Kiểm soát doanh nghiệp độc quyền nhà nước
Tại phiên họp 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 13.3, cho ý kiến đối với dự thảo luật Cạnh tranh sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần phải nghiên cứu bổ sung thêm điều 29 về quy định kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Kiểm soát doanh nghiệp độc quyền nhà nước
Tại phiên họp 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 13.3, cho ý kiến đối với dự thảo luật Cạnh tranh sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần phải nghiên cứu bổ sung thêm điều 29 về quy định kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Lợi nhuận của PVGas có một phần rất quan trọng là nhờ độc quyền nhà nước ẢNH: TTXVN
Bởi lẽ hiện nay đang có hiện tượng chuyển độc quyền tự nhiên của nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp (DN) gây ảnh hưởng tới quyền lợi quốc gia.
Nhiều loại độc quyền cần kiểm soát
Chẳng hạn như gas, 90% là sản xuất trong nước, mua theo hợp đồng dầu khí độc quyền của nhà nước. Tuy nhiên, cách đây 5 – 6 năm, nhà nước đã nhượng các hợp đồng dầu khí độc quyền cho DN. Sau đó, DN cổ phần hoá. Vì thế, từ độc quyền tự nhiên của nhà nước lại trở thành độc quyền của DN. “Trong 12.000 – 16.000 tỉ đồng lợi nhuận của Tổng công ty khí VN (PVGas) có một phần rất quan trọng là nhờ độc quyền nhà nước”, ông Tuấn nêu.
Ông Tuấn cũng đề nghị bổ sung một số điều khoản liên quan tới độc quyền tự nhiên do vị trí địa lý hay kinh tế mang lại. Chẳng hạn, dịch vụ như cảng hàng không sân bay quốc tế hay đường biển quốc tế với công suất 20 triệu khách trở lên thì doanh thu rất lớn. Vì thế, ai được giao kinh doanh lĩnh vực này thì sẽ trở thành độc quyền tự nhiên. Vì vậy, cần bổ sung các giải pháp để thu lại độc quyền tự nhiên này cho nhà nước.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) bổ sung, hiện có nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành đang vô tình tạo ra hiện tượng độc quyền nhà nước trong lĩnh vực đó. Chẳng hạn như độc quyền phát hành sách giáo khoa. Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cần phải tham gia vào việc giám sát các văn bản của các bộ, ngành vi phạm luật Cạnh tranh chứ không chỉ tham gia, góp ý kiến đối với các chính sách pháp luật có liên quan tới cạnh tranh như quy định tại dự thảo.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo xem xét để đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, không để bỏ sót.
Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc đâu ?
Báo cáo giải trình tiếp thu do ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH, trình bày tại phiên họp cho hay, về vấn đề này có 2 ý kiến. Một là tán thành quy định cơ quan cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công thương. Ý kiến thứ hai đề nghị quy định cơ quan này trực thuộc Chính phủ.
Uỷ ban Kinh tế tán thành ý kiến trực thuộc Bộ Công thương, các thành viên của uỷ ban do Thủ tướng bổ nhiệm và miễn nhiệm. Theo ông Thanh, uỷ ban này là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh là lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn, nếu uỷ ban này nằm trong Bộ Công thương, nhưng các thành viên lại do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm thì có xung đột với luật Tổ chức Chính phủ hay không. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH, giải thích theo các quy định tại dự thảo luật thì có thể hiểu Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia tương đương cấp tổng cục. Do vậy, chủ tịch uỷ ban tương đương với tổng cục trưởng, vì thế Thủ tướng bổ nhiệm là đương nhiên. Tuy nhiên, quy định của dự thảo luật nêu rằng tất cả các thành viên của uỷ ban này đều do Thủ tướng bổ nhiệm thì e là sẽ khó hoạt động.
Ông Phan Thanh Bình cũng băn khoăn: “Các thành viên do Thủ tướng bổ nhiệm mà chức năng nhiệm vụ lại là tham mưu cho bộ trưởng thì tôi e rằng có vấn đề về logic ở đây”.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định, Uỷ ban Thường vụ QH thống nhất ý kiến theo hướng quy định Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, nhưng quy định rõ chức năng nhiệm vụ và định danh rõ Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia. Việc các thành viên của uỷ ban này do Thủ tướng bổ nhiệm tất cả hay chỉ bổ nhiệm chủ tịch uỷ ban, thì cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thêm. “Nguyên tắc là Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 cơ quan hiện hành, không tăng đầu mối, không tăng biên chế và trực thuộc Bộ Công thương”, ông Hiển nhấn mạnh.
LÊ HIỆP