Vì sao ông Putin sẽ đắc cử Tổng thống Nga?
Các kết quả thăm dò đều dự báo trong cuộc bầu cử ngày mai (18-3), ông Putin lại tiếp tục đắc cử Tổng thống. Từ hai thập niên qua, nhiều nhà quan sát Âu – Mỹ vẫn luôn hỏi: Vì sao cử tri tiếp tục bầu Putin làm Tổng thống?
Vì sao ông Putin sẽ đắc cử Tổng thống Nga?
Các kết quả thăm dò đều dự báo trong cuộc bầu cử ngày mai (18-3), ông Putin lại tiếp tục đắc cử Tổng thống. Từ hai thập niên qua, nhiều nhà quan sát Âu – Mỹ vẫn luôn hỏi: Vì sao cử tri tiếp tục bầu Putin làm Tổng thống?
Cuối năm 2011, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu Duma quốc gia Nga (Quốc hội) mà họ cho là có gian lận. Theo kết quả bầu cử, đảng Nước Nga thống nhất của ông Vladimir Putin dẫn đầu.
Như vậy ông Putin không phải là người không bị chỉ trích. Tuy nhiên, trong kỳ bầu cử Tổng thống ngày 18-3 sắp tới, ứng cử viên độc lập Putin sẽ lại không có đối thủ ngang tầm.
Nhà nghiên cứu địa-chính trị Cyrille Bret người Pháp, phó giáo sư Học viện Chính trị Paris, đánh giá nhiều yếu tố cho chứng tỏ ông Putin sẽ tiếp tục đắc cử.
Putin – người được lòng dân
Một số người hoài nghi cho rằng tỉ lệ sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin chỉ là số liệu dàn dựng tương tự những số liệu bầu bán tròn trĩnh thường xuất hiện dưới thời Liên Xô cũ.
Chúng ta hãy tham khảo số liệu của Viện thăm dò Levada vốn là tổ chức phi chính phủ được nước ngoài nhìn nhận tính chất độc lập trong khi Nga lại gọi là “điệp viên cho nước ngoài”.
Levada hiện không được phép tổ chức thăm dò bầu cử nhưng số liệu thu thập sẵn có của Levada cho thấy 65% số người được hỏi sẵn sàng bầu ông Putin làm Tổng thống.
Uy tín của ông Putin bao gồm nhiều yếu tố tiềm ẩn. Ví dụ, ông vốn là đại tá KGB (Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô), tức thuộc cộng đồng “siloviki” gồm các nhà chính trị xuất thân từ các cơ quan an ninh, quân đội, tình báo.
KGB trở thành FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) sau khi Liên Xô tan rã, nổi tiếng là cơ quan tình báo huyền thoại trong và ngoài nước.
Niềm say mê các môn chơi ngoài trời đã củng cố hình tượng một Tổng thống sung sức. Trong ảnh, Tổng thống Putin câu cá ở Siberia đầu tháng 8-2017 – Ảnh: SIPA
Thời gian trôi qua, cơ hội để phe đối lập xây dựng lại tổ chức cạn dần. Thế hệ cử tri trẻ tuổi hình thành thế hệ Putin (những người chào đời vào năm Putin cầm quyền) đã nhìn thấy ở ông là người bảo vệ các giá trị Nga”
Nhà nghiên cứu Cyrille Bret
Phương Tây quan ngại những nhân vật Nga có nguồn gốc “siloviki” song cử tri Nga lại đánh giá nguồn gốc xuất thân như thế là nền tảng bảo đảm cho một con người làm việc hiệu quả, nghiêm túc và sẵn lòng cống hiến hết mình cho lợi ích quốc gia.
Từ hơn 10 năm qua, ông Putin đã chứng tỏ có khả năng giữ vững vai trò, vị trí Tổng thống khi trả lời hỏi – đáp trực tiếp với người dân trong các buổi phát hình kéo dài nhiều giờ. Từ các buổi trò chuyện này, ông đã trở thành con người dễ gần gũi.
Chương trình “Trực tuyến với Vladimir Putin” dưới hình thức “truyền hình marathon” đã chứng tỏ ông là con người có sức khỏe tốt, say mê judo và các môn thể thao ngoài trời, từ đó củng cố hình tượng một tổng thống sung sức.
Phe đối lập yếu về cấu trúc và tổ chức
Nhà nghiên cứu Cyrille Bret đánh giá trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Putin luôn tỏ ra vượt xa các đối thủ.
Pavel Grudinin đại diện đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) chỉ nói về các chủ đề tương đồng với những mục tiêu xây dựng quốc gia của ông Putin.
