Bỏ điểm sàn: Các trường có ‘tháo khoán’ vào đại học ?
Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định bỏ ‘điểm sàn’ vào ĐH, trừ các ngành đào tạo giáo viên. Quyết định này khiến nhiều người lo ngại về việc có khả năng nhiều trường sẽ lấy điểm trúng tuyển ở mức thấp nhất để tuyển bằng được thí sinh.
Bỏ điểm sàn: Các trường có ‘tháo khoán’ vào đại học ?
Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định bỏ ‘điểm sàn’ vào ĐH, trừ các ngành đào tạo giáo viên. Quyết định này khiến nhiều người lo ngại về việc có khả năng nhiều trường sẽ lấy điểm trúng tuyển ở mức thấp nhất để tuyển bằng được thí sinh.
Thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2017. Năm nay chỉ còn khối ngành này có quy định điểm sàn ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Trên 3,03 điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ vào ĐH?
Nhìn lại lịch sử tuyển sinh các trường có thể thấy khá rõ việc này. Từ năm 2002, Bộ bắt đầu tổ chức kỳ thi “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển). Tuy nhiên ngay những năm do chưa có quy định điểm sàn, nhiều trường đã xét tuyển đến điểm chuẩn rất thấp. Chỉ khi điểm sàn ra đời từ năm 2004 đến nay trung bình có khoảng 70% tổng thí sinh (TS) trúng tuyển theo nguyện vọng 1, 30% là cơ hội cho các TS điểm thi còn cao sẽ được xét tuyển vào các trường còn thiếu chỉ tiêu. Chính điểm sàn được xem như “lằn ranh” để xác định năng lực học ĐH tối thiểu của TS.
Theo lãnh đạo phòng đào tạo một trường ĐH tại ĐBSCL, về lý thuyết quy chế năm nay có thể cho phép một TS có điểm thi THPT quốc gia dưới mức trung bình được quyền trúng tuyển vào ĐH.
Trong cách xét tốt nghiệp, điểm thi THPT quốc gia chỉ chiếm 50% tổng điểm với quy định: điểm trung bình các môn/bài thi đạt từ 5 trở lên, trong đó không có môn nào bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Trong khi đó, xét tuyển vào các trường ĐH chỉ thực hiện theo 3 môn của tổ hợp xét tuyển. Như vậy, nếu một trường ĐH không đặt ra ngưỡng điểm tối thiểu để nhận hồ sơ có thể xảy ra trường hợp 1 TS tốt nghiệp THPT nhưng có điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển chỉ cần trên 1 điểm (thấp nhất là 1,01 điểm). Tính tổng điểm 3 môn ở mức thấp nhất thì TS chỉ cần đạt trên 3,03 điểm đã đủ điều kiện nộp hồ sơ vào ĐH.
Tác động tới chất lượng nguồn nhân lực
Trưởng phòng tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM nhìn nhận, để các trường tự xác định ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu về lý thuyết là đảm bảo quyền tự chủ ĐH. “Với những trường ĐH công lớn, việc này không ảnh hưởng gì. Nhưng các trường khó tuyển, nhiều năm sử dụng điểm chuẩn thấp thì đây có thể xem như là sự “tháo khoán” cho các trường trong tuyển sinh”, người này nói.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập nói: “Thực sự chúng tôi đang cảm thấy rất lo lắng vì nếu lấy điểm chuẩn thấp thì có thể sẽ ảnh hưởng uy tín của trường, nhưng lấy điểm cao thì sợ không có nguồn tuyển nếu nhiều trường khác lấy điểm thấp”. Theo người này, vấn đề đặt ra là nỗi lo chất lượng đầu vào. Nói về hệ quả của việc hạ điểm chuẩn, trưởng phòng tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. “Trước đây Bộ đặt ra điểm sàn là tính toán đến năng lực học ĐH của TS. Nếu các trường lấy điểm dưới mức này thì sẽ có những TS năng lực chưa đảm bảo vẫn trúng tuyển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc theo đuổi 4 năm học ĐH mà còn tác động xấu tới chất lượng nguồn nhân lực sau này”.
Theo GS Vũ Văn Hoá, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, không thể nói có một chất lượng đào tạo tốt nếu điểm chuẩn đầu vào quá thấp. “Nếu lấy điểm chuẩn quá thấp thì sẽ rất khó cho việc đào tạo, khó cho việc đánh giá sinh viên. TS phải đạt học lực ở một ngưỡng nào đó (được đo bằng điểm chuẩn) thì mới thuận lợi cho việc duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuyển những em điểm thấp cũng đào tạo được nhưng trường sẽ rất mất công, mà chất lượng đào tạo cũng không thể cao được”, GS Hoá nói.
Cần làm tốt kiểm định đầu ra
Theo GS Hóa, nếu Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn mà vẫn muốn chất lượng đào tạo của các trường được đảm bảo thì phải làm tốt công tác kiểm định chất lượng đầu ra của các trường, đặc biệt là với các trường ngoài công lập. Bởi nếu các trường lấy ngưỡng đầu vào là tốt nghiệp THPT trong khi điều kiện để được xét tốt nghiệp hiện nay là quá dễ thì có nguy cơ càng làm thấp chất lượng đào tạo ĐH, không đáp ứng được nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước trong bối cảnh khoa học kỹ thuật rất phát triển như hiện nay.
GS Hoá chia sẻ: “Đúng là phải để cho các trường quyền tự chủ, nhưng cũng cần phải có một ngưỡng tối thiểu. Vấn đề đáng lo ngại là cho dù có những em tốt nghiệp ĐH ở những trường chất lượng rất thấp nhưng khi ra trường các em vẫn có chỗ làm tốt, thậm chí hơn hẳn sinh viên giỏi ở các trường tốt. Dù quy chế đã ban hành, nhưng Bộ cũng nên có những khuyến cáo đối với các trường. Tuy nhiên, công cụ của những khuyến cáo sẽ không mạnh bằng các quyết định chính thức. Bộ nên có một hướng dẫn bổ sung nhấn mạnh các trường phải xem xét để tuyển được những TS có kết quả thi THPT tốt”.
Cần nâng cao chất lượng bằng tốt nghiệp THPT
Theo TS Đàm Quang Minh, một chuyên gia độc lập, thực tế là điểm sàn đã được bỏ từ mấy năm trước, kể từ khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường được xét tuyển ĐH căn cứ vào học bạ. “Đây là cuộc chơi mà các trường phải chấp nhận, tự chịu trách nhiệm. Đây là chiến lược đúng đắn của Bộ GD-ĐT, khi tạo cơ chế để trường muốn đạt đẳng cấp nào sẽ có hành xử tương ứng”.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, đồng tình với quyết định bỏ điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Theo TS Tùng, giờ đây cũng có “sàn”, đó chính là điều kiện tốt nghiệp THPT. Nếu muốn nâng cao chất lượng đầu vào ĐH thì chỉ cần nâng cao chất lượng bằng tốt nghiệp THPT. Mặt khác, Bộ GD-ĐT sẽ phải kiểm soát tốt quá trình đào tạo và đầu ra của các trường chứ không chỉ “canh” đầu vào. “Bộ cũng nên đưa ra quy định trường nào chưa kiểm định chất lượng thì chưa cho tăng chỉ tiêu, các trường muốn tăng ồ ạt cũng khó”, ông Tùng đề xuất.
|
HÀ ÁNH