30/12/2024

Vụ MobiFone mua AVG: ‘Làm xiếc’ bằng tiền nhà nước

Trong thương vụ MobiFone mua AVG, dù AVG thua lỗ nặng nề, âm vốn chủ sở hữu, nhưng MobiFone vẫn thổi giá công ty này lên gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.

 

Vụ MobiFone mua AVG: ‘Làm xiếc’ bằng tiền nhà nước

Trong thương vụ MobiFone mua AVG, dù AVG thua lỗ nặng nề, âm vốn chủ sở hữu, nhưng MobiFone vẫn thổi giá công ty này lên gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.




 
Vụ MobiFone mua AVG: 'Làm xiếc' bằng tiền nhà nước

 
 
Sau khi về sở hữu nhà nước, AVG tiếp tục được phù phép biến lỗ thành lãi để che mắt cơ quan thanh, kiểm tra.
 
AVG sau khi về MobiFone tiếp tục thua lỗ, gặp khó khăn tứ bề, kéo cả MobiFone xuống dốc. Để che giấu các khoản thua lỗ, sự yếu kém này MobiFone lại tìm mọi cách nhào nặn số liệu, phù phép báo cáo tài chính để biến AVG trở nên hồng hào. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ (TTCP), các khoản lỗ của AVG như sau: Năm 2010 lỗ 81,05 tỉ đồng, năm 2011 lỗ 196,127 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 471,648 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 473,270 tỉ đồng, năm 2014 lỗ 323,129 tỉ đồng và quý 1/2015 lỗ 87,6 tỉ đồng.
 
Rất bất ngờ, chỉ 1 năm sau MobiFone hồ hởi báo tin AVG do mình quản lý đã lãi 54 tỉ đồng. Về con số này kết luận của TTCP chỉ rõ, lợi nhuận không phải từ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình mà chủ yếu do AVG được hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài. Cụ thể, Công ty CP An Viên B.P cho miễn lãi suất gần 50 tỉ đồng các khoản vay với tổng số nợ 950 tỉ đồng (gồm nợ năm trước chuyển sang 600 tỉ đồng, được miễn lãi suất từ 10,5% về 0%; cho vay thêm 350 tỉ đồng với lãi suất 0%). Nguyên Chủ tịch HĐTV của AVG là ông Phạm Nhật Vũ thực hiện cam kết đưa về cho AVG một hợp đồng quảng cáo ký với Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Vinhomes 1 với doanh thu 25 tỉ đồng; MobiFone ký với AVG hợp đồng quảng cáo có doanh thu 21,6 tỉ đồng và phân chia cho AVG doanh thu dịch vụ 62,7 tỉ đồng…
Do không thể dùng tiền bù lỗ mãi, và hết cách “phù phép”, AVG của MobiFone lỗ lại hoàn lỗ. Năm 2017, theo báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) AVG lỗ 73,6 tỉ đồng (kế hoạch do MobiFone lập, năm 2017 AVG lãi 156 tỉ đồng). Tổng lỗ lũy kế AVG đến 31.12.2017 là 1.982,7 tỉ đồng.
 
Nghiêm trọng hơn, các khoản lỗ của AVG khiến MobiFone bị ảnh hưởng tiêu cực. Báo cáo tài chính năm 2016 của công ty mẹ MobiFone cho thấy, thương vụ mua AVG không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm lợi nhuận hoạt động tài chính của MobiFone so với năm 2015 là 321,7 tỉ đồng.
 
Ngoài ra, việc MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889,8 tỉ đồng không những làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone mà còn làm giảm lợi nhuận hợp nhất của MobiFone, ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính trong giai đoạn đang tiến hành thực hiện cổ phần hoá; dẫn đến giảm sức mua của các nhà đầu tư khi bán đấu giá cổ phần, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước.
 
Như vậy có thể thấy, bản chất “lãi” của AVG sau khi về MobiFone thực ra chỉ là lãi giả. Thực tế các thuê bao truyền hình AVG, sau đổi tên sang MobiTV còn liên tiếp được MobiFone đẩy ra theo hình thức biếu, tặng để nhằm tăng con số thuê bao ảo. Theo nguồn tin của Thanh Niên, việc phù phép AVG từ lỗ thành lãi không chỉ xuất phát từ phía MobiFone. Hành vi này hiện đang được các cơ quan thanh, kiểm tra tiếp tục làm rõ xem có sự chỉ đạo từ phía những cán bộ có quyền lực hay không nhằm che giấu vi phạm.
 
Trong nhiều hồ sơ tài liệu Thanh Niên thu thập được còn thể hiện: cuối năm 2017, sau khi Ban Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo TTCP vào cuộc, ông Trương Minh Tuấn có dấu hiệu chỉ đạo MobiFone phải tìm mọi cách để thoát lỗ, kể cả ngoài các phương án đã thống nhất giữa Bộ TT-TT và MobiFone sau khi mua AVG về. Có lúc, lãnh đạo MobiFone phải chịu áp lực “nếu không làm được thì nghỉ”.

 

Theo TTCP, khoản tiền đầu tư mua cổ phần AVG về bản chất là tiền nhà nước đã được Bộ TT-TT và MobiFone “nhập nhèm” tại nhiều khâu, đoạn. Cụ thể, khi báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo Bộ TT-TT đều nêu việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vay vốn tín dụng 70% còn lại. Tuy nhiên, tại Quyết định số 236/2015 phê duyệt dự án do ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT ký đã không xác định cụ thể nguồn vốn để đầu tư. Trên thực tế, MobiFone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu để thanh toán. Trong số này có một khoản vay thể hiện từ ngân hàng nhưng TTCP chỉ rõ MobiFone đã đi “vay nóng” một ngân hàng khoản tiền 3.428 tỉ đồng, đến cuối tháng 3.2016 đã trả hết khoản nợ này. Mặt khác, trong thoả thuận hai bên thể hiện MobiFone cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả nợ khoản vay hơn 1.000 tỉ đồng đối với một số ngân hàng và pháp nhân. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận này không được thể hiện trong nội dung dự án đã được Bộ TT-TT phê duyệt.
 
Chưa hết, trong các chi phí liên quan đến dự án mua AVG, MobiFone đã thanh toán và hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp với tổng số tiền 6,5 tỉ đồng, gồm cả việc thuê tư vấn thẩm định giá, kiểm toán AVG mà không tính vào chi phí của dự án là sai quy định, đồng thời né được khoản thuế thu nhập phải nộp là hơn 1,3 tỉ đồng trong thanh toán.

ANH VŨ