24/01/2025

‘Vành đai, Con đường’ hay chiếc vòng kim cô của Trung Quốc?

Để thực thi phát triển kinh tế cùng thế giới, Trung Quốc đưa ra những khoản đầu tư tưởng chừng béo bở nhưng hiện có 8 nước bên bờ vực vỡ nợ vì ‘Vành đai, Con đường’, trong đó có cả Lào.

 

‘Vành đai, Con đường’ hay chiếc vòng kim cô của Trung Quốc?

Để thực thi phát triển kinh tế cùng thế giới, Trung Quốc đưa ra những khoản đầu tư tưởng chừng béo bở nhưng hiện có 8 nước bên bờ vực vỡ nợ vì ‘Vành đai, Con đường’, trong đó có cả Lào.

 


‘Vành đai, Con đường’ hay chiếc vòng kim cô của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Biếm hoạ trên báo Times of Islamabad (Pakistan) về việc Pakistan rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc dưới Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC)

 

Những năm gần đây người ta chứng kiến sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc “càn quét” mạnh mẽ qua từng ngõ ngách của các quốc gia Á – Phi – Âu với một loạt dự án hạ tầng được khởi động.

Nhưng đi cùng với nó là cảnh điêu đứng của một loạt đối tác, từ việc Sri Lanka bàn giao cảng nước sâu, 3 dự án đường ở Pakistan bị dừng đột ngột, cho đến cả núi nợ của Maldives… Đó là một phần trong bức tranh “bẫy nợ” mà Bắc Kinh giăng ra.

8 nước bên bờ vực vỡ nợ

Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD) – một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Mỹ – vừa mới công bố, vào đầu tháng 3 này, một nghiên cứu cho thấy chiến lược “bẫy nợ” trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

 

Với tựa đề “Đánh giá ảnh hưởng nợ của sáng kiến Vành đai Con đường từ cách nhìn chính sách”, nghiên cứu của CGD đã dành một phần riêng để nói về các quốc gia đang sa đà trầm trọng vào chiếc “bẫy nợ” do Trung Quốc giăng dựng.

Trung Quốc nói rằng “Vành đai, Con đường” của nước này là một sáng kiến cùng có lợi cho đôi bên, giúp kết nối hạ tầng và thương mại qua một loạt các quốc gia Á – Phi – Âu.

Liệu chăng “Vành đai, Con đường” đang bước vào một giai đoạn biến tướng mà Bắc Kinh không ngờ tới hay chiến lược “bẫy nợ” rõ ràng đã được Bắc Kinh toan tính sẵn kể từ khi khởi động sáng kiến này?

Theo CGD, hiện có 8 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao nhất trước những khoản đầu tư hậu hĩ của Bắc Kinh, gồm: Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan.

Đơn cử trường hợp của Lào, một trong số những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Ngay từ năm 2013, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã liên tục nêu quan ngại về khả năng thanh toán nợ của Lào nếu nước này tiếp tục xúc tiến kế hoạch xây đường sắt Trung Quốc – Lào, bên cạnh các dự án lớn khác ở thủ đô Vientiane.

Tông số vốn đầu tư lên tới 6 tỉ USD của dự án đường sắt này chiếm gần một nửa Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Lào.

Trong khi các quan chức Bộ Tài chính Lào nhấn mạnh rằng chính phủ đảm bảo liệu phần lớn số vốn sẽ đến từ ngân hàng nhà nước China Exim Bank của Trung Quốc hay không, chính phủ nước này hiện chịu áp lực đáng kể bù đắp các mất mát.

 

‘Vành đai, Con đường’ hay chiếc vòng kim cô của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Lào và Trung Quốc tổ chức lễ động thổ hồi tháng 12-2015 để khởi động xây dựng đường sắt Trung Quốc – Lào dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2021 – Ảnh: AFP

Các điều khoản tài chính đối với nhiều yếu tố trong dự án đường sắt trên hiện vẫn còn là một bí mật. Có nguồn tin tường thuật rằng một khoản vay 465 triệu USD từ China Exim Bank cho công ty chung đảm trách xây dựng và vận hành tuyến đường sắt sẽ được cấp với mức lãi suất 2,3% với kỳ hạn thanh toán là 25 năm. Chính phủ Lào theo báo cáo cũng đã ký một thỏa thuận vay 600 triệu USD với China Exim Bank cho một dự án thuỷ điện.

Trong khi đó, Pakistan vừa qua đã dính một cú sốc khi Bắc Kinh bất ngờ ra quyết định dừng cấp vốn cho việc xây dựng ba tuyến đường lớn nằm trong Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC).

Không như mức “lãi suất ưu đãi” từ 2-2,5% được áp dụng cho một số khách hàng của China Exim Bank, các báo cáo cho biết nhiều khoản vay của Pakistan có lãi sức lên tới 5%. Một số chuyên gia cho rằng Pakistan có thể mất tới 40 năm mới trả được các khoản nợ Trung Quốc.

Tức giận vì bị “chiếm đất”

Hôm 22-1, cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed đã cáo buộc Trung Quốc chiếm đất, gây đe doạ chủ quyền của đảo quốc này. Ông Nasheed nói rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ đe doạ đến Maldives và rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương.

 

Vị cựu lãnh đạo 53 tuổi cho biết Bắc Kinh đã thuê trọn ít nhất 16 trong số 1.192 đảo san hô của Maldives và đang xây dựng các cảng biển cùng nhiều công trình khác ở các đảo này. Trong khi đó, Trung Quốc cũng chiếm tới 80% số nợ nước ngoài của Maldives.

Ngoại giao bẫy nợ

So với các khoản vay từ Ngân hàng thế giới (WB) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các khoản vay từ Trung Quốc luôn có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều và mang tính “bất chấp” người mượn.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những đánh đổi về lợi ích như quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản, chủ quyền, lợi ích chiến lược…

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các quốc gia nợ nần chồng chất và không thể thanh toán. Các chuyên gia gọi đây là “ngoại giao bẫy nợ”, theo trang tin Quartz.

Trong một đánh giá được đưa ra hôm 6-3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Bắc Kinh đang “khuyến khích việc phụ thuộc vào các hợp đồng thiếu minh bạch, các khoản vay trấn lột và những thỏa thuận nhũng nhiễu khiến các quốc gia sa vào vũng nợ và cắt xén chủ quyền của họ, từ đó kiềm chế sự phát triển tự lực và lâu dài của những quốc gia này”.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc có tiềm năng giải quyết khoảng cách về cơ sở hạ tầng ở châu Phi, nhưng cách tiếp cận của Bắc Kinh lại dẫn đến nợ nần chồng chất và mang đến ít công ăn việc làm ở hầu hết các quốc gia”

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận định

 

‘Vành đai, Con đường’ hay chiếc vòng kim cô của Trung Quốc? - Ảnh 5.

Cảng nước sâu Hambantota ở bờ biển phía nam Sri Lanka cũng đã rơi vào tay Trung Quốc – Ảnh: AFP

Trường hợp Sri Lanka có thể thấy là một bài học nhãn tiền cho các nước có “Vành đai, Con đường” ghé qua. Năm 2017, với số nợ Trung Quốc hơn 1 tỉ USD, Sri Lanka đã phải bàn giao quyền sử dụng cảng nước sâu Hambantota cho công ty quốc doanh China Merchants Port Holdings của Trung Quốc với hợp đồng cho thuê kéo dài 99 năm để có tiền trả nợ.

Giờ đây, Djibouti – nơi hiện diện căn cứ quân sự chính của Mỹ ở châu Phi – đã chứa luôn căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc và hiện được cho có ý định giao quyền kiểm soát thêm cảng chiến lược Dolareh cho Bắc Kinh.

Theo các báo cáo, tính tới cuối năm 2016, số nợ Trung Quốc chiếm tới 82% trong tổng số nợ các quốc gia bên ngoài của Djibouti. IMF cho biết nợ công so với GDP của Djibouti đã tăng chóng mặt chỉ trong hai năm, từ 50% vào cuối năm 2014 lên tới 85% vào năm 2016, mức tăng cao nhất so với bất kỳ quốc gia có thu nhập thấp nào.

Nghiên cứu của CGD cho thấy trong số 68 quốc gia nằm trong danh sách đối tác của sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, có tới 23 quốc gia nằm trong diện có rủi ro vỡ nợ “khá cao”.

 

BÌNH AN