11/01/2025

Sóng ngầm Nga – phương Tây

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và phương Tây sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal vẫn đang chứng kiến những phản ứng lan rộng từng ngày giữa các bên.

 

Sóng ngầm Nga – phương Tây

 Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và phương Tây sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal vẫn đang chứng kiến những phản ứng lan rộng từng ngày giữa các bên.


 

 

Sóng ngầm Nga - phương Tây - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin – Ảnh: Reuters

“Chúng tôi sẽ nhóm họp cùng hội đồng điều hành của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) nhằm chi tiết hóa vấn đề này. Chúng tôi đã chuẩn bị ít nhất 20 câu hỏi để thảo luận và hi vọng rằng cuộc thảo luận này sẽ đặt dấu chấm hết cho vấn đề” – Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 3-4 tại cuộc họp báo chung với Tổng thống chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại TP Ankara khi có chuyến thăm tại đây.

Chưa thể hạ màn

Đó là phát biểu mới nhất và đáng chú ý nhất của ông Putin về cuộc khủng hoảng đang lan rộng giữa Nga và Anh. Việc Chính phủ Anh cáo buộc Nga hạ độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal vẫn khiến quan hệ song phương căng thẳng từng ngày, kéo theo việc hầu như cả phương Tây đứng về phía Anh để phản đối Nga.

Hội đồng điều hành OPCW bao gồm 41 thành viên, được bầu hai năm một lần. Mục đích của Nga trong việc họp với hội đồng này cũng chính là lá bài chốt hạ mà Matxcơva muốn lật lên: đưa bằng chứng vũ khí hóa học trong vụ Skripal ra đây.

 

Tổng thống Putin điểm ra một số chi tiết mà Nga không đồng tình với cách xử lý của Anh và phương Tây. Đầu tiên, Anh đưa ra cáo buộc Nga dùng chất độc thần kinh Novichok (một loại độc do Liên Xô sản xuất trước đây) chỉ vài giờ sau khi phát hiện Skripal và con gái bị đầu độc. 

Sau đó chỉ vài ngày, Anh ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. London cũng liên tục yêu cầu Matxcơva nhận lỗi. Có điều tất cả các hoạt động trên, như đã thấy, đều diễn ra với những quyết định lẹ làng trong khi không trình được bằng chứng cụ thể nào.

Về lý thuyết, OPCW là nơi sự thật có thể được phơi bày. Anh hoàn toàn đủ khả năng hạ màn bằng việc trình bằng chứng. Song rắc rối đến từ hôm 3-4, khi phòng thí nghiệm Porton Down của quân đội Anh cho hay chưa có bằng chứng cho thấy chất độc sử dụng trong vụ Skripal được sản xuất ở Nga. Lập tức, Chính phủ Anh phải thanh minh rằng Thủ tướng Theresa May luôn xem thẩm định của Porton Down “chỉ là một phần trong bức tranh tình báo tổng thể”, chứ không phải căn cứ duy nhất cho sự thật.

Với diễn biến ấy, Nga càng có lý do khi cho rằng họ không chấp nhận bất kỳ sự thẩm định quốc tế nào nếu thẩm định ấy không có sự tham gia của các chuyên gia Nga.

Sóng ngầm Nga - phương Tây - Ảnh 2.

Chuyên gia Anh vẫn còn đeo mặt nạ phòng độc điều tra vào ngày 4-4 tại một điểm ở TP Salisbury (Anh) nơi cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị trúng độc – Ảnh: REUTERS

Leo thang

Trong khi gần như chắc chắn các bên sẽ tiếp tục tranh luận xung quanh bằng chứng về Novichok, sự căng thẳng giữa các bên đang có dấu hiệu leo thang. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói quan hệ Nga – phương Tây tồi tệ nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Còn khắp các mặt báo, thông tin về quân sự ngày một dày lên, điển hình là việc báo Guardian (Anh) trích dẫn cảnh báo từ trung tướng Nga Evgeny Buzhinsky cho rằng cuộc khủng hoảng này thậm chí có thể dẫn tới “cuộc chiến tranh cuối cùng trong lịch sử nhân loại”.

Có thể thấy cặp đồng minh Anh – Mỹ đang tiến hành một chiến dịch phát biểu cầm chừng, nhưng đầy rẫy lo ngại về xung đột vũ trang bên trong.

Trong cuộc họp ngày 3-4 với lãnh đạo các nước vùng Baltic, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục dành những lời “có cánh” cho Nga và Tổng thống Putin. Tiếp tục là luận điểm “tôi nghĩ tôi có thể có mối quan hệ tốt với ông Putin” được ông Trump trình bày, nhưng kèm theo đó cũng là đoạn: “Hoà hợp với Nga là điều tốt, không xấu. Giờ đây, có lẽ chúng ta sẽ hoặc không làm như vậy. Có lẽ không ai cứng rắn với Nga hơn Donald Trump đâu”.

Thông điệp có vẻ ôn hoà và trấn an ấy của ông Trump không che giấu sự thật rằng Mỹ là nước đi đầu trong việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Trước khi hành động, ông Trump đã “mớm” rằng sẽ cân nhắc trục xuất nhà ngoại giao Nga nếu các đồng minh cũng làm như vậy.

Việc ông Trump tiếp các lãnh đạo vùng Baltic có ý nghĩa gì nếu biết rằng đó chính là khu vực cực kỳ quan trọng trong vùng đệm giữa Nga và phương Tây? Tuần tới, Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ gặp các lãnh đạo vùng Scandinavia, với chủ đề quan trọng nhất là mối đe doạ an ninh từ Nga, theo báo Guardian.

Bà May không dư thời gian dạo chơi ở Scandinavia. Trong khi Nga mỉa mai rằng Anh có thể mới chính là thủ phạm đầu độc, rồi lấy yếu tố Nga để che khuất các vấn đề từ việc rời Liên minh châu Âu (Brexit) mà họ đang đối mặt.