Vladimir Zhirinovsky thuộc đảng Dân chủ tự do Nga (LDPR) ra vẻ hùng hồn nhưng các chủ đề dân tộc chủ nghĩa na ná chủ nghĩa bài ngoại của ông này không thể tạo nguy hiểm thực sự cho ông Putin.
Hai ứng cử viên nêu trên chỉ được 10% số người được hỏi ủng hộ.
Nhân vật đối lập – luật sư Alexei Navalny (phải) bị bắt ở Matxcơva hồi cuối tháng 3-2017 vì tổ chức biểu tình trái phép – Ảnh: AFP
Các ứng cử viên đều thua rất xa ông ấy (Putin) trong dự định bỏ phiếu của cử tri nếu chúng ta tin kết quả các cuộc thăm dò”
Báo Le Monde ngày 16-3
Phe đối lập không thể trở thành lực lượng đủ mạnh để thay thế hệ thống cầm quyền của ông Putin. Có nhiều lý do để giải thích.
Trong thập niên 2000, các phương tiện truyền thông nhà nước đã được tổ chức lại và từ năm 2008 tập hợp quanh hãng thông tấn quốc tế Rossiya Segodnya, cơ quan chủ quản của đài Russia Today và trang tin Sputnik.
Kế đến, nhân vật nổi tiếng nhất của phe đối lập là luật sư Alexei Navalny đã nhiều lần dính líu đến pháp luật. Ông đã bị cấm tranh cử đến năm 2028 vì không đủ tư cách ứng cử vì tội tham ô tài sản.
Về phần ứng cử viên Ksenia Sovchak đại diện cho đảng Sáng kiến dân sự, dù là ái nữ của cựu thị trưởng St Petersburg, cô cũng không thể trở thành đối thủ gây sốc. Chỉ 2% số người được hỏi muốn bầu cho cô.
Ứng viên Ksenia Sovchak trẻ trung và xinh đẹp, đồng thời là con nhà nòi nhưng vẫn chưa đủ sức đe doạ ông Putin – Ảnh: AFP
Putin – Tổng thống của sự thịnh vượng
Nếu các nhà quan sát phương Tây cứ nghĩ rằng điểm yếu của ông Putin là cuộc khủng hoảng kinh tế đưa nước Nga vào suy thoái từ năm 2014, cử tri Nga lại luôn nhớ đến thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục trong thập niên 2000.
Tăng trưởng kinh tế Nga đạt trên dưới 7%/năm trong giai đoạn 1999-2008.
Mức tăng trưởng này có thể gây tranh cãi như tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào các tác nhân bên ngoài, nhất là xuất khẩu khoáng sản và dầu khí; tăng trưởng mang tính chất bấp bênh như hai lần kinh tế lao dốc năm 2008 và 2014.
Dù vậy, cử tri Nga vẫn bày tỏ thái độ trông đợi “ngài tổng thống thịnh vượng”. Họ biết ơn Putin đã hạn chế bàn tay nhám nhúa của các nhóm lợi ích và đã có biện pháp khống chế đồng rúp rớt giá trong lúc mong muốn giảm tình trạng bất bình đẳng và nâng cao mức trợ cấp xã hội.
Người dân chào đón Tổng thống Putin tại TP cảng Sevastopol (Crimea) ngày 14-3, bốn ngày trước mốc kỷ niệm bốn năm Crimea sáp nhập vào Nga – Ảnh: AFP
Khôi phục vị thế quốc gia và đấu tranh chống khủng bố
Cuối cùng, theo nhà nghiên cứu Cyrille Bret, cử tri Nga rất nhạy cảm với hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế. Giai đoạn ông Putin cầm quyền đã tạo bước ngoặt sau thời kỳ nước Nga yếu thế trong những năm Boris Yeltsin giữ chức tổng thống.
Từ thập niên 2000, Nga đã dần dà khôi phục uy tín quốc tế với việc cùng các đối tác thành lập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Nga đã chơi khăm Mỹ khi giảm thiểu sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á, châu Âu và Trung Đông.
Nga tiếp tục khẳng định lợi ích của Nga, sức mạnh Nga và khả năng phản ứng với bên ngoài khi phản ứng về hệ thống phòng thủ tên lửa, củng cố sự hiện diện quân sự của Nga ở vùng Baltic, tiến hành dự án hiện đại hoá quân đội năm 2009, tham chiến ở Gruzia năm 2008, tham chiến ở Ukraine và đưa quân can thiệp quân sự ở Syria.
Nói tóm lại, chính những gì làm phương Tây lo ngại là các yếu tố củng cố vị thế của ứng cử viên tổng thống Putin bên trong nước Nga. Bởi thế ngày mai (18-3), không có gì ngạc nhiên khi Putin sẽ lại tiếp tục đắc cử.