Có thể chống lại thuật toán?
Sự phát triển quá thông minh của trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến mỗi cư dân thời nay được “thấu hiểu” hơn bao giờ hết và theo đó, cũng trở nên hạn hẹp và mất tự do hơn bao giờ hết.
Có thể chống lại thuật toán?
Facebook là một trong những ông lớn công nghệ tiên phong trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo – Ảnh: REUTERS
Từ lâu giới chuyên gia công nghệ đã cảnh báo về tình trạng “bong bóng lọc”, “phòng cách ly” với các công dân thời “vạn vật kết nối”.
Quyền lực của thuật toán
Bằng việc thay đổi nền tảng dịch vụ, nhiều ông lớn công nghệ đã có thể thay đổi bản chất và quy mô tiếp cận/tiêu thụ tin tức của loài người trong “nháy mắt”.
Năm 2013, Google từng có bước tiến lớn trong việc thấu hiểu xu hướng quan tâm tin tức của người dùng bằng việc ra mắt thuật toán Chim ruồi (Hummingbird) với trọng tâm hướng tới việc sắp xếp lại thứ hạng của các kết quả trong công cụ tìm kiếm.
Cũng như thế, năm 2016 mạng xã hội Twitter thay thế thuật toán mới trong hiển thị nội dung trên dòng thời gian (timeline) của bảng cấp tin, thay các tweet mới nhất bằng các tweet quan trọng nhất.
Và đầu năm nay, mạng xã hội Facebook tuyên bố họ sẽ thay thế các nội dung vô nghĩa, tiêu cực chỉ nhằm “câu view” bằng các tương tác ý nghĩa hơn trên bảng cấp tin (news feed).
Việc một nhóm “tinh hoa” có thể ngay lập tức thay đổi suy nghĩ và hành vi của hàng tỉ người chỉ bằng những điều chỉnh thuật toán như những gì ta đã chứng kiến trên các nền tảng dịch vụ mạng thời gian qua rõ ràng là chuyện chưa từng có tiền lệ.
Căn nguyên của khả năng “siêu phàm” đó là những thuật toán. Các bảng cấp tin được cá nhân hóa, tin tức được tuyển lựa, thời sự và kiến thức ta tiêu thụ mỗi ngày đều được đi qua một quá trình lọc cộng tác (collaborative filtering).
Nguyên tắc này hoạt động theo kiểu nếu tôi thích vấn đề X, rồi tôi và người nào đó cùng được xác định về mặt thuật toán là giống nhau, vậy thì có thể người đó cũng sẽ thích vấn đề X. Mọi người đều tiếp cận các bảng cấp tin được cá nhân hóa hàng loạt và do nền tảng công nghệ thiết lập cho mỗi người.
Thoát khỏi vòng kim cô
Bất kể việc các nhà khoa học dữ liệu, giới hoạch định chính sách hay các ủy ban đạo đức đã và đang tìm kiếm những giải pháp khắc phục tình trạng này về lâu dài và trên quy mô lớn, nhưng rõ ràng trách nhiệm trước hết vẫn phải thuộc về bản thân mỗi người.
Để ứng phó với những vấn đề trên, hơn bao giờ hết các công dân của thời công nghệ nếu muốn ra được những quyết định chính xác, cần phải tự mình trang bị kiến thức để có thể tiếp cận nguồn tin tốt nhất: thực tiễn, khách quan và có phạm vi tác động rộng.
Dĩ nhiên, chống lại một thuật toán là điều khó khăn vì không dễ để một người bình thường hiểu và ứng phó được với một hệ thống bí mật, tinh vi. Nhưng theo các chuyên gia, vẫn có những cách cụ thể.
Trước hết, mỗi người phải nắm rõ những gì đang diễn ra trong lĩnh vực quan tâm của mình. Sự nhận thức đầy đủ về một vấn đề là cơ sở để bạn có thể chất vấn, phản biện về tính xác thực cũng như toàn diện của thông tin.
Thứ nữa bạn cũng có thể “trêu đùa” một chút với thuật toán của các nền tảng bằng việc thay đổi chế độ thiết lập để hệ thống cho phép hiển thị những đề xuất nội dung ngẫu nhiên.
Hãy thử cố tình theo dõi những người có quan điểm đối lập, chủ động khám phá các nền tảng mạng xã hội theo cách riêng thay vì thụ động tiếp nhận những gì được cung cấp. Bằng cách đó, bạn sẽ “huấn luyện” thuật toán để nó phục vụ khách quan, trung thực hơn.
Thứ ba, hãy tự rút mình khỏi tấm “mạng nhện” của những ông lớn như Google bằng cách chuyển sang chế độ trình duyệt web ẩn danh và công cụ tìm kiếm sẽ không theo dõi bạn như Duckduckgo.
Còn một cách cực đoan hơn nữa là hãy rời bỏ càng nhiều càng tốt với những chi phối của thế giới ảo để bước ra đời thực và chú tâm nhiều hơn vào cảm xúc, những quan sát ngẫm ngợi và những cuộc trò chuyện trong cuộc sống.
Tin giả lan nhanh hơn tin thật
Trên mạng Internet, tin tức giả có tốc độ lan nhanh hơn tin thật, và trái với suy nghĩ của nhiều người, động lực phát tán tin giả chủ yếu là người chứ không phải robot.
Đây là những kết luận chính rút ra từ báo cáo đăng tải trên tạp chí Science, cũng là nghiên cứu có quy mô lớn nhất trước nay về vấn đề tin giả trên mạng xã hội.
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts chủ trì đã khảo sát 126.000 loạt tin đồn do khoảng 3 triệu người lan truyền trên mạng xã hội Twitter với hơn 4,5 triệu lượt trong khoảng thời gian từ năm 2006-2017.
Theo đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy số tin giả tiếp cận người đọc nhiều hơn và nhanh hơn rất nhiều so với tin tức thật. 1% tin tức giả hàng đầu đã phát tán tới được 1.000-100.000 người, trong khi tin tức thật chỉ đến được với hơn 1.000 người.
Báo cáo nêu: “Tin tức giả có xu hướng được tweet lại nhiều hơn tin thật tới 70%. Cùng với đó, để tin tức đến được với 1.500 người, tin tức thật mất thời gian lâu gấp 6 lần so với tin tức giả”.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sở dĩ tin giả lan nhanh hơn là vì người dùng có xu hướng chia sẻ chúng nhiều hơn do nội dung thường gây sốc.