30/12/2024

Sử dụng nguồn nước Mekong bền vững, công bằng

Hội nghị thượng đỉnh Uỷ hội sông Mekong quốc tế lần 3 bế mạc tại Siem Reap (Campuchia) ngày 5-4, đề ra những định hướng lớn và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong lưu vực sông Mekong.

 

Sử dụng nguồn nước Mekong bền vững, công bằng

Hội nghị thượng đỉnh Uỷ hội sông Mekong quốc tế lần 3 bế mạc tại Siem Reap (Campuchia) ngày 5-4, đề ra những định hướng lớn và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong lưu vực sông Mekong.
 
 

 

Sử dụng nguồn nước Mekong bền vững, công bằng - Ảnh 1.

Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Myanmar tại Hội nghị thượng đỉnh Uỷ hội sông Mekong quốc tế lần 3 ở Siem Reap ngày 5-4 – Ảnh: QUANG HIẾU

 

Uỷ hội sông Mekong (MRC) họp thượng đỉnh 4 năm 1 lần kể từ năm 2010. MRC, được thành lập năm 1995, là tổ chức khu vực duy nhất có chức năng xây dựng khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Tài nguyên nước suy kiệt

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nay lưu vực sông Mekong phải đối mặt với những thách thức lớn với hậu quả là nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, lượng phù sa và chất dinh dưỡng bị suy giảm, hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng.

Theo Thủ tướng, các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mekong, nhất là vùng ĐBSCL, nơi đang thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển và sụt lún đất… đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người dân.

 

“Cần có những hành động thiết thực, kịp thời để ĐBSCL là vựa lúa, vựa cá của cả khu vực trong hàng trăm năm qua tiếp tục phát triển và là nguồn cung gạo lớn cho bảo đảm an ninh lương thực khu vực” – Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị MRC tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mekong và các tài nguyên liên quan.

Hội nghị cũng nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siem Reap, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mekong, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ ủy hội.

Tác động tiêu cực của thủy điện

Theo Bộ Ngoại giao, một trong những nội dung quan trọng của tuyên bố Siem Reap là lãnh đạo các nước MRC đã nhất trí thực hiện các khuyến nghị chính của báo cáo Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong (còn gọi là nghiên cứu hội đồng).

Nghiên cứu này do Ban thư ký MRC phối hợp với các đối tác phát triển và các nhà khoa học thực hiện từ năm 2011-2017 nhằm xây dựng thêm các bằng chứng khoa học đáng tin cậy về các tác động tích cực cũng như tiêu cực của quá trình sử dụng tài nguyên nước lên các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội.

Nghiên cứu đánh giá 11 dự án thủy điện dọc hạ nguồn dòng chính sông Mekong, trong đó có 3 dự án đang trong quá trình thực hiện. Nghiên cứu dự đoán các tác động của đập thủy điện đối với thủy sản, nông nghiệp và nền kinh tế dọc lưu vực sông Mekong là “rất nghiêm trọng”.

Báo Phnom Penh Post dẫn lời chuyên gia Brian Eyler từ Viện Nghiên cứu Stimson (Mỹ) khẳng định những đập thủy điện này sẽ không mang lại lợi ích gì, thậm chí còn tác động tiêu cực cho khu vực, trong đó có gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguồn nước và lương thực trong lưu vực sông Mekong.

Tăng cường hợp tác trong và ngoài khu vực

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo MRC cam kết triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện chiến lược hợp tác lưu vực, áp dụng các nguyên tắc của MRC về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong, tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, hợp tác Mekong – Lan Thương, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.