏi.
Từ cấu trúc đề thi tiếng Anh, thầy Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết chỉ có 2 câu thay đổi là việc đưa hình ảnh vào qua các bảng cảnh báo.
BÍCH THANH