24/12/2024

Được tự chủ, đại học công sẽ đồng loạt tăng học phí

Chủ trương của Chính phủ đến năm 2020 các trường đại học công lập phải tự chủ hoàn toàn. Để đảm bảo việc đào tạo có chất lượng, các trường nói buộc phải tăng học phí.

 

Được tự chủ, đại học công sẽ đồng loạt tăng học phí

Chủ trương của Chính phủ đến năm 2020 các trường đại học công lập phải tự chủ hoàn toàn. Để đảm bảo việc đào tạo có chất lượng, các trường nói buộc phải tăng học phí.

 
 
 

Được tự chủ, đại học công sẽ đồng loạt tăng học phí - Ảnh 1.

Sinh viên ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM trong giờ học – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong dự thảo tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Chính phủ cho rằng “mức học phí hiện chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế”.

Do đó, dự thảo luật đã sửa đổi chuyển học phí đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, để các trường công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định.

Ảnh hưởng chất lượng đào tạo

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là trường công lập thu học phí dựa trên đề án thí điểm tự chủ của trường. Do đó, mức học phí này cao hơn so với các trường công lập chưa tự chủ tài chính. 

Dù vậy, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt – phó hiệu trưởng nhà trường – cho rằng học phí thu hiện nay vẫn chưa tính đủ suất đào tạo. Cơ sở vật chất của trường là tài sản nhà nước nên trường chưa tính khấu hao. “Nếu tính đúng, tính đủ, mức học phí sẽ cao hơn” – bà Nguyệt nói.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng áp dụng cơ chế tự chủ. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – phó hiệu trưởng nhà trường, mức học phí khi tự chủ dựa trên các khoản chi cho đào tạo và một phần chi phí đầu tư, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp cơ sở vật chất… 

“Học phí trường công vẫn thấp hơn trường tư là do đã có cơ sở vật chất từ trước và được Nhà nước đầu tư” – ông Hoàn cho hay.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – cũng cho biết hiện học phí của trường đã được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, tính đúng một suất chi phí đào tạo là không đủ nên ảnh hưởng phần nào đến chất lượng đào tạo; hạn chế việc ứng dụng phương pháp giảng dạy mới. 

“Thực tế hiện nay, học phí ngành y đại học các nước trong khu vực từ 6.000-10.000 USD/năm. Còn ở trong nước, các trường tư thục đào tạo ngành y thu học phí mức hơn 100 triệu đồng/năm, trong khi trường chúng tôi chỉ thu khoảng 10 triệu đồng/năm. 

Khi trường tự chủ sẽ có những định hướng phát triển chất lượng hơn, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm… nên chắc chắn khi đó sẽ tăng học phí” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Ngô Minh Xuân – hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kể từ tháng 1-2018 (UBND TP.HCM phê duyệt đề án tự chủ tài chính toàn phần), mức học phí của trường là 44 triệu đồng/năm. 

“Trước đây tất cả bệnh viện đều bao cấp cho sinh viên đến học, nhưng hiện nay các bệnh viện ở TP.HCM cũng đã tự chủ. Khi trường đưa sinh viên đến thực tập phải trả chi phí khá cao cho bệnh viện. 

Hơn nữa, mức lương của giảng viên trường rất thấp (thạc sĩ chỉ 6-8 triệu đồng/tháng). Trường cố gắng nâng thu nhập của thầy cô lên 9 triệu đồng/tháng nhưng rất nhiều người bỏ đi nơi khác. Nhà trường không mời được thầy giỏi về dạy” – ông Xuân cho biết.

Bắt buộc phải tăng học phí

Được tự chủ, đại học công sẽ đồng loạt tăng học phí - Ảnh 2.

Học sinh thích thú tham quan gian hàng của một trường đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2018 ở Hà Nội – Ảnh: PHƯƠNG CHINH

 

Trước thông tin dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi theo hướng để các trường công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức học phí, lãnh đạo các trường đại học công lập đều ủng hộ. 

PGS.TS Ngô Minh Xuân thừa nhận: “Với những khó khăn trên của trường, bắt buộc chúng tôi phải theo hướng tự chủ. Từ đó có thể thu học phí mức cao hơn để nâng cao chất lượng đào tạo”.

Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho hay: “Các trường đại học hiện nay chủ yếu sống bằng học phí. Để đảm bảo trả lương cho cán bộ viên chức, chi trả điện nước, đầu tư trang thiết bị, vật tư thực tập, mức học phí phải thu cho các ngành kỹ thuật hiện từ 35-40 triệu đồng/năm. Vì vậy, chắc chắn nhà trường sẽ tăng học phí từ từ theo lộ trình của đề án”.

Cũng theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn, chủ trương của Chính phủ đến năm 2020 các trường đại học công lập phải tự chủ hoàn toàn. Khi đó Nhà nước sẽ không cấp kinh phí cho các trường nữa. 

“Tới đây, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng sẽ tính lại suất chi phí đào tạo để xác định mức học phí phù hợp hơn. Nhà trường đang chờ nghị định mới của Chính phủ về tự chủ đại học để có cơ sở xây dựng kế hoạch tự chủ của mình. 

Chúng tôi hiện vẫn chưa tính cụ thể mức học phí mới sau khi trường tự chủ là bao nhiêu. Nhưng để đảm bảo cho việc đào tạo có chất lượng, bắt buộc phải tăng học phí” – ông Tuấn cho hay.

Nhiều người đã tỏ ra lo ngại với việc Nhà nước cho phép các trường đại học công lập tự xác định mức học phí sẽ dẫn đến các trường ồ ạt tăng học phí. Tuy nhiên, đại diện các trường đều cho rằng sẽ không có tình trạng này. 

“Trong bối cảnh thị trường giáo dục hiện nay, việc cạnh tranh giữa các trường hiện rất gay gắt nên không trường nào nhắm mắt tăng học phí” – PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt khẳng định.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là trường cần công khai chi phí cụ thể của một suất đào tạo để xác định mức học phí. Với điều kiện kinh tế hiện nay, không phải sinh viên nào cũng chọn trường có mức học phí thấp. Điều người học quan tâm là chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ của nhà trường”.

Huỳnh Thị Ngọc Nữ (sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Hiện tôi đang học chương trình chất lượng cao với học phí 28 triệu đồng/năm. Dù học phí cao hơn so với chương trình đại trà (8,7 triệu đồng) nhưng tôi thấy chấp nhận được vì chất lượng dịch vụ tốt hơn. Lớp chỉ 40 sinh viên, học phòng máy lạnh, giảng viên giỏi, được tăng cường tiếng Anh. Tuy nhiên, thực tế không ít sinh viên hoàn cảnh khó khăn không kham nổi mức học phí cao. Vì vậy, khi các trường được thu học phí cao hơn, Nhà nước cần có những quy định nhà trường phải tăng cường học bổng, chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn”.

Trần Ngọc Tân (sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nâng suất đầu tư thỏa đáng

GS Phạm Phụ

 

GS Phạm Phụ – Ảnh: TRẦN HUỲNH

 

Theo GS Phạm Phụ, trong giáo dục đại học, suất đầu tư thường gọi là “chi phí đơn vị” (unit cost) – chi phí bình quân cho một sinh viên trong một năm học. Hiện nay chưa tìm thấy con số công bố chính thức nào về suất đầu tư từ Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, có thể ước tính gần đúng, con số này hiện chỉ vào khoảng 1.000 USD/sinh viên/năm. Trong khi đó, suất đầu tư năm 2004-2005 ở Mỹ đã là 22.000 USD/sinh viên/năm, ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) là 12.000 USD/sinh viên/năm, ở Đài Loan 7.000 USD/sinh viên/năm…

Vậy suất đầu tư thoả đáng cho Việt Nam hiện nay nên là bao nhiêu? Theo một số chuyên gia ở Ngân hàng Thế giới, suất đầu tư thoả đáng thực tế thường tương thích so với GDP/đầu người của từng nước.

Việt Nam hiện có GDP/đầu người khoảng 2.300 USD. Nếu tính tỉ lệ khoảng 90%, nghĩa là suất đầu tư nên ở khoảng 2.100 USD/sinh viên/năm.

TRẦN HUỲNH