26/12/2024

Niềm tin và kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ đang là xu hướng ngày càng phát triển mạnh trên thế giới, nhưng vấn đề niềm tin và yếu tố con người cũng gây trở lực không nhỏ.

 

Niềm tin và kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ đang là xu hướng ngày càng phát triển mạnh trên thế giới, nhưng vấn đề niềm tin và yếu tố con người cũng gây trở lực không nhỏ.



 
Người dùng vô ý thức chất đống xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc	 /// Quartz
 

Người dùng vô ý thức chất đống xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc  QUARTZ

 
 
Kể từ năm 2011, nền kinh tế chia sẻ bùng nổ từ cuộc cách mạng kỹ thuật số, kéo theo vô vàn dịch vụ từ taxi công nghệ (Uber hay Grab), nơi lưu trú (AirBnB) cho đến chia sẻ không gian làm việc chung (WeWork). Những người có phòng trống, xe nhàn rỗi hoặc thậm chí bí quyết nấu ăn ngon đều có thể kiếm tiền và người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn giá rẻ, chất lượng tốt. Tuy nhiên, mô hình kinh tế chia sẻ phụ thuộc rất lớn vào niềm tin xuất phát từ hai phía: người cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng, theo chuyên gia Arun Sundararajan thuộc Đại học New York (Mỹ).
 
Niềm tin lầm chỗ
Chuyên gia Sundararajan lưu ý yếu tố “con người tin tưởng lẫn nhau” đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, mô hình này bắt đầu trở nên phổ biến nhưng trong thời gian qua đã có ít nhất 4 công ty khởi nghiệp lớn phải tuyên bố phá sản vì khách hàng “không trung thực”.
 
Công ty Sharing E Umbrella (SEU) cung cấp dịch vụ chia sẻ dù tại các đô thị lớn. Thông qua ứng dụng trên điện thoại, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin trạm đặt dù tại những điểm công cộng như bến xe buýt, trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, Quảng Châu và Phúc Châu. Họ đặt cọc 20 nhân dân tệ (gần 69.000 đồng) và dùng điện thoại quét mã QR mới có thể mở khóa, “bung” dù. Tiền thuê là 0,5 nhân dân tệ/ngày và thời hạn tối đa là 15 ngày. “Thủ tục đăng ký đơn giản, không cần phải khai báo thông tin cá nhân. Sau khi dùng xong dù, tôi có thể dễ dàng nhận lại tiền tạm ứng”, một khách hàng đánh giá cao dịch vụ chia sẻ này với tờ South China Morning Post. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng hoạt động, Sharing E Umbrella phá sản với 300.000 cây dù “mất tích”.
 
Tương tự, cả ba công ty kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe đạp/xe đạp điện rất nổi tiếng ở Trung Quốc là Mobike, Ofo và Bluegogo đều lần lượt “ngã ngựa”. Tuy đã dùng thiết bị GPS để định vị xe cùng nhiều biện pháp khác nhằm ngăn ngừa trộm cắp nhưng cả ba vẫn “than trời” vì ý thức quá kém của khách hàng. Không mất nhưng xe đạp sau khi sử dụng lại hư hại và bị vứt bừa bãi khắp nơi, ném xuống sông hay thậm chí vắt vẻo trên cây. Giờ đây, tại các bãi phế liệu ở 3 thành phố nói trên là hàng chục ngàn xe đạp chất đống như một minh chứng cho hậu quả của niềm tin lầm chỗ trong kinh tế chia sẻ.
 
Bài toán quản lý
Một trong những bài toán khó nhất của kinh tế chia sẻ là khó quản lý nhân sự bởi ai cũng có thể đăng ký tham gia. Chẳng hạn chỉ cần có xe máy, ô tô là có thể đăng ký trở thành tài xế taxi công nghệ. Hàng loạt vụ khách hàng kiện tụng vì bị tài xế tấn công tình dục, hành hung đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Tình trạng này xuất phát từ việc công ty phát triển quá nhanh và khâu kiểm tra lý lịch tài xế bị bỏ ngỏ hoặc thậm chí phớt lờ. Bên cạnh đó, kẻ gian cũng có thể lợi dụng hình ảnh công ty để phạm tội. Cụ thể, trong thời gian qua, nhiều vụ trộm cướp tài sản xảy ra tại VN do những người mặc đồng phục giả làm tài xế GrabBike.
 
Trong trường hợp AirBnB, công ty này khẳng định đã kiểm tra kỹ lưỡng thông tin tất cả người đăng tải phòng cho thuê trên website. Tuy nhiên, hồi tháng 7.2017, bà Leslie Lapayowker nộp đơn kiện buộc AirBnB phải chịu trách nhiệm trước việc bà bị chủ nhà ở Los Angeles (Mỹ) tấn công tình dục. Trong đơn kiện, nguyên đơn cho hay phát hiện chủ nhà có tiền án lạm dụng tình dục nhưng AirBnB vẫn cho phép ông ta tham gia. Đáp lại, AirBnB khẳng định “đã kiểm tra lý lịch và không phát hiện bất kỳ tiền sự của người này”, theo tờ The Guardian.
 
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường PwC, kinh tế chia sẻ đạt doanh thu khoảng 250 tỉ USD trong năm tài chính 2017, với những phân khúc nổi bật như tài chính, nhân viên online, chia sẻ phòng, đi chung xe… PWC dự đoán doanh thu lĩnh vực này sẽ tăng lên đến 335 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo chính phủ các nước phải đẩy mạnh nghiên cứu mô hình quản lý, tạo ra khung pháp lý mới cho kinh tế chia sẻ nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động lẫn khách hàng, cạnh tranh công bằng và ngăn chặn trốn thuế.

PHÚC DUY