25/12/2024

Cạm bẫy rình rập lao động Việt ở Nhật Bản

Người lao động và thực tập sinh VN sang Nhật Bản làm việc có thể đối mặt nguy cơ lừa đảo và làm việc trong môi trường khắc nghiệt.

 

Cạm bẫy rình rập lao động Việt ở Nhật Bản

Người lao động và thực tập sinh VN sang Nhật Bản làm việc có thể đối mặt nguy cơ lừa đảo và làm việc trong môi trường khắc nghiệt.

 

 

 

Thực tập sinh VN làm việc trong một nhà máy ở Nhật Bản
 	 /// Ảnh chụp màn hình Nikkei Asian Review

Thực tập sinh VN làm việc trong một nhà máy ở Nhật Bản  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIAN REVIEW

 
Theo tờ The Japan Times, số lượng người Việt sống và làm việc ở Nhật Bản gia tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua. Tính đến nay, có khoảng hơn 232.000 người Việt tại Nhật, đứng hàng thứ 4 trong nhóm công dân nước ngoài ở nước này (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Philippines). Nhiều địa phương có mật độ người lao động và du học sinh rất cao, chẳng hạn như TP.Matsudo (tỉnh Chiba) có 15.058 công dân nước ngoài, đông nhất là VN, trên tổng dân số 484.000 người. Đa phần người Việt tại Nhật đều chăm chỉ học tập, làm việc trong môi trường sống bình yên và có trình độ phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đời sống cộng đồng thực tập sinh Việt không phải lúc nào cũng bảo đảm chỉ toàn màu hồng như các công ty môi giới thêu dệt. Gần đây, đã xảy ra trường hợp bị lừa đảo, ăn chặn, bóc lột và phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt.
 
“Tôi không đánh đồng toàn bộ, nhưng một số chủ lao động Nhật rất khắc nghiệt và thường tìm cách dọa nạt để chèn ép”, một phụ nữ Việt 32 tuổi tên Duan nói với The Japan Times. Cô từ Hà Nội đến Matsudo học tiếng Nhật cách đây 4 năm và kết hôn với một người đàn ông lớn hơn mình 18 tuổi. Thông qua dịch vụ giới thiệu của trường Nhật ngữ, những người như Duan có thể làm việc bán thời gian, đa số là lao động phổ thông. “Tôi được giới thiệu đến làm trong kho lạnh. Có lần, một thùng hàng rất nặng rơi trúng bàn chân. Tôi bị thương nặng và không thể đi lại. Tuy nhiên, trong lúc điều trị ở bệnh viện, người của công ty gọi điện bắt tôi phải trở lại làm việc”, Duan kể. Chưa hết, cô cáo buộc trường học và công ty thông đồng khai với giới chức cơ quan quản lý lao động rằng tai nạn xảy ra khi Duan trên đường đến nơi làm việc để khỏi phải trả tiền thương tật cho cô. Dù vậy, Duan vẫn rất yêu thương người chồng Nhật và cho biết ông luôn quan tâm chăm sóc vợ nên sẽ ráng chịu đựng cho đến khi rành tiếng Nhật để kiếm việc khác tử tế hơn.
 
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật áp dụng chương trình thực tập sinh kỹ năng kể từ năm 1993 nhằm đào tạo lao động ngoại quốc để họ mang kỹ năng học được trở về phát triển đất nước. Tuy nhiên, chương trình này bị dư luận chỉ trích gay gắt do các công ty, hiệp hội tư nhân lợi dụng để lừa đảo, ăn chặn tiền lương và nhập khẩu lao động rẻ mạt. Trong đó, tổ chức tư nhân mang tên Hội Hữu nghị quốc tế Nhật Bản – châu Á (JAIFA) đang bị điều tra về cáo buộc ăn chặn tiền lương của hàng chục nữ thực tập sinh VN ở tỉnh Ishikawa và Fukui, với số tiền lên đến gần 3 triệu yen (gần 640 triệu đồng). Theo báo cáo điều tra của Phòng Thanh tra tiêu chuẩn lao động gửi lên giới công tố xem xét, các cơ sở sử dụng lao động chuyển tiền lương thực tập sinh Việt vào tài khoản của JAIFA và tổ chức này đã rút bớt với lý do thu “phí hành chính” giai đoạn tháng 9.2016 – 5.2017.
 
Mới đây nhất, báo chí Nhật đồng loạt đưa tin trường hợp nam thực tập sinh người Việt 24 tuổi bị lừa đi khử nhiễm xạ tại những khu vực bị ảnh hưởng sau cuộc khủng hoảng Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 hồi năm 2011. Theo Kyodo News, Nghiệp đoàn Công nhân Zentoitsu (ZWU) đã đại diện cho nạn nhân nộp đơn kiện công ty sử dụng lao động ở tỉnh Iwate. Tổng thư ký ZWU Shiro Sasaki cho biết thanh niên Việt đến Nhật hồi tháng 9.2015, ký hợp đồng ghi rõ là sẽ làm việc tại công ty xây dựng ở tỉnh Iwate liên quan đến “máy móc, tháo dỡ và kỹ thuật dân sự”. Tuy nhiên, anh lại bị điều đi dọn dẹp, xúc bỏ đất nhiễm xạ tại TP.Koriyama (tỉnh Fukushima) từ tháng 10.2015 – 3.2016. Điều đáng chú ý, thù lao người này nhận được chỉ có 2.000 yen (gần 430.000 đồng)/ngày, chưa bằng 1/3 mức tiêu chuẩn của Bộ Môi trường Nhật, thấp hơn lương hằng tháng (hơn 32 triệu đồng) dành cho thực tập sinh.
 
Khi yêu cầu công ty giải thích, thực tập sinh Việt được trả lời: “Nếu sợ, thì hãy trở về VN”. Lúc đó, anh đang phải kiếm tiền trả nợ vì đã vay mượn gần 215 triệu đồng để trả khoản phí hơn 340 triệu đồng cho một công ty môi giới VN nên tiếp tục chịu đựng. Tuy nhiên, vì lo sợ bị nhiễm phóng xạ nên đến tháng 11.2017, anh quyết định nghỉ việc. Sau khi vụ việc bị truyền thông phanh phui, chính phủ Nhật hôm 16.3 đã ban hành lệnh cấm thuê lao động nước ngoài khử nhiễm xạ. Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa nhấn mạnh công việc này không nằm trong chương trình huấn luyện thực tập sinh của chính phủ.
 
 
PHÚC DUY