Những ứng viên đăng cai thượng đỉnh Mỹ – Triều
Một loạt địa điểm được giới chuyên gia đánh giá có tiềm năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ – Triều và theo Reuters, trong danh sách có cả Hà Nội.
Những ứng viên đăng cai thượng đỉnh Mỹ – Triều
Một loạt địa điểm được giới chuyên gia đánh giá có tiềm năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ – Triều và theo Reuters, trong danh sách có cả Hà Nội.
Khu vực an ninh chung tại Bàn Môn Điếm AFP
Sau quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận đề nghị gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên trước tháng 5, một trong những câu hỏi được giới quan sát đặc biệt chú ý là địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử này. Hiện Triều Tiên chưa đưa ra phát ngôn chính thức còn Mỹ lẫn Hàn Quốc đều cho biết chưa xác định được địa điểm lẫn thời gian cụ thể. “Chúng tôi vẫn đang chuẩn bị ở nhiều cấp độ”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói.
Reuters dẫn lời nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc gặp khó có thể diễn ra tại Washington D.C hoặc Bình Nhưỡng vì có thể tạo “ưu thế không công bằng” cho phía chủ nhà. Những nước tham gia trực tiếp vào đàm phán 6 bên lâu nay như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản cũng không nằm trong danh sách ứng viên, nhất là khi Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Nhật ngày 13.3 cho hay bản thân Tokyo cũng đang xem xét khả năng gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe và lãnh đạo Kim. Riêng Hàn Quốc thì vẫn có khả năng vì thời gian qua, nước này đóng vai trò rất tích cực thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.
Một trong những địa điểm được thảo luận nhiều nhất là Khu vực an ninh chung (JSA) tại Bàn Môn Điếm thuộc Khu phi quân sự liên Triều. Hội nghị giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ diễn ra tại JSA vào tháng 4, nên vẫn có khả năng thượng đỉnh Mỹ – Triều sẽ được tiếp nối tại đây. Yonhap dẫn lời một số quan chức Hàn Quốc cho rằng nếu Bàn Môn Điếm trước nay bị xem là tượng trưng cho sự phân ly thì giờ đã đến lúc biến nó thành biểu tượng của hòa bình. Đảo Jeju cũng đang được cân nhắc vì dễ dàng tiếp cận bằng tàu thuyền lẫn máy bay từ cả hai miền Triều Tiên và sẽ giúp lãnh đạo Kim không phải đi quá xa trong bối cảnh ông chưa hề có chuyến công du nước ngoài nào kể từ khi nhậm chức.
Theo các chuyên gia, nếu không phải JSA hay Jeju thì địa điểm được chọn phải thuộc một nước trung lập, không liên quan trực tiếp đến vấn đề bán đảo Triều Tiên và có quan hệ đối ngoại với Triều Tiên lẫn Mỹ. Reuters dẫn nhiều nguồn tin nêu ra những cái tên tiềm năng như các thành phố ở Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Singapore, thủ đô Hà Nội của VN hoặc Ulaanbaatar (Mông Cổ). “Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim hãy đối thoại ở Ulaanbaatar. Mông Cổ là quốc gia trung lập và chúng tôi từng điều phối các cuộc hội đàm quan trọng liên quan đến Triều Tiên”, cựu Tổng thống Mông Cổ Tsahiagiin Elbegdorj đề xuất.
Trong khi đó, Thuỵ Sĩ và Thuỵ Điển đều là thành viên Uỷ ban Các nước trung lập giám sát, hỗ trợ điều tiết quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sau thoả ước ngừng bắn năm 1953. Bản thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là từng học tại Thuỵ Sĩ trong thập niên 1990. Reuters dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết sẵn sàng tổ chức đàm phán Mỹ – Triều và đang liên lạc với hai phía. Thuỵ Điển cũng lên tiếng đề nghị hỗ trợ và Thủ tướng Stefan Lofven khẳng định: “Chúng tôi có thể là kênh kết nối hoặc làm mọi thứ cần thiết để cuộc đối thoại được diễn ra suôn sẻ”. Theo website của Nhà Trắng Whitehouse.gov, sau cuộc gặp với Tổng thống Trump hôm 9.3, ông Lofven cho biết Thuỵ Điển được nhiều bên tin tưởng và vẫn duy trì hiện diện ngoại giao tại Triều Tiên. “Chúng tôi luôn sẵn sàng”, vị thủ tướng nhấn mạnh
THUỴ MIÊN