06/01/2025

Vì đâu hàng ngàn sinh viên bị buộc thôi học?

Theo số liệu thống kê từ các trường đại học, ngày càng nhiều sinh viên có nguy cơ bị buộc thôi học hoặc không tốt nghiệp đúng thời hạn.

 

Vì đâu hàng ngàn sinh viên bị buộc thôi học?

Theo số liệu thống kê từ các trường đại học, ngày càng nhiều sinh viên có nguy cơ bị buộc thôi học hoặc không tốt nghiệp đúng thời hạn.



 
Nhiều thí sinh băn khoăn việc chọn ngành nghề để theo học	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhiều thí sinh băn khoăn việc chọn ngành nghề để theo học  ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Vào ĐH để thỏa mãn mong ước của cha mẹ !
Chuyện buộc thôi học 1.041 sinh viên (SV) trước đây tại Trường ĐH Tây Nguyên từng gây xôn xao dư luận. Trong đó, mất động cơ học tập là lý do chủ yếu.
 
Ông Phạm Trọng Lượng, Trưởng phòng Công tác chính trị và HS-SV của trường này, cho rằng không có động cơ học tập thì SV học yếu, không đạt điểm quy định, hoặc tự ý bỏ học, dẫn đến bị buộc thôi học hoặc bị cảnh báo. Ông Lượng cho biết qua một số lần thực hiện đề tài khảo sát tâm lý SV cho thấy không ít SV có động cơ học tập rất mơ hồ. Nhiều SV vào ĐH chỉ để thỏa mãn mong ước của cha mẹ, hoặc để “lấy tiếng” với bạn bè, hàng xóm… Việc học thành tài, trang bị kiến thức cho nghề nghiệp sau này gần như không được quan tâm, do đó kết quả học tập rất kém.
 
Năm 2017, N.T.T (Đồng Nai) thi THPT quốc gia được 17,5 điểm. T. xét tuyển tổ hợp môn toán, văn, tiếng Anh vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với ưu tiên số 1 là luật kinh tế. Các ưu tiên tiếp theo lần lượt là quản trị khách sạn, quản trị du lịch và lữ hành, marketing. Ngay từ những năm THCS, T. đã nuôi ước mơ trở thành luật sư. Tuy nhiên, do điểm thấp, T. chỉ đậu nguyện vọng cuối cùng là ngành marketing, một ngành mà T. ít thích nhất.
 
T. vô cùng buồn bã vì không đậu ngành mình mong muốn, trong khi nhìn quanh bạn bè ai cũng khăn gói nhập học. Sau mấy ngày suy nghĩ, T. xin ba mẹ cho ôn thi năm sau thi tiếp để quyết tâm đậu vào ngành luật nhưng ba mẹ bảo “học ngành gì chả được, đậu ĐH là tốt rồi, ôn thi biết năm sau có đậu không hay lại trượt tiếp”. Áp lực vì sợ bị làng xóm xì xào là trượt ĐH, rồi không chịu nổi cảnh ba mẹ nói ra nói vô, T. quyết định nhập học. Dù vậy, lúc nào trong đầu T. cũng nghĩ mình là người “thua cuộc” vì phải học ngành mà mình không mong muốn.
 
T. tâm sự: “Càng học em càng thấy chán. Có thời gian em ngồi lì trong phòng trọ, nghỉ học triền miên, rồi không đủ điều kiện thi, phải đăng ký học lại… Em chán quá nên đến nay quyết định nghỉ hẳn để ôn thi lại. Em vẫn giấu không cho ba mẹ biết”.
 
Minh Hùng, SV Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, nghỉ học giữa chừng. Theo Hùng, lý do vì học khó quá, lên giảng đường nghe nhưng không hiểu gì. Năm 2017 Hùng trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh bằng phương thức xét tuyển học bạ do điểm thi THPT quốc gia không đạt để xét tuyển. “Nếu biết học ĐH khó thế này thì em đi học nghề cho khoẻ. Nhưng em cũng không có lựa chọn nào khác vì bố mẹ muốn em vào ĐH”, Hùng thổ lộ.
 
