Hồi sinh dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur – Singapore
Dự kiến vào năm 2026, di chuyển giữa Kuala Lumpur – Singapore chỉ còn 90 phút, kể cả thời gian làm thủ tục, so với hơn 300 phút như hiện nay, nhờ vào hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại vừa được triển khai đầu tư tới 13 tỉ USD.
Hồi sinh dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur – Singapore
Dự kiến vào năm 2026, di chuyển giữa Kuala Lumpur – Singapore chỉ còn 90 phút, kể cả thời gian làm thủ tục, so với hơn 300 phút như hiện nay, nhờ vào hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại vừa được triển khai đầu tư tới 13 tỉ USD.Dự án này đã được Malaysia và Singapore tiến hành ký kết hiệp định song phương, dự kiến hoạt động từ năm 2026, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế – xã hội cho cả hai quốc gia.
Sau nhiều lần hoãn
Cứ khoảng 10 ngày, Farhan – kỹ sư công nghệ thông tin người Pakistan, hiện sinh sống cùng vợ và 4 con ở Kuala Lumpur – lại đến Singapore làm việc. Để tiết kiệm, công ty chỉ cho di chuyển bằng xe buýt nhưng quãng đường 350km này lấy mất của anh không dưới 6 giờ. “Có hôm vừa hết ngày làm việc ở Kuala Lumpur, tôi phải lên xe ngay cho kịp ngày làm việc ở Singapore hôm sau. Nhưng chưa lần nào tôi đi được ít hơn 6 giờ vì thường xuyên kẹt xe ở cửa khẩu”. Với Farhan, dự án đường cao tốc nếu đưa vào hoạt động sẽ giúp anh bớt rất nhiều thời gian di chuyển.
Ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này ban đầu do phía Malaysia khởi xướng từ những năm 1990 nhưng do chi phí cao nên bị cất vào hộc tủ. Mãi đến tháng 2-2013, thủ tướng hai quốc gia cùng tuyên bố sẽ thực hiện tuyến đường sắt này làm lóe lên hi vọng dự án sẽ khởi động năm 2015 và hoạt động từ năm 2020.
Nhưng thay vì khởi động thì năm 2015, cả hai thủ tướng Malaysia và Singapore đều thống nhất phải hoãn thời gian thực hiện dự án do nhiều vấn đề phức tạp: địa điểm đặt nhà ga ở phía Singapore và thu xếp vốn của các bên, bởi ban đầu hai nước chia kinh phí theo kiểu đường sắt nằm trên phần đất nào thì quốc gia đó đầu tư.
Dự án đường sắt cao tốc này có chiều dài tổng cộng 350km, trong đó 335km ở phía Malaysia và 15km ở phía Singapore, với tổng cộng 8 nhà ga (7 nhà ga ở Malaysia và 1 nhà ga ở Singapore). Phía Singapore thông báo sẽ đặt ga cuối ở Jurong East, nơi đang có các nhà máy và khu công nghiệp. Nhưng hành khách lại phải mất đến 60 phút để di chuyển từ Jurong East vào trung tâm và Singapore nói sẽ tăng cường hệ thống giao thông để rút ngắn thời gian này.
Malaysia cho rằng họ bỏ quá nhiều tiền đầu tư nên muốn phía Singapore phải mở nhà ga ở trung tâm quốc đảo này. Nếu Singapore chọn việc mở nhà ga ở Jurong East (gần Malaysia), vị trí nhà ga ở đây sẽ giúp khu vực này trở nên sầm uất, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho Singapore thì quốc đảo này phải đóng góp nhiều hơn.
Theo cơ quan nhập cư Malaysia, mỗi ngày có không dưới 300.000 lượt người qua lại bằng đường bộ giữa Malaysia và Singapore, chưa kể những người ngồi trên các phương tiện cơ giới qua cửa khẩu này. Điều này khiến đây là một trong những cửa khẩu bận rộn nhất thế giới và kẹt xe luôn diễn ra.
Hoạt động vào năm 2026
Giữa tháng 12-2017, hai thủ tướng cùng chứng kiến lễ ký hiệp định song phương về xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur – Singapore. Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2018 với chi phí ước tính có thể lên tới 13 tỉ USD.
Các chuyên gia tính toán dự án đường sắt cao tốc sẽ đóng góp ít nhất khoảng 5 tỉ USD cho GDP của hai quốc gia và tạo ra 111.000 việc làm vào năm 2060, giúp Malaysia gia tăng GDP bình quân đầu người lên 15.000 USD vào năm 2020.
Khi hoàn thành vào năm 2026, chuyến tàu chạy với vận tốc 300km/h sẽ giúp hành khách chỉ mất 90 phút để đi lại giữa hai thành phố, kể cả thời gian làm thủ tục nhập cảnh, hải quan và kiểm dịch. Nếu di chuyển bằng hệ thống đường sắt hiện nay, hành khách mất ít nhất 11 giờ, nếu đi bằng ôtô khoảng 4-5 giờ (chưa kể thời gian kẹt xe ở cửa khẩu giữa hai quốc gia), hay so với đi máy bay cũng mất khoảng 4 giờ nếu tính cả thời gian chờ và di chuyển đến sân bay.
Các chuyên gia tính toán mỗi năm hệ thống đường sắt cao tốc này sẽ vận chuyển khoảng 15,2 triệu lượt hành khách trong giai đoạn đến năm 2030 và tăng lên đến 37,8 triệu lượt vào năm 2060. Hệ thống đường sắt này cũng giúp giảm 55 triệu kg lượng CO2 thải ra bởi các ôtô.
Nhiều công ty tranh thầu
Hàng loạt công ty tên tuổi với kinh nghiệm và danh tiếng trong lĩnh vực giao thông đường sắt… của châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đều đang làm mọi cách để giành các gói thầu thuộc dự án này. 10 công ty Nhật Bản bao gồm Công ty đường sắt phía Đông và Tập đoàn Sumitomo đã liên kết với nhau cùng tham gia đấu thầu. Hồi tháng 2-2018, đại sứ Nhật Bản tại Malaysia Makio Miyagawa khẳng định sẽ hỗ trợ gói tài chính ưu đãi “đảm bảo giảm bớt gánh nặng tài chính ở mức tối đa cho cả hai quốc gia”.
Tám công ty đường sắt đứng đầu là Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cũng hi vọng thắng thầu. Các tập đoàn Siemens (Đức), Alstom (Pháp), Ferrovie dello Stato Italiane (Úc), Porr (Áo)… cũng cho biết đã liên kết với các doanh nghiệp Malaysia và quốc tế để tham gia đấu thầu.
LÊ NAM (từ Singapore)