Cần vốn tư nhân giải điểm nghẽn hạ tầng
Hạ tầng kém và thiếu vốn đầu tư là một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển kinh tế và kết nối khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Cần vốn tư nhân giải điểm nghẽn hạ tầng
Hạ tầng kém và thiếu vốn đầu tư là một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển kinh tế và kết nối khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).Phiên thảo luận Phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính thuộc khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh GMS tại Hà Nội chiều 30-3 – Ảnh: V. DŨNG
Đó là ý kiến của nhiều diễn giả tại phiên thảo luận Phát triển hạ tầng và tài chính thuộc khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh GMS diễn ra ở Hà Nội ngày 30-3.
Nhà đầu tư tư nhân không phải làm từ thiện. Do vậy, nếu muốn thu hút nguồn vốn từ họ, chính phủ các nước GMS phải tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch và công bằng
Bà Supee Teravaninthorn
Nhu cầu hạ tầng rất lớn
GMS là khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông Mekong, bao gồm: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên Phát triển hạ tầng và tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết các nước GMS, ngoài Trung Quốc (nền kinh tế thứ 2 thế giới) và Thái Lan phát triển cơ sở hạ tầng tương đối tốt, các nước còn lại có hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa hiện đại và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết về đường bộ, Việt Nam phấn đấu có 8.500km đường cao tốc (mức trung bình của khu vực).
Hiện nay Việt Nam chỉ mới có 800km đường cao tốc, 513km đường cao tốc đang triển khai xây dựng và khoảng 654km đường cao tốc Bắc – Nam phía đông đã xác định được nguồn vốn và có khả năng hoàn thành trước 2020 theo nghị quyết của Quốc hội.
Do đó, Việt Nam vẫn còn thiếu hơn 6.500km đường cao tốc theo mục tiêu trung bình của khu vực.
Về hàng không, vì là trung tâm của ASEAN và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đang tập trung xây dựng sân bay Long Thành để phục vụ số lượng hành khách lên đến 100 triệu/năm.
Tuy nhiên dự án này cần vốn đầu tư rất lớn lên đến 16 tỉ USD. Ngoài ra, trong năm 2019, Việt Nam cũng tập trung phát triển, xây dựng dự án đường sắt Bắc – Nam với vận tốc 350km/h.
“Thông qua Hội nghị GMS6, chúng tôi mong muốn các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư hỗ trợ vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi ODA để giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng” – Bộ trưởng Thể kêu gọi và cam kết “sẽ tạo điều kiện và sân chơi bình đẳng, công khai, minh bạch cho các nhà đầu tư”.
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giai đoạn 2014-2020, các nước thành viên GMS cần 33 tỉ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, 20 tỉ USD được huy động từ nguồn lực công, 6,6 tỉ USD từ các ngân hàng phát triển và hiện vẫn còn thiếu 6,4 tỉ USD chưa biết huy động từ đâu.
Cần thu hút đầu tư tư nhân
Bà Supee Teravaninthorn, tổng giám đốc ban hoạt động đầu tư 1 của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), cho biết cơ sở hạ tầng trong khu vực GMS chưa phát triển đủ nhanh và đây là lĩnh vực cần thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn.
Bà Supee cho biết dù lĩnh vực tư nhân có nguồn lực lớn nhưng họ không mặn mà bỏ vốn đầu tư vào hạ tầng bởi vì lĩnh vực này có thời gian đầu tư rất lâu từ 8-10 năm nên khó thu hồi vốn trong ngắn hạn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc điều hành của Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam – Oman, cho biết Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Oman đã lập một quỹ đầu tư cách đây hơn 10 năm. Hiện tại quỹ đã huy động được 200 triệu USD để đầu tư bệnh viện, trường học…
“Nếu Việt Nam mở đường cho công ty tư nhân tham gia lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng tôi cần những đối tác tư nhân đáng tin cậy ở Việt Nam… Để đầu tư, chúng tôi hi vọng Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước khác trong GMS hỗ trợ tài trợ toàn bộ gói chính sách” – ông Sơn nói.
Trong khi đó, trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt cho biết Việt Nam đang cần nguồn đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng, giao thông, nước…
Theo ông Sebastian, trước đây các cơ sở hạ tầng ở Việt Nam là từ đầu tư công. Nhưng bây giờ chỉ đầu tư công là không đủ.
Cần đồng bộ hạ tầng cứng và mềm
Bà Supee Teravaninthorn khẳng định khu vực GMS cần phải phát triển cơ sở hạ tầng mềm đồng bộ với cơ sở hạ tầng cứng, vì nếu không có những hạ tầng mềm như chính sách thương mại, hải quan sẽ lãng phí rất nhiều cơ hội.
“Tôi nhìn thấy quá nhiều đường cao tốc trong khu vực GMS. Có đường cao tốc đầu tư hơn 200 triệu USD để chuyển hàng hóa Việt Nam ra biên giới, tiết kiệm 1-2 ngày đường đi xe. Tuy nhiên, nếu đường cao tốc giúp tiết kiệm 1-2 ngày đường nhưng hàng hoá không được thông quan ở cửa khẩu thì 200 triệu đầu tư có ý nghĩa gì?” – bà Supee đặt vấn đề.