Bị cảnh báo học vụ do rớt 6 môn trong một học kỳ, L.Đ.T, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói hiện cũng bị chậm tiến độ 1 năm học. T. cho biết học kỳ 2 đăng ký 11 môn nhưng rớt tới 6 môn, học kỳ thứ 3 đăng ký 9 môn cũng rớt tiếp 3 môn. Trong đó có những môn rớt trường chỉ mở lớp 1 đợt trong năm nên không đủ kiến thức để đăng ký tiếp môn khác.
 
Nói về tình trạng của mình, T. cho biết vì ham… kiếm tiền. “Hết năm thứ nhất em vui chơi quên giờ giấc. Rồi làm thêm kiếm được nhiều tiền nên rất mê, có nhiều đêm làm về mệt nên sáng ngủ thẳng giấc nghỉ học luôn. Đến khi bị cảnh báo học vụ và rớt môn quá nhiều, em sợ quá mới nói với gia đình để nhờ giúp đỡ”.
 
Chọn ngành sai
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết vừa qua trường có hơn 200 SV bị buộc thôi học. Trong nhiều lý do, theo ông Vũ quan trọng là các em chọn sai ngành nghề, dẫn đến không chịu học. “Nếu thống kê, có thể thấy đa số SV năm thứ nhất nghỉ nhiều nhất. Các em chọn không đúng ngành, mất động lực học tập. Hoặc nhiều SV chỉ cần vào một trường ĐH cho yên tâm, làm “nơi trú chân”, sau đó ôn thi lại ngành mình muốn thi”, ông Vũ nói.
 
Việc chọn ngành sai đã dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc. Ngoài việc bị đuổi học, có những SV đã ra trường nhưng do tiếc nuối thời gian mình học ngành không yêu thích nên dẫn đến… đốt bằng.
 
Anh Hoàng Xuân Hiến (tỉnh Hải Dương), hiện là chủ một thương hiệu trà, nhưng 3 năm trước anh đã lên mạng tuyên bố sẽ đốt tấm bằng kỹ sư cơ khí loại khá của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Vào năm 2015, anh viết: “Tôi sẽ đốt bằng ĐH của mình, bạn có ủng hộ không? Tôi đang rất muốn làm một việc gì đó để thức tỉnh và thay đổi suy nghĩ về việc học ĐH của các bậc phụ huynh và học sinh. Các em hãy sống với đam mê của mình và các bậc phụ huynh hãy động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho con em mình có cơ hội sống với đam mê của họ. Đừng bắt họ phải học, phải sống cho quý vị. Chúng tôi phải sống cho chính mình. Có thế chúng tôi mới có cơ hội làm nên kỳ tích”.
 
Anh Hiến kể mình trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau thời gian cày cuốc học vì đây là mục đích ganh đua, thước đo của dân tỉnh lẻ. Nhưng dần dà anh cảm thấy có vẻ không ổn, gần như không đủ sức để học bởi học quá nhiều, học không có thời gian để ngủ mà vẫn không ăn thua. Anh chẳng thích học môn nào cả, ngoại trừ môn triết học. Anh bắt đầu chán học hơn, bị nợ môn… Khi ra trường, anh nhận ra mình thích kinh doanh, bỏ tất cả kiến thức chuyên môn để đi làm nghề không liên quan đến tận bây giờ.
 
Anh Hiến cho biết: “Học những thứ mình không yêu thích, đam mê, học chiếu lệ, học chỉ để thi cho qua, lấy cái bằng… Chính vì thế nên cả đời chẳng làm nên công trạng gì. Tại sao tôi đam mê kinh doanh mà lại học cơ khí?
 
Sau 4 năm học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhưng N.T.N hiện mới chỉ học chương trình dành cho SV năm 2. N. cho biết đã trúng tuyển cùng lúc 2 ngành công nghệ thực phẩm và sư phạm. N. thích theo học sư phạm nhưng gia đình ép đi học ngành công nghệ thực phẩm vì gia đình có người quen làm trong lĩnh vực này sẽ dễ xin việc khi ra trường.
 
Con đường học ĐH của N. bắt đầu trục trặc khi bước vào học kỳ 2 của năm thứ nhất. N. nói: “Bậc phổ thông môn học thế mạnh của em là toán, lý và sinh. Trong khi ngay ở môn cơ sở ngành thì công nghệ thực phẩm đòi hỏi nhiều kiến thức liên quan đến hóa học. Có những môn học liên quan đến kỹ thuật và khi thi em phải tự đo, vẽ và thiết kế máy. Những thứ này hoàn toàn vượt khả năng của bản thân em nên cuối cùng em không thể qua môn”.
 
Học kỳ 2 năm nhất dù đăng ký 11 môn nhưng N. chỉ thi đạt 5 môn. “Em không có kiến thức căn bản để theo ngành học này nên học rất khó khăn”, N. thật lòng.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết những SV bị cho nghỉ học chủ yếu chọn không đúng ngành nghề dẫn đến mất động lực trong học tập và không đạt kết quả cao.
Thạc sĩ Trần Ký, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, cũng cho biết có nhiều SV học đến năm thứ 2 thì phụ huynh mới biết là con em mình bị cảnh cáo, thôi học. Những SV này cho biết lý do chọn ngành học là theo lời bố mẹ dù không thích. Vì vậy, học được 1 năm, thấy không phù hợp nên không muốn học nữa.
 
Ý kiến
Chọn ngành học, bậc học phù hợp với sức mình
Trên các phương tiện truyền thông cho thấy trong thời gian qua, các trường ĐH công bố hàng ngàn sinh viên bị buộc thôi học, đang học bỏ giữa chừng, hoặc không đủ điều kiện tốt nghiệp. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tình trạng trên, trong số đó có nguyên nhân quan trọng là sinh viên chọn sai ngành học.
Khi quyết định chọn ngành học, chọn trường xét tuyển, các em cần căn cứ vào năng lực và sức học của mình. Trong thực tế, nếu sức học trung bình, học sinh nên tập trung vào các trường cao đẳng, trung cấp và nghề để đảm bảo kết quả học lực tốt và khá. Lựa chọn các trường phù hợp với sức học sẽ tạo tấm bằng tốt nghiệp có giá trị hơn. Chọn sai nghề sẽ dẫn đến việc mất hứng thú học tập, chán nản hoặc tìm cách thi vào ngành khác, trường khác… Các bạn càng học sẽ càng không hiệu quả, gây mất thời gian, lãng phí tiền bạc của gia đình.
Thạc sĩ Phùng Quán, (Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
 
Cần tìm đến bộ phận hỗ trợ sinh viên để được tư vấn
Hiện nay, trên website của các trường ĐH đều công bố mục tiêu đào tạo, chương trình học của các ngành nghề đào tạo. Thí sinh hoàn toàn có thể tìm hiểu thông tin để biết ngành học đó lấy bao nhiêu điểm, phải học những kiến thức gì, ra trường làm được việc gì… Nếu các em xét thấy khả năng mình phù hợp và có sự yêu thích, thì mới nên đăng ký xét tuyển vào ngành học đó.
 
Trong trường hợp đậu rồi, vô học thấy mình không phù hợp, hoặc thấy hoang mang, chán nản, mệt mỏi, không tìm thấy mục tiêu và động lực cho việc học, thì các em nên tìm đến bộ phận tư vấn hỗ trợ sinh viên, đến các cố vấn học tập để được giúp đỡ và đưa ra lời khuyên.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng 
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM)

ĐĂNG KHOA – MỸ QUYÊN – HÀ ÁNH