28/11/2024

Bất thường cảng Trung Quốc ở Pakistan

Chính quyền Pakistan duy trì lực lượng an ninh dày đặc tại cảng Gwadar để bảo vệ siêu dự án của Trung Quốc.

 

Bất thường cảng Trung Quốc ở Pakistan

Chính quyền Pakistan duy trì lực lượng an ninh dày đặc tại cảng Gwadar để bảo vệ siêu dự án của Trung Quốc.



 

Binh sĩ Pakistan túc trực tại cảng Gwadar /// Ảnh: AFP

Binh sĩ Pakistan túc trực tại cảng Gwadar ẢNH: AFP

Được xem là cửa ngõ của Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), lá cờ đầu trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”, cảng biển Gwadar hiện do Trung Quốc quản lý theo hợp đồng thuê có giá trị đến năm 2059.
 

Theo Bloomberg, với vị trí hướng ra Ấn Độ Dương và gần biên giới với Iran, Gwadar được kỳ vọng trở thành trung tâm vận chuyển hàng hoá nối khu vực miền tây Trung Quốc với Trung Đông và châu Âu cũng như mang lại lợi ích địa chiến lược không nhỏ. Dự kiến vào tháng 6, Trung Quốc sẽ bắt đầu kế hoạch mở rộng, nâng cấp cảng trị giá 1,2 tỉ USD.

 
Tuy nhiên, theo Bloomberg, bầu không khí “bất thường” đang bao quanh Gwadar khi tại địa điểm này luôn có sự xuất hiện của binh sĩ Pakistan được vũ trang đầy đủ.
 

Tại hội nghị giới thiệu về cảng thương mại này diễn ra hồi cuối tháng 1, đại diện các doanh nghiệp và giới đầu tư không khỏi hoang mang khi bị lực lượng an ninh kè sát từ ngoài phố cho đến hành lang khách sạn. Các phóng viên đến đưa tin về sự kiện cũng không nằm ngoài sự giám sát chặt chẽ của cơ quan tình báo, an ninh Pakistan.

 
Chuyên gia Andrew Small, tác giả cuốn sách Quan hệ Pakistan – Trung Quốc, bình luận rằng mức độ tăng cường an ninh này cho thấy sự bất thường tại Gwadar.
 

Bên cạnh đó, thương cảng nằm ở thành phố cùng tên thuộc tỉnh Balochistan, nơi có tình hình an ninh vẫn rất bất ổn với các vụ tấn công của những nhóm vũ trang cực đoan địa phương, nên giới chuyên gia cũng tỏ ra ngờ vực về mức độ thu hút đầu tư. Theo tờ South China Morning Post, ngoài công dân Trung Quốc, hầu như không có bóng dáng người nước ngoài nào tại Gwadar.

 
Mặt khác, lời cam kết của chính quyền Pakistan và nhà đầu tư Trung Quốc về góp phần tạo thêm việc làm, đẩy mạnh phát triển địa phương vẫn chỉ đang nằm trên giấy.
 

“Dân địa phương không có thêm việc làm, không có gì cả”, chủ một tiệm bán xe ở Gwadar tên Hameed Rasheed nói.

Đã có nhiều ý kiến so sánh Gwadar với dự án tương tự tại Hambantota (Sri Lanka). Chấp nhận đầu tư từ Trung Quốc kèm theo nhiều điều kiện, Sri Lanka gánh khoản nợ khổng lồ và mới đây đã phải chính thức chuyển giao quyền vận hành cảng Hambantota cho đối tác để giảm nợ, bất chấp phản đối dữ dội của dư luận.
 

Chính vì thế, theo giới chuyên gia nước ngoài, một trong những mục tiêu thật sự phía sau dự án Gwadar là một căn cứ quân sự thuộc kế hoạch thách thức tầm ảnh hưởng của Ấn Độ và Mỹ tại khu vực. Hồi tháng 6.2017, Lầu Năm Góc ra báo cáo cho rằng Gwadar sẽ trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc. Mặc dù các bên liên quan đều phủ nhận nhưng chuyên gia quân sự Chu Trần Minh ở Bắc Kinh cho rằng căn cứ quân sự sẽ được xây gần cảng Gwadar và đóng vai trò cơ sở cho tàu hải quân Trung Quốc.

 

Đáng chú ý là cảng Gwadar nằm không xa cảng Chabahar ở Iran, nơi Ấn Độ đã đầu tư hơn 100 triệu USD cho hai bến tàu trong một hợp đồng thuê 10 năm. Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang duy trì một căn cứ quân sự tại Djibouti và nếu có thêm cơ sở ở Gwadar, nước này sẽ sở hữu gọng kềm kẹp Ấn Độ Dương vào giữa, điều chắc chắn khiến Ấn Độ không thể ngồi yên.