Cả triệu người có cơ hội thoát nghèo
Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người lao động…
Cả triệu người có cơ hội thoát nghèo
Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người lao động…Sau 8-11 năm khi hiệp định có hiệu lực, VN bỏ thuế các sản phẩm thịt. Trong ảnh: một quầy bán thịt tại TP.HCM – Ảnh: T.MẠNH
Thông tin về việc ký kết hiệp định CPTPP với báo chí chiều 9-3, ông Lương Hoàng Thái – vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) – dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết CPTPP sẽ giúp GDP của VN tăng 1,1% tính đến năm 2030 (năng suất tăng thêm, GDP có thể tăng tới 3,5%).
Tăng thêm thu nhập
Theo ông Thái, có 100% các dòng thuế được đưa về 0%, sẽ giúp thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển tốt hơn từ việc gia tăng thương mại và đầu tư, qua đó tạo việc làm nhiều hơn.
Mức thuế nhập khẩu bình quân từ các thị trường CPTPP hiện là 1,7% sẽ giảm còn 0,2%, giúp xuất khẩu của VN tăng thêm 4,2%, nhập khẩu tăng thêm 5,3%…
Ngày 9-3, WB tại VN cũng gửi cho báo chí bản “Công bố báo cáo tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của CPTPP”, theo đó WB chỉ ra các ngành sản xuất, xuất khẩu như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da, hoá chất, nhựa, thiết bị, phương tiện vận tải… của VN sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất.
WB tính toán đến năm 2030, hàng hóa xuất khẩu của VN sẽ tăng 13,1 tỉ USD. Xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỉ lên 80 tỉ USD.
Ông Lương Hoàng Thái cho hay trong quá trình đàm phán, VN đã tập trung vào nhóm mặt hàng liên quan tới phần lớn người dân như thủy hải sản, dệt may, da giày… Do vậy, nếu thực hiện hiệu quả sẽ giúp VN giảm 0,6 triệu người thuộc diện nghèo đói…
Nghiên cứu của WB cũng cho hay tất cả các đối tượng dự kiến sẽ được hưởng lợi và tăng thêm thu nhập do kinh tế tăng trưởng cao hơn, các ngành sản xuất tạo thêm việc làm…
Tính đến năm 2030, thu nhập hộ gia đình với nhóm thu nhập cao nhất sẽ tăng thêm 6% và gần 4% với hộ nghèo. WB cũng tính CPTPP giúp giảm nghèo, năm 2025 và 2030 sẽ có tương ứng 0,9 triệu người và 0,6 triệu người thoát nghèo.
Vẫn có thể phòng vệ
65,8% số dòng thuế nhập khẩu được VN cam kết đưa về 0% sau khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, theo phân tích của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), còn nhiều dư địa để VN có thể điều chỉnh khi CPTPP có hiệu lực…, trong đó hàng rào phi thuế quan vẫn được đặt ra trong CPTPP.
Tuy nhiên, CPTPP yêu cầu các thành viên không được áp dụng biện pháp có tính hạn chế xuất/nhập khẩu.
Riêng với VN, phương tiện vận tải tay lái nghịch, phương tiện vận tải cũ trên 5 năm và một số sản phẩm đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu. Gỗ tròn, gỗ xẻ từ gỗ rừng tự nhiên của VN cũng sẽ bị cấm xuất khẩu (trừ sản phẩm thủ công mỹ nghệ).
VN được tiếp tục áp dụng giấy phép nhập khẩu với hàng hoá nhập khẩu, nhưng sẽ phải tuân thủ các yêu cầu về minh bạch thông tin trong thủ tục cấp phép.
CPTPP không có cam kết về trợ cấp nội địa đối với nông sản nên VN vẫn tiếp tục sử dụng các biện pháp trợ cấp nội địa cho hàng nông sản mà WTO cho phép như hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư…
Cũng theo VCCI, trong bối cảnh các hiệp định thương mại (FTA) và CPTPP có thể tạo ra nguy cơ hàng hóa từ các nước đối tác nhập khẩu ồ ạt vào VN, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu để vận dụng hiệu quả công cụ và biện pháp tự vệ nhằm hạn chế phần nào tác động.
Song, VCCI cũng cảnh báo hàng VN dễ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ tự vệ từ các nước thành viên CPTPP, bởi hiệp định này đặt ra cơ chế kiện tự vệ dễ hơn WTO.
CPTPP thúc đẩy cải cách trong nước. Tuy nhiên, WB cảnh báo CPTPP sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn mà VN được hưởng lợi từ TPP, nên cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường.
Ít phụ thuộc hơn…
Theo đánh giá của WB, trong dài hạn, lợi ích của VN đạt được khi có CPTPP không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu, ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ.
“Phản ứng này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ” – báo cáo của WB viết.
Áp hạn ngạch để bảo hộ một số ngành
Theo cam kết mở cửa thị trường với CPTPP, VN cam kết đưa thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực một số mặt hàng như dệt may, da giày, nhựa, hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc thiết bị… Nhưng VN duy trì hạn ngạch thuế quan đối với một số hàng hoá dễ tổn thương như đường, trứng, muối…