25/01/2025

4 điểm thay đổi quan trọng mùa tuyển sinh 2018

Năm 2018 Bộ GD-ĐT không còn quy định điểm sàn, nhưng các trường có thể đưa ra điểm sàn riêng, thí sinh cần tìm hiểu kỹ để tránh bị loại vì không đạt.

 

4 điểm thay đổi quan trọng mùa tuyển sinh 2018

Năm 2018 Bộ GD-ĐT không còn quy định điểm sàn, nhưng các trường có thể đưa ra điểm sàn riêng, thí sinh cần tìm hiểu kỹ để tránh bị loại vì không đạt.


 

4 điểm thay đổi quan trọng mùa tuyển sinh 2018 - Ảnh 1.

S Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM, giải đáp thắc mắc của học sinh trong Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 ở Đắk Lắk – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Đó là lưu ý của đại diện Bộ GD-ĐT trong Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp sáng 3-3. Chương trình tư vấn do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Sở GD-ĐT Đắk Lắk và Tỉnh đoàn Đắk Lắk phối hợp tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Phần lớn trong số hơn 4.000 học sinh lớp 12 tỉnh Đắk Lắk có mặt tại chương trình tỏ ra sốt ruột, vì đến thời điểm này Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

TS Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ 4 điểm thay đổi quan trọng trong năm 2018 thí sinh cần lưu ý: thứ nhất, đề thi bao gồm khối kiến thức lớp 11; thứ hai, thay đổi chênh lệch mức điểm ưu tiên khu vực; thứ ba, Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn đối với các ngành, trừ các ngành thuộc đào tạo giáo viên; thứ tư, điểm làm tròn đến 2 chữ số thập phân chứ không phải 0,25.

Khai thông tin chính xác để tránh rắc rối

 

Tại buổi tư vấn, PGS.TS Trần Anh Tuấn – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết năm nay Bộ GD-ĐT có chủ trương không thay đổi nhiều về quy chế thi và xét tuyển ĐH, chỉ chỉnh sửa một số vấn đề về kỹ thuật liên quan đến việc xét tuyển và thi.

Ông Tuấn lưu ý: việc đăng ký xét tuyển ĐH được thực hiện cùng với đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trong quá trình đăng ký, tất cả thông tin liên quan đến từng thí sinh sẽ được quản lý bằng phần mềm trực tuyến, được nhập vào phần mềm chung của Bộ GD-ĐT. Vì vậy thí sinh cần hết sức lưu ý, khai thông tin phải thật chính xác.

Năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng ký xét tuyển không hạn chế số lượng nguyện vọng. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhắc nhở thí sinh: “Nên căn cứ vào năng lực học tập của mình để đăng ký nguyện vọng theo 3 nhóm: những nguyện vọng cao hơn năng lực, những nguyện vọng bằng năng lực và những nguyện vọng thấp hơn năng lực để tăng khả năng trúng tuyển. 

Thí sinh cần tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các ngành và điểm chuẩn các năm trước. Thông thường, những ngành có nhiều chỉ tiêu thì khả năng điểm chuẩn thấp hơn ngành có ít chỉ tiêu. Các em cũng phải tìm hiểu thật kỹ về các ngành và trường mình quan tâm, phù hợp với nguyện vọng của mình và điều kiện kinh tế của gia đình”.

Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, với hai hình thức: sử dụng tài khoản với mật khẩu đã được cấp để điều chỉnh qua mạng, hoặc đến các điểm đăng ký dự thi để điều chỉnh bằng phiếu. 

“Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT không còn quy định điểm sàn, điều này có nghĩa thí sinh được quyền nộp hồ sơ xét tuyển vào bất cứ trường ĐH nào. Tuy nhiên các trường ĐH, CĐ có thể đưa ra điểm sàn riêng, nên thí sinh cần tìm hiểu kỹ, tránh trường hợp không đạt điểm sàn dẫn đến không được xét tuyển” – ông Tuấn cho hay.

Sắp xếp thứ tự ưu tiên theo sự yêu thích

4 điểm thay đổi quan trọng mùa tuyển sinh 2018 - Ảnh 2.

Học sinh tham gia chương trình, trong đó nhiều em nữ bày tỏ quan tâm khối ngành kỹ thuật – Ảnh: TRẦN HUỲNH

TS Lê Thị Thanh Mai – ĐHQG TP.HCM – lưu ý: “Các em căn cứ vào điểm trung bình của lớp 11, lớp 12 và ước tính thêm mức điểm mình có thể đạt được trong kỳ thi năm nay là bao nhiêu. Từ đó, các em chọn những nơi có mức điểm chuẩn không cách biệt với sức học của mình, đừng quá 3 điểm. Cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về sự yêu thích của mình, ngành nào yêu thích nhất thì xếp lên trên”.

Bà Mai cũng nhắc sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2018, nhìn vào mặt bằng điểm chung và điểm chuẩn của năm trước để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển nếu thật cần thiết. 

Cần lưu ý, mặc dù Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn, nhưng các trường ĐH cũng tự phân hóa thành 3 nhóm: nhóm các trường có điểm chuẩn dao động xung quanh điểm sàn (16 điểm trở lại), nhóm các trường dành cho học sinh khá và nhóm các trường có mức điểm khá giỏi trở lên. 

Các trường ĐH có thể có nhiều phương án xét tuyển, nên các em cần đối chiếu lại xem phương án xét tuyển nào phù hợp, tận dụng mọi cơ hội để chọn được ngành, trường mình yêu thích.

Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Anh Tuấn, đối với các ngành có môn thi năng khiếu, thí sinh cần lưu ý: thí sinh phải theo dõi thông tin hướng dẫn của các trường để biết được lịch thi môn năng khiếu và hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi. 

Năm trước, có rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi môn năng khiếu nhưng không đến dự thi, dẫn đến việc thí sinh không có điểm môn năng khiếu và không đủ điều kiện xét tuyển.

Sáng nay (4-3), Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 tiếp tục diễn ra ở Khánh Hòa từ 7h30-11h tại Trường ĐH Khánh Hòa (số 1 Nguyễn Chánh, TP Nha Trang).

Con gái có nên học bách khoa?

Gần 500 ghế trong hội trường Trường THPT Buôn Ma Thuột, khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật công nghệ, nông lâm, giao thông… không còn một chỗ trống.

Tại đây, rất nhiều học sinh quan tâm đến thông tin các ngành học và tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo nhà trường, phải giải đáp liên tục các câu hỏi của các bạn học sinh.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Tuyền, học sinh Trường THPT Cư M’gar, cho biết bạn rất yêu thích các ngành kỹ thuật, nhưng băn khoăn: “Con gái học ĐH Bách khoa có phù hợp hay không?”.

 

TS Thông khuyên: “Nếu thực sự yêu thích và đam mê ngành học này, em phải học giỏi môn lý thì mới có thể mạnh dạn chọn. Nếu vào được ĐH Bách khoa, tôi nghĩ em sẽ có nhiều lợi thế khi là nữ, chứ không có bất lợi gì. Thực tế, một số khoa của trường hiện cũng có tỉ lệ sinh viên nữ cao như hoá, môi trường, kỹ thuật hệ thống công nghiệp…”.

TRẦN HUỲNH