28/12/2024

Tàu cá nằm bờ, ngư dân vướng nợ

Quảng Nam là tỉnh có số ‘tàu 67’ đảm bảo hồ sơ thủ tục lên đến 65, với tổng số tiền đã giải ngân 729 tỉ đồng. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là rất nhiều tàu đang nằm bờ khiến ngư dân lâm nợ.

 

Tàu cá nằm bờ, ngư dân vướng nợ

Quảng Nam là tỉnh có số ‘tàu 67’ đảm bảo hồ sơ thủ tục lên đến 65, với tổng số tiền đã giải ngân 729 tỉ đồng. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là rất nhiều tàu đang nằm bờ khiến ngư dân lâm nợ.
 
 
 
 

Tàu hành nghề lưới rê nằm bờ khiến ngư dân không còn khả năng trả nợ /// Ảnh: Hữu Trà

Tàu hành nghề lưới rê nằm bờ khiến ngư dân không còn khả năng trả nợ  ẢNH: HỮU TRÀ

 
Theo thống kê, hiện Quảng Nam có 13 tàu lưới rê đóng theo Nghị định 67 đang nằm bờ. Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) Quảng Nam, cho biết tính đến thời điểm này, đơn vị đã giải ngân cho ngư dân vay 190 tỉ đồng đóng 16 “tàu 67”, trong đó có 6 tàu hành nghề lưới rê hỗn hợp đánh bắt không hiệu quả, khiến các chủ tàu không có khả năng trả nợ.
 
Trong khi đó, ông Trần Văn Sành, Phó chủ tịch UBND xã Duy Vinh (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), cho hay tại xã có 4 chủ “tàu 67” hành nghề lưới rê hỗn hợp cũng để tàu nằm bờ nhiều tháng qua do đánh bắt không hiệu quả.
 
“Nhiều ngư dân vay 12 – 16 tỉ đồng để đóng mới tàu, mỗi tháng trả nợ hơn 100 triệu đồng, thời gian trả nợ trong 10 năm là quá ngắn, nên mất khả năng trả nợ, chưa kể không còn tài sản thế chấp để vay cải hoán tàu”, ông Sành thông tin. Còn theo bà Vũ Thị Tố Nga, nhiều chủ tàu đang có nhu cầu vay thêm tiền để cải hoán tàu, thay lưới mới, nhưng các trường hợp đã vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ thì không thể cho vay thêm theo diện hỗ trợ lãi suất, mà phải vay thương mại, lãi suất cao. “Một khi đã vay thương mại thì ngư dân phải đáp ứng chính sách tín dụng, nghĩa là phải có tài sản cầm cố, thế chấp. Cái khó của ngư dân hiện nay là khi họ làm thủ tục vay vốn theo Nghị định 67, hầu hết đã bán tàu cũ để lấy tiền đối ứng. Hiện tàu cũ không còn, nên ngư dân phải đem tàu mới ra thế chấp. Thế chấp tàu mới vẫn chưa đủ mà phải bổ sung tài sản đảm bảo”, bà Nga cho biết thêm.
 
 
Tàu cá nằm bờ, ngư dân vướng nợ - ảnh 1

 
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân là việc phối hợp chưa tốt giữa chủ tàu, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong xác định ngành nghề để đầu tư lưới cụ đánh bắt xa bờ. “Con tàu được thiết kế theo mẫu để hành nghề lưới rê hỗn hợp, khi ra biển hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, ngư dân đề nghị được cải hoán, chuyển đổi nghề lưới rê hỗn hợp”, ông Thanh nói và khẳng định tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành liên quan, tổ chức tín dụng, trong đó có Quỹ hỗ trợ ngư dân, xem xét, giải quyết yêu cầu cải hoán “tàu 67”. “Dù được đánh giá là tỉnh tiên phong trong việc thành lập quỹ, nhưng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân rất ít ỏi nên cũng chỉ giúp được một phần mà thôi, không thể đáp ứng hết yêu cầu cải hoán “tàu 67” của ngư dân”, ông Thanh cho biết thêm.
 
Doanh nghiệp kêu cứu vì ngư dân không nhận tàu
Công ty CP đóng tàu Bảo Duy (gọi tắt Bảo Duy – PV) vừa gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng về việc ngư dân Trần Văn Liên (ngụ H.Thăng Bình, Quảng Nam) vi phạm hợp đồng, không nhận tàu lưới chụp QNa 94679 khiến công ty có nguy cơ phá sản. Theo đó, năm 2015, ông Liên ký hợp đồng đóng tàu với Bảo Duy và hợp đồng mua máy với Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á. Tháng 3.2016, máy của Liên Á bị hỏng khi chạy thử và ông Liên khởi kiện. Tháng 1.2018, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm, buộc Liên Á nhận lại máy hỏng và trả lại ông Liên 1,57 tỉ đồng.
 
Trước phiên xử phúc thẩm, UBND tỉnh Quảng Nam và Sở NN-PTNT vận động các bên tạo điều kiện để ngư dân sớm có tàu ra khơi, Bảo Duy chấp nhận ứng trước 2,66 tỉ đồng thay máy mới cùng các chi phí liên quan. Các bên thống nhất sau phiên phúc thẩm, bên nào sai phải bồi hoàn cho Bảo Duy. Dù hồ sơ nghiệm thu, biên bản bàn giao đã được thực hiện đúng thủ tục với sự chứng kiến của các đơn vị nhưng đến nay, sau 3 tháng, ông Liên không chịu nhận tàu.
 
Được biết, ông Liên đang nợ Bảo Duy 7,5 tỉ đồng theo hợp đồng đóng tàu. Ngoài ra, ông Liên còn có trách nhiệm đòi Liên Á trả cho Bảo Duy số tiền công ty này tạm ứng để thay máy mới. Tuy nhiên, ông Liên biết sự cố máy khiến tàu nằm bờ suốt 2 năm qua dù ông đang rất khó khăn về tài chính. Ông Liên đề nghị Bảo Duy hỗ trợ thêm 600 triệu đồng để chuẩn bị cho chuyến biển, tạm ứng cho bạn chài… Vụ việc dần đi vào bế tắc khi phía Bảo Duy cho biết không còn khả năng hỗ trợ vì đang bị đọng vốn rất lớn từ hợp đồng này.
 
Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, xác nhận đã nhận được đơn kêu cứu của Bảo Duy và khẳng định sở sẽ cùng UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước VN tổ chức cuộc họp để giải quyết vụ việc.
 
Nguyễn Tú

HỮU TRÀ