Chuẩn bị 4.0, Việt Nam nằm cùng nhóm Campuchia và Indonesia
Các khảo sát mới đây cho thấy khoảng cách không nhỏ giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về mức độ sẵn sàng cho kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
Chuẩn bị 4.0, Việt Nam nằm cùng nhóm Campuchia và Indonesia
Các khảo sát mới đây cho thấy khoảng cách không nhỏ giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về mức độ sẵn sàng cho kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
Trong vài thập kỷ qua, ngành sản xuất ở ASEAN từng được xem là hiện tượng toàn cầu. Những hứa hẹn từ một cuộc cách mạng công nghiệp thời kỳ mới, trên lý thuyết sẽ mang tới cơ hội lớn để ASEAN nắm bắt và vươn mình.
Chưa sẵn sàng
Một khảo sát của McKinsey với hơn 200 lãnh đạo kinh tế ASEAN cho thấy tới 96% người được hỏi tin rằng công nghiệp 4.0 sẽ mang tới nhiều mô hình kinh doanh, trong khi 90% nói một trong những lợi ích tốt nhất khi phát triển công nghệ mới là cải thiện năng suất. Thêm vào đó, ở các nền kinh tế dựa vào sản xuất như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, người tham gia khảo sát nhìn chung rất lạc quan về triển vọng công nghiệp 4.0.
Lạc quan là một lẽ, thực sự nắm bắt để hành động lại là chuyện khác. Khảo sát của McKinsey cũng cho thấy người tham gia
trả lời thể hiện khả năng thích ứng chậm. Chỉ 13% nói công ty của họ đã bắt đầu chuyển đổi để đáp ứng công nghiệp 4.0. Các nhà sản xuất trong khu vực ASEAN không thể mạo hiểm với công nghệ mới. Những người điều hành vẫn nghĩ rằng công nghiệp 4.0 chỉ là một trào lưu, ngược lại với kết luận của khảo sát từ các công ty tư vấn uy tín hàng đầu hiện nay.
Hồi tháng 1-2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo về “Tương lai của sản xuất 2018”. Báo cáo này kết hợp với Công ty tư vấn A. T. Kearney, thực hiện trên 100 quốc gia và nền kinh tế, trong đó quan sát mức độ sẵn sàng của họ đối với tương lai của ngành sản xuất, và làm thế nào những người làm luật cũng như lãnh đạo doanh nghiệp có thể định hướng để bắt kịp thách thức và thời cơ phía trước.
Báo cáo của WEF tiết lộ nhiều khó khăn cho ASEAN, xét về mặt “sẵn sàng cho sản xuất thời kỳ mới”. Khái niệm “sẵn sàng” ở đây chỉ khả năng tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro và thách thức, cũng như khả năng phản ứng với những rủi ro của tương lai.
Không đồng đều
Thang đánh giá của WEF cho thấy ASEAN, vốn bị nhận xét phát triển không đồng đều, cũng thể hiện sự không đồng đều ấy ở khâu “sẵn sàng”. Ví dụ Singapore là nền kinh tế rất mạnh và được xếp vào nhóm “Dẫn đầu” cùng Malaysia, còn nhóm “Di sản” có Philippines và Thái Lan, trong khi nhóm “Phôi thai”/ “Chớm nở” có Campuchia, Việt Nam và Indonesia.
Cụ thể, Singapore được xếp vị trí thứ 11 trong thang đánh giá mức độ hiện đại, quy mô của ngành sản xuất, nhưng xếp thứ hai (chỉ sau Mỹ) về năng lực chủ động trong sản xuất. Nghĩa là Singapore hoàn toàn đủ sức đón nhận thách thức và bắt lấy thời cơ của thời đại công nghiệp 4.0.
Mức độ sẵn sàng này có nghĩa rằng, ngoại trừ năng lực hiện tại, các nước cũng cần cho thấy chất lượng đào tạo, tiềm năng phát triển của thế hệ mai sau để bắt kịp công nghiệp 4.0.
WEF cho rằng nhân lực là điểm yếu cốt lõi ở ASEAN, vì khu vực này tính trung bình vẫn còn tỉ lệ lớn công nhân tay nghề thấp. Đó là lý do một số nước “sẵn sàng” nhất như Singapore, Nhật Bản, Mỹ… đều đạt những chỉ số cao về sáng kiến, sản phẩm khoa học, giáo dục và hướng nghiệp.
Lấy ví dụ Singapore thứ 9 thế giới về chất lượng hướng nghiệp, cũng như số 1 về chất lượng tiếp thu toán và khoa học. Kỳ vọng về số năm gắn bó với trường lớp (từ tiểu học tới đại học, cao đẳng) của Singapore cũng ở mức 15,4 năm, và tỉ lệ học sinh trên mỗi giáo viên là 17,4.
Để bắt nhịp với sự phát triển của các nền kinh tế khác, các thành viên ASEAN cần phải tăng cường hợp tác để gia tăng mức độ sẵn sàng, WEF kết luận.