Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ
Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh chuyến thăm “đánh dấu cột mốc quan trọng mang tính biểu tượng trong quan hệ song phương và thể hiện sự ủng hộ của Mỹ cho một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.”
Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ
Chuyến thăm này nằm trong hải trình thăm một số nước trong khu vực của đoàn tàu hải quân Mỹ. Theo kế hoạch, từ ngày 5 – 9.3, chỉ huy đoàn tàu sẽ đi chào xã giao Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, lãnh đạo TP.Đà Nẵng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Ngay sau lễ đón, ông Lâm Quang Minh và Phó đô đốc Philip G.Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7 – Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đã đồng chủ trì họp báo giới thiệu chương trình, nội dung chuyến thăm. Ông Lâm Quang Minh khẳng định đây là vinh dự của TP sau sự kiện đăng cai APEC 2017, có ý nghĩa rất quan trọng trong hợp tác quốc tế.
Chuẩn đô đốc John Fuller, chỉ huy đoàn tàu sân bay USS Carl Vinson, cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đã hiện diện trên Biển Đông từ năm 2017 với mục tiêu tăng cường hoạt động hải quân, cố gắng đóng góp phát triển mối quan hệ 2 nước.
Thông điệp của tàu ngầm Mỹ
Trong cuộc họp báo chung tại Đà Nẵng, Phó đô đốc Philip G.Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7 – Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đề cập mong muốn tàu ngầm thăm Việt Nam. Hiện nay, Mỹ có lực lượng tàu ngầm hạt nhân rất hùng mạnh. Về quy mô thì tàu sân bay mang tính biểu tượng quân sự cao, nhưng về sức mạnh thì tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được cho là vượt cả tàu sân bay. Bằng chứng là hiện nay, nếu tính cả các loại tàu đổ bộ mang trực thăng có thể chuyển đổi thành tàu sân bay bằng cách sử dụng chiến đấu cơ F-35 cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng, thì hiện có không dưới 10 quốc gia sở hữu tàu sân bay (gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, Anh, Pháp, Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Tây Ban Nha, Brazil…). Trong khi đó, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thường được trang bị kèm theo vũ khí hạt nhân cấp độ chiến lược thì chỉ 6 quốc gia sở hữu là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ.
Hồi năm ngoái, giữa lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố đã điều động một tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio đến vùng biển Đông Bắc Á. Thông qua Twitter, Tổng thống Trump khi đó đã viết về chiếc tàu ngầm lớp Ohio như sau: “Chúng ta đã gửi một hạm đội (đến Đông Bắc Á – NV). Đội tàu này đầy uy lực. Trong đó có cả tàu ngầm với sức mạnh vượt trội. Sức mạnh đó vượt cả tàu sân bay. Đó là điều tôi có thể nói với mọi người”. Thực sự, tàu ngầm lớp Ohio có khả năng tấn công đủ để đưa nhiều quốc gia về “thời kỳ đồ đá” khi mang theo đến 24 tên lửa đạn đạo Trident có tầm bắn khoảng 10.000 km, mỗi tên lửa mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.
Ngô Minh Trí
|
Không chỉ là song phương
Tối 5.3, trả lời phỏng vấn Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế nhận định việc tàu USS Carl Vinson đến Đà Nẵng không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt – Mỹ mà còn mang nhiều thông điệp lớn hơn.
TS Patrick Cronin (Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới có trụ sở tại Washington, Mỹ): Chuyến thăm không chỉ mang ý nghĩa tăng cường sự hợp tác giữa hai nước. Khu vực sẽ trở nên an toàn và ổn định hơn khi các quốc gia có chủ quyền phối hợp với nhau nhằm nâng cao năng lực của nhau và cùng tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông Murray Hiebert (Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ): Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc phát triển sâu rộng quan hệ Việt – Mỹ. Quan hệ song phương được tăng cường sẽ gửi một thông điệp rõ ràng hơn cho các nước khác có ý định dùng “cơ bắp” trên Biển Đông. GS Richard Javad Heydarian (chuyên gia phân tích chính trị – giảng dạy tại Đại học La Salle, Philippines): Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, chuyến thăm còn phản ánh mối quan hệ sâu rộng trong bối cảnh an ninh khu vực có sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam và Mỹ còn phải đạt được bước tiến lớn hơn là tạo ra những biện pháp hợp tác thực sự hiệu quả. TS Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Hudson, Mỹ): Dù đây chỉ là chuyến thăm ngoại giao thì vẫn mang 3 thông điệp quan trọng. Thứ nhất, Mỹ muốn nhắn gửi sự duy trì hiện diện liên tục trên Biển Đông. Hiện tại, Washington đang phải đối phó với rất nhiều vấn đề trải dài từ khu vực Ả Rập, bán đảo Triều Tiên… đến Nga, nhưng vẫn không quên chú trọng vào tình hình Biển Đông. Thứ hai, về mặt biểu tượng quân sự, Trung Quốc thời gian qua luôn quảng bá đang sở hữu tên lửa đủ sức đánh chìm tàu sân bay để thực thi chiến lược phong tỏa chống tiếp cận. Thế nhưng, Washington vẫn điều động tàu sân bay đến Biển Đông. Thứ ba, hải trình lần này của tàu USS Carl Vinson đến vùng Đông Bắc Á còn là một thông điệp của Washington trước Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ giữ vững các cam kết đối với khu vực. TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore): USS Carl Vinson là tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong hơn 40 năm qua, nên chuyến thăm thể hiện sự tin tưởng ngày càng tăng lên trong quan hệ 2 nước với mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đặc biệt là lĩnh vực hàng hải. Trung Quốc có thể sẽ quan tâm chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson. Mặc dù vậy, mối quan tâm lớn nhất của Bắc Kinh vẫn là các thỏa thuận hợp tác hậu cần, huấn luyện chung Việt – Mỹ, hoặc Việt Nam mua vũ khí của Mỹ. PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada): Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson đã chỉ ra rằng chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục cam kết đối với hợp tác an ninh trong khu vực. Kết hợp với số lượng chuyến thực thi tự do hàng hải (FONOP) mà hải quân Mỹ tiến hành gần đây, thì chuyến thăm càng thể hiện ý nghĩa quan trọng, thậm chí nâng cao hơn nữa sáng kiến được hình thành từ thời Tổng thống Barack Obama. Ngô Minh Trí (thực hiện)